Tuesday, December 15, 2015

Tỷ lệ tử vong khi sinh đã giảm nhưng vẫn chưa đạt mục tiêu

Pic
Một phụ nữ mang thai đang được bác sĩ siêu âm tại bệnh viện phụ sản của Caen, miền bắc nước Pháp
Việt Hà, phóng viên RFA


Báo cáo mới đây của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho thấy tỷ lệ tử vong ở các bà mẹ trong và sau khi sinh trên toàn cầu đã giảm đáng kể trong các năm qua nhưng vẫn còn cao hơn mục tiêu mà Liên Hiệp Quốc đặt ra cho năm 2015, đặc biệt là ở những nước nghèo và những nước đang phát triển. Những khó khăn nào mà thế giới đang phải đối mặt trong việc tìm cách giảm con số tử vong khi sinh nở ở phụ nữ?
Tỷ lệ tử vong giảm nhưng chưa đủ
Tỷ lệ tử vong của các bà mẹ khi sinh trên toàn thế giới đã giảm từ 385 trên 100,000 ca vào năm 1990 xuống còn 216 trên 100,000 ca vào năm 2015 được các chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đánh giá là một bước tiến đáng kể của thế giới trong ¼ thế kỷ qua. Tuy nhiên con số này vẫn còn thấp hơn so với mục tiêu mà Liên Hiệp Quốc đặt ra là giảm 75% số ca tử vong ở các bà mẹ khi sinh vào năm 2015.
Theo báo cáo mới được công bố trên tạp chí Y học the Lancet mới đây, 99% các ca tử vong trong và sau khi sinh xảy ra ở các nước đang phát triển. Tỷ lệ tử vong ở phụ nữ khi sinh trong năm 2015 tại các nước phát triển là 12 trên 100,000 ca, trong khi tỷ lệ này ở các nước vùng hạ Sahara là 546 trên 100,000 ca.
Theo báo cáo, tại các nước đang phát triển, phần đông phụ nữ tử vong trong và sau khi sinh do nguyên nhân chảy máu quá nhiều hay còn gọi là băng huyết, huyết áp cao, và viêm nhiễm.
Hãng tin Reuters trích lời của bác sĩ Leontine Alkema thuộc trường đại học Massachusetts, và Doris Chou của WHO cho biết ‘so với cá nước phát triển, tỷ lệ tử vong ở phụ nữ khi sinh tại các nước đang phát triển cao hơn vì những hạn chế trong việc tiếp cận với dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản chuyên môn để giảm những rủi ro do biến chứng qua việc xác định những phụ nữ cần chăm sóc hoặc có người chuyên môn ở phòng đỡ đẻ để xử lý những trường hợp mất máu quá nhiều  sau khi sinh’.
Tiến sĩ Jaqui Darroch, đồng tác giả một báo cáo mới đây của viện Guttmatcher tại Hoa Kỳ và Quỹ dân số Liên Hiệp Quốc về sức khỏe sinh sản cho biết về vấn đề chăm sóc sức khỏe sinh sản tại các nước đang phát triển như sau:
Thời điểm sinh con là thời điểm có nhiều rủi ro nhất. Hiện chúng ta có số liệu là 300,000 phụ nữ tử vong mỗi năm trong quá trình mang thai và nhất là trong khi sinh. 
- Tiến sĩ Jaqui Darroch
Chúng tôi tham khảo hướng dẫn của Tổ chức y tế Thế giới về tiêu chuẩn chăm sóc y tế cho phụ nữ có mang và sau khi có con. Chúng tôi so sánh với thực tế đang diễn ra. Chúng tôi thấy là có hai điều. Một số phụ nữ ở vùng hạ Sahara và thậm chí cả ở châu Á đã không nhận được các chăm sóc tiền sinh sản theo hướng dẫn của WHO. Ngoài ra, rất nhiều người trong số họ không sinh con ở các trạm xá hay bệnh viện.
Khi phụ nữ không nhận được các chăm sóc tiền sinh sản cũng như trong quá trình sinh con theo đúng hướng dẫn của WHO thì sức khỏe của họ sẽ bị ảnh hưởng vì có những biến chứng đã không được phát hiện và điều trị kịp thời. Thời điểm sinh con là thời điểm có nhiều rủi ro nhất. Hiện chúng ta có số liệu là 300,000 phụ nữ tử vong mỗi năm trong quá trình mang thai và nhất là trong khi sinh. Thời gian sinh nở cũng là thời gian nhiều rủi ro cho trẻ mới sinh. Có gần 3 triệu trẻ mới sinh tử vong trong vòng 6 tuần sau khi sinh, mỗi năm trên thế giới.
Theo WHO, ở những nước có thu nhập cao, phụ nữ mang thai được khám định kỳ ít nhất 4 lần trong quá trình mang thai và được chăm sóc sau khi sinh. Nhưng ở các nước thu nhập thấp, chỉ có 40% những phụ nữ mang thai có được chăm sóc y tế tiền sinh sản. Nguyên nhân phần lớn là do nghèo khó, quãng đường từ nhà đến cơ sở y tế quá xa, thiếu thông tin, thiếu dịch vụ chăm sóc y tế, và cuối cùng là do văn hóa, tập tục ở địa phương.
Theo báo cáo của giới chức Y tế Việt nam với WHO vào năm 2014, Việt Nam là một trong 10 quốc gia trên thế giới đang trong đúng lộ trình thực hiện thành công mục tiêu phát triển thiên niên kỷ giảm tỷ lệ tử vong bà mẹ và giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ em dưới 1 tuổi và dưới 5 tuổi. Theo ông Lê Quang Cường, Thứ trưởng Bộ Y tế Việt Nam, trong báo cáo tại hội nghị khu vực Tây Thái Bình Dương của WHO vào tháng 10 năm 2014, trong 20 năm qua, tỷ lệ tử vong ở phụ nữ mang thai và trẻ sơ sinh tại Việt nam đã có chiều hướng giảm. Tỷ lệ phụ nữ mang thai tử vong giảm từ 233/100.000 ca vào năm 1990 xuống còn 61,9/100,000 ca vào năm 2013.
Tuy nhiên, báo Gia đình mới đây trích lời ông Nguyễn Đức Vinh, Phó Vụ trưởng Vụ sức khỏe Bà mẹ, trẻ em (Bộ Y tế) cho biết trong 62 huyện nghèo nhất cả nước có tới 40% cơ sở y tế chưa thực hiện được can thiệp toàn diện sản khoa như mổ đẻ, truyền máu… nên nguy cơ tử vong mẹ cao. Theo ông Nguyễn Đức Vinh, 70% cơ sở y tế chưa thực hiện thở hồi sức sơ sinh. Ông cho biết ở thành thị, mặc dù xu hướng tử vong mẹ trực tiếp có xu hướng giảm nhưng số tử vong mẹ gián tiếp (tức mẹ mắc bệnh lý tim mạch, tiểu đường….) lại tăng.
Nguyên nhân sức khỏe
Báo cáo của WHO cho biết phụ nữ tử vong thường là do những biến chứng trong quá trình mang thai, trong và sau khi sinh. Phần lớn những biến chứng này đều có thể được phòng ngừa và điều trị. Trong khi đó có những biến chứng xuất phát từ trước khi phụ nữ mang thai và trở nên trầm trọng hơn trong quá trình mang thai nếu không được chú ý kịp thời. Các biến chứng chủ yếu này chiếm đến gần 75% các ca tử vong ở các bà mẹ. Theo WHO, những yếu tố sức khỏe dẫn đến tử vong ở phụ nữ mang thai và sinh con bao gồm: băng huyết sau sinh, viêm nhiễm sau sinh, huyết áp cao trong quá trình mang thai (tiền sản giật), những biến chứng trong quá trình đỡ đẻ, và cuối cùng là nạo phá thai không an toàn.
Trong những nguyên nhân này, các nguyên nhân băng huyết, tiền sản giật và viêm nhiễm sau khi sinh là những nguyên nhân chính gây tử vong ở phụ nữ.
Băng huyết tức chảy máu quá nhiều sau sinh có thể khiến một phụ nữ khỏe mạnh tử vong chỉ trong vài giờ nếu không được chăm sóc kịp thời. Việc chăm sóc kịp thời khi băng huyết có thể được thực hiện khi người phụ nữ được sinh con ở trong các cơ sở y tế có nhân viên chuyên khoa theo dõi. Tuy nhiên, theo báo cáo mới đây của UNICEF, ở nhiều nước khu vực đông Á, vẫn có đến 30% phụ nữ nghèo sinh con tại nhà.
Viêm nhiễm sau khi sinh thường xảy ra do nguyên nhân vệ sinh trong quá trình đỡ đẻ. Điều này cũng có thể tránh được nếu người phụ nữ được sinh con ở những cơ sở chuyên khoa và được chăm sóc kịp thời bởi những nhân viên y tế có chuyên môn.
Chứng tiền sản giật là một kết hợp của huyết áp cao, phù, và đạm trong nước tiểu. Nếu chứng này không được điều trị kịp thời thì nó sẽ phát triển thành sản giật tức là cả ba yếu tố kết hợp với co giật có thể rất nguy hiểm. 
- Bác sĩ Michael Green 
Đối với tiền sản giật, các bác sĩ thường khuyên những phụ nữ có nguy cơ này phải được theo dõi và chăm sóc từ trước khi sinh con để tránh sản giật, có thể gây tử vong. Bác sĩ sản khoa Michael Green thuộc Trung tâm Sức khỏe Gia đình, tiểu bang California, Hoa Kỳ, cho biết:
Chứng tiền sản giật là một kết hợp của huyết áp cao, phù, và đạm trong nước tiểu. Nếu chứng này không được điều trị kịp thời thì nó sẽ phát triển thành sản giật tức là cả ba yếu tố kết hợp với co giật có thể rất nguy hiểm. Vì vậy chúng tôi phải điều trị chứng tiền sản giật tích cực. Phương cách điều trị dứt điểm duy nhất là sinh con. Thường phải mất khoảng 24 tiếng sau khi sinh cho tất cả mọi thứ trở lại bình thường…. Chúng tôi phải theo dõi bệnh nhân trong suốt 24 tiếng đồng hồ này.
Tại các nước nghèo và đang phát triển, phụ nữ sinh con còn phải đối mặt với những biến chứng xảy ra trong quá trình sinh nở do thiếu phương tiện và sự chăm sóc kịp thời của các nhân viên y tế. Một báo cáo vào năm 2012 của Liên Hiệp Quốc cho thấy bệnh rò sau sinh hiện vẫn là một biến chứng vẫn còn phổ biến ở nhiều nơi trên thế giới, đe dọa nghiêm trọng sức khỏe thể chất và tinh thần của các bà mẹ. Bà Gillian Slinger, chuyên gia về căn bệnh, đồng thời là điều phối viên chiến dịch chấm dứt căn bệnh rò sau sinh của Quỹ dân số Liên Hiệp Quốc cho biết:
Tình hình khá nghiêm trọng ở những vùng nghèo của thế giới. Đây đã là căn bệnh phổ biến ở tất cả các nước trong hơn 1 thế kỷ trước. Nhưng tại các nước phát triển, căn bệnh này đã chấm dứt hoàn toàn vì phụ nữ mang thai được tiếp cận với các dịch vụ y tế kịp thời, hiện đại, được theo dõi sát sao trong quá trình sinh nở để nếu có khả năng khó khăn trong sinh nở thì sẽ được mổ ngay lập tức. Trong khi ở nhiều nước, căn bệnh này đã được xóa bỏ hoàn toàn bởi việc sanh mổ, thì ở nhiều nơi khác trên thế giới, căn bệnh này vẫn còn nghiêm trọng. Chúng tôi ước tính có khoảng từ 60 đến 100,000 trường hợp mắc bệnh mới mỗi năm trên toàn thế giới, tại các nước đang phát triển. Con số này cũng bổ sung thêm vào con số những bệnh nhân đang mắc bệnh này từ trước đã được dồn lại từ nhiều năm trước.
Bác sĩ Phạm Thành Đức, Phó Giám đốc bệnh viện Phụ sản quốc tế Sài gòn, cho biết căn bệnh không còn phổ biến ở các thành phố lớn của Việt Nam nơi có đội ngũ bác sĩ chuyên môn cao và có trang thiết bị đầy đủ, nhưng có thể xảy ra ở vùng xa. Ông nói:
Thường ở những chỗ thiếu phương tiện, thiếu chuyên viên, ví dụ như sinh đẻ, nó bị sang chấn sinh đẻ, hay phẫu thuật nó vào các chỗ cơ quan xung quanh. Cái đó thường xảy ra ở những chỗ xa, hay những chỗ thiếu nhân viên chuyên môn thì có thể nó xảy ra.
Bệnh rò sau sinh thường xuất hiện trong các trường hợp sinh nở khó và kéo dài quá lâu. Lỗ rò thường xuất hiện ở bàng quang do sức ép của thai lên bộ phận này quá lâu. Các bác sĩ cho biết, thông thường, một ca đẻ chỉ kéo dài trong khoảng 12 tiếng. Nếu quá khoảng thời gian này, người phụ nữ cần phải được mổ đẻ cấp cứu để tránh tình trạng rò, có thể gây tử vong cho sản phụ và thai nhi. Theo các bác sĩ việc phòng tránh tốt nhất đối với biến chứng này là đảm bảo các sản phụ phải được theo dõi chặt chẽ trong quá trình sinh nở. Khi thời gian sinh kéo dài quá 12 tiếng, sản phụ cần phải được mổ đẻ để tránh tử vong cho thai nhi và bà mẹ.
Theo các chuyên gia y tế, trong khi phần lớn những biến chứng trong quá trình mang thai, trong và sau khi sinh có thể được ngăn chăn và điều trị để tránh tử vong, phụ nữ tại những nước nghèo và kém phát triển vẫn còn gặp nhiều khó khăn do thiếu phương tiện vận chuyển và thiếu sự tiếp cận đối với các dịch vụ y tế sinh sản. Điều này đòi hỏi phải có những đầu tư hơn nữa từ các chính phủ và tổ chức quốc tế để giảm thiểu những rủi ro đáng tiếc có thể xảy ra cho phụ nữ trong quá trình mang thai và sinh con.
Xin quý vị chia sẻ các thông tin và câu hỏi về các vấn đề y tế, sức khỏe đến trang tạp chí sức khỏe đời sống tại email vietha@rfa.org hoặc www.facebook.com/vietharfa

No comments :

Post a Comment

Hiện tượng “Dưa leo”


Mà các bạn cũng biết ở Việt Nam muốn nắm quyền hành cao thì phải là đảng viên, mà đảng viên theo chỉ thị 15 thì công an không đụng vô được. Nó giống như Thượng phương bảo kiếm của Bao Công đó các bạn! Vậy thì sao? Các bạn kết luận cho bản thân nhé.

Ảnh nghệ thuật : "Đường cong hoa sen”

Giữa sen và cơ thể xuân thì của thiếu nữ Việt có một điểm chung dễ nhận thấy, đó là những đường cong mềm mại, gợi cảm… Có thể cảm nhận rõ nét điều này qua những tác phẩm do họa sĩ / nhiếp ảnh gia Dương Quốc Định thực hiện: