Monday, January 12, 2015

Chế Linh nói về người tình trong 'Mai lỡ hai mình xa nhau'

Danh ca từng yêu thầm một người con gái tên Mai. Đó là nguồn cảm hứng để ông viết nên nhạc phẩm nổi tiếng với bút danh Tú Nhi.

Gặp ca sĩ Chế Linh trong một chiều nhạt nắng tại Sài Gòn, ông tiếp chuyện với người viết bằng tâm trạng vui vẻ và vô cùng cởi mở. Mặc dù không thường xuyên ở Việt Nam, là một danh ca tại hải ngoại, nhưng cách tiếp chuyện của ông với người đối diện rất chân tình và gần gũi. Chế Linh cho biết, là một nghệ sĩ, là người của công chúng, ông có trách nhiệm chia sẻ, trả lời tất cả những câu hỏi khán giả cũng như báo chí muốn biết.

- Trong sự nghiệp, ngoài ca hát, ông còn là một cây bút tài hoa sáng tác nhiều ca khúc với bút hiệu Tú Nhi. Vì sao ông không dùng chính nghệ danh ca hát của mình làm bút hiệu khi sáng tác?
- Tôi chỉ nghĩ đơn giản tôi là một ca sĩ thì thôi, khi viết nhạc tôi nên lấy một cái tên khác. Bởi nếu tôi lấy tên Tú Nhi chuyên viết bài cho Chế Linh hát và ngược lại, Chế Linh chỉ hay hát bài của Tú Nhi thì nó sẽ lạ và… hay hơn (cười). Thật sự tôi cũng giấu tên này khá lâu, không muốn cho mọi người biết nhưng một số anh em trong nghề đã cố gắng đưa ra cho bà con nên tôi cũng sẵn lòng để chia sẻ thôi.
Tú Nhi nghĩa là một đứa bé nhỏ. Tú mang ý nghĩa là tuấn tú, nhi tức là nhi đồng. Nó chỉ đơn giản là vậy chứ không phải là tên của một cô gái hay người yêu nào đó của tôi.


Danh ca Chế Linh.

- Vậy trong gia tài sáng tác của ông, ca khúc nào có bóng dáng của những bóng hồng?
- Đại đa số bài hát do tôi sáng tác đều có bóng dáng của một đối tượng nào đó. Mỗi bài hát đều có cái thực ở trong đó, còn cụ thể là ai thì cho phép tôi tạm giấu đi. Những người đó hồi xưa tôi gọi là cô, bây giờ thì phải gọi bằng bà rồi. Chính những cô gái đó đã cho tôi cái lâng lâng cảm xúc hạnh phúc, cảm hứng để mà viết bài. Hình ảnh các cô gái đó tự nhiên lắm, đẹp lắm, cho tới ngày hôm nay tôi vẫn tôn trọng tình cảm mà họ đến với tôi khi xưa, cho tôi một số cảm xúc được đánh dấu bằng thơ, nhạc.

Tôi thấy rằng không có điều hạnh phúc nào lớn bằng khi bài hát tôi viết ra chỉ có tôi và người đó biết, thậm chí, vợ tôi hiện tại cũng chưa chắc biết là tôi đã từng viết nó cho ai. Những bài hát tôi viết đều có một cái gì đó chứ không phải tự nhiên mà tôi viết. Không phải cứ ai đặt tiền để mua bài là tôi viết. Tôi hay lấy cảm xúc viết nhạc từ câu chuyện của một người nào đó hoặc câu chuyện của chính mình. Tôi viết khá nhiều, chỉ riêng những bài thu thanh cũng tới 60-70 bài.

- Vậy trong các ca khúc mà ông đã viết, “Mai lỡ hai mình xa nhau” là ca khúc có bóng dáng của câu chuyện tình lần thứ mấy?
- (Cười). Bạn là người đầu tiên hỏi tôi về câu chuyện này. Cô gái trong bài hát tên Mai cho nên tôi mới đặt tựa là Mai lỡ hai mình xa nhau. Mai ở đây là cô Mai chứ không phải ngày mai như nhiều người lầm tưởng. Tôi quen cô ấy như một người tình, dĩ nhiên, không phải là người chung sống với tôi. Thời viết ca khúc này tôi có rất nhiều cô gái đến với mình. Họ mang đến cho tôi những thích thú trong sáng tác.

- Sau này, chuyện tình đó thế nào?
- Tôi không biết cô ấy hiện đang ở đâu và cũng không biết cô ấy còn sống hay đã chết. Tôi viết bài đó vào khoảng những năm sáu mươi mấy nhưng đến bây giờ tôi vẫn chưa có dịp gặp lại. Trong ký ức của tôi, đó là một cô gái mang lại cho tôi ấn tượng rất đẹp. Tôi nghĩ cô ấy đã có chồng và đã có gia đình êm ấm, hạnh phúc.

Tôi sáng tác ca khúc Mai lỡ hai mình xa nhau tự nhiên lắm. Cảm xúc để tôi viết ca khúc là khi cô này đến với tôi thì có rất nhiều cô khác nữa cũng đi tới với tôi, tự nhiên một ngày cô ấy vắng bóng và tôi không còn nhìn thấy nữa. Hình ảnh đó đem tới cho tôi những cái lâng lâng lạ lạ nên tôi nảy ra cảm hứng viết bài. Có thể cô gái đó cũng chưa chắc biết tôi viết bài này cho cô vì từ trước đến giờ chưa ai hỏi và tôi cũng chưa có ý định chia sẻ chuyện này trước đây.
- Vì ông không từng công bố nên sẽ có rất nhiều người hát sai ca khúc “Mai lỡ hai mình xa nhau”?
- Đúng vậy. Với bài hát này, bạn không thể hát “Mai lỡ/hai mình xa nhau” mà phải hát cho đúng là “Mai/lỡ hai mình xa nhau”.

Chế Linh ký tặng cho người hâm mộ trong tour diễn tại các tỉnh miền Nam hồi tháng 12/214.

- Một giọng hát thiên phú thì có thể cất lên bất kỳ lúc nào cũng được nhưng với sáng tác thì không thể tự nhiên mà được. Ông đã học sáng tác trong hoàn cảnh nào?
- Hồi đó ở trong ca đoàn nhà thờ nên tôi được học nhạc lý. Còn nhớ, lúc đó tôi thường hát nhạc Pháp, không giỏi lắm về tiếng Việt. Sau này, khi xác định sẽ sống và làm việc, đặc biệt là làm văn hóa tại Việt Nam, tôi nghĩ mình phải am tường, từ đó mà tôi quyết định học hỏi rồi trau dồi. Tôi đi tìm những người có trình độ như Trúc Phương, Duy Khánh, Lam Phương, Thu Hồ, Lê Vinh và nhiều nhạc sĩ khác để học hỏi.

- Thẳng thắn mà nói thì ông thấy mình hát ca khúc của ông tự sáng tác là hay nhất hay người khác hát ca khúc của ông thì mới tuyệt vời nhất?
- Tôi rất thích thú và sung sướng khi các bạn và các em trong giới ca sĩ hát ca khúc của mình. Tuy nhiên, thực sự thì tôi vẫn chưa vừa ý lắm vì có những cái luyến láy, nhấn nhá của chữ và từng nốt nó không đúng. Mỗi người có một lối hát riêng. Họ hát có cảm xúc, diễn đạt cũng hay lắm nhưng đúng chất của ca khúc hay không thì không hẳn vì có chỗ thay vì kéo dài thì họ không kéo dài, thay vì chỗ đó bỏ nhỏ thì họ không bỏ nhỏ thành thử nó không đúng hoàn toàn với tinh thần của ca khúc mà tôi sáng tác.
Không phải vì hát ca khúc của tôi mà tôi mới cẩn thận. Hát bài của nhạc sĩ khác tôi cũng luôn đọc kỹ để muốn tác giả muốn nói gì và những nốt nào tác giả không thể dệt được. Vì trong luật nhạc, chúng ta chỉ dệt được trong một khoảng nào thôi, thành thử tôi phải biết tác giả muốn nhấn mạnh đoạn nào và nốt nào tác giả muốn gợi lên với chữ mà tác giả dệt, đoạn nào tác giả muốn gửi gắm. Khi truyền đạt cho các em ca sĩ sau này tôi vẫn luôn nhắc nhở phải am tường, tìm hiểu cho thật kỹ từng câu mà tác giả muốn nói.

- Ông muốn khán giả nhìn nhận và nhớ đến ông ở góc độ của một danh ca hay một người sáng tác?
- Tôi mong mọi người dành tình thương yêu đó cho Chế Linh, chỉ bấy nhiêu là đủ rồi. Thương Chế Linh cũng là thương Tú Nhi và thương Lưu Trần Lê rồi.

Hiện tôi còn sáng tác nhưng tôi không cho phép mình hát những bài mới. Tôi hát những bài cũ để phục vụ cho bà con. Tôi nghĩ, nếu hát bài mới bà con sẽ bỏ tôi ngay nên bài mới tôi sẽ để cho ca sĩ khác hát trong tương lai khi ra mắt tập nhạc. Đó cũng chỉ là những bài hát viết về tình yêu mà thôi.

- Ở mỗi giai đoạn của đời người thì chúng ta thường có những mục tiêu và suy nghĩa rất khác nhau. Với số tuổi ngoài 70 như hiện nay, ông đang sống vì điều gì?
- Ngoài tập hát thì tôi vẫn hay tập thể dục thể thao, bơi lội, câu cá, hít thở không khí trong lành để mình còn khỏe, còn đủ hấp dẫn để đứng trước những người thương mình là khán giả.

Tới tuổi này tôi chỉ mong là làm như thế nào để giữ được sức khỏe, giữ được giọng để còn có thể đến với những người thương mến mình cho nó thật trọn vẹn. Tôi chưa dám nghĩ đến chuyện nghỉ hát bởi vì tôi không phải là tôi của gia đình. Tôi là của khán giả. Khi nào không thể hát nữa thì tôi sẽ lui vào bóng tối làm một công việc khác, làm một công tác khác chứ không dám tuyên bố là nghỉ hát. Thực sự là tôi không dám tuyên bố nghỉ hát mặc dù nhiều lúc cũng mệt lắm nhưng tôi nghĩ mình không có quyền hồ đồ đó.

No comments :

Post a Comment

Hiện tượng “Dưa leo”


Mà các bạn cũng biết ở Việt Nam muốn nắm quyền hành cao thì phải là đảng viên, mà đảng viên theo chỉ thị 15 thì công an không đụng vô được. Nó giống như Thượng phương bảo kiếm của Bao Công đó các bạn! Vậy thì sao? Các bạn kết luận cho bản thân nhé.

Ảnh nghệ thuật : "Đường cong hoa sen”

Giữa sen và cơ thể xuân thì của thiếu nữ Việt có một điểm chung dễ nhận thấy, đó là những đường cong mềm mại, gợi cảm… Có thể cảm nhận rõ nét điều này qua những tác phẩm do họa sĩ / nhiếp ảnh gia Dương Quốc Định thực hiện: