Monday, April 27, 2015

Vaccine nội có đáp ứng được nhu cầu của người dân?

n
Chuẩn bị các sản phẩm huyết thanh kháng nọc
 rắn lục tre tinh chế trước khi đóng hộp tại Viện
Văcxin và sinh phẩm y tế.
Việt Hà, phóng viên RFA


Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) mới đây nhận định Việt Nam đạt tiêu chuẩn hệ thống quản lý quốc gia về vaccine theo tiểu chuẩn của WHO, mở đường cho việc Việt Nam sản xuất nhiều loại vaccine và có thể hướng tới xuất khẩu trong thời gian không xa. Tuy nhiên trước mắt, Việt Nam vẫn còn gặp những thách thức không nhỏ trong việc đưa vaccine sản xuất trong nước đến rộng rãi người dân. Những cơ hội và thách thức đó là gì và Việt Nam cần phải giải quyết ra sao? Mời quý vị cùng tìm hiểu trong trang tạp chí sức khỏe đời sống do Việt Hà phụ trách.
Hướng tới xuất khẩu vaccine
Ngày 17 tháng 4 vừa qua, ông Lahouari Belghabi, trưởng đoàn đánh giá của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xác nhận Việt Nam đã đạt các yêu cầu về phòng thí nghiệm, thanh tra, cấp phép, thử nghiệm lâm sàng về vaccine. Thông báo này được đưa ra tại cuộc họp tổng kết đợt đánh giá thẩm định hệ thống quản lý quốc gia về vaccine của Việt Nam (gọi tắt là NRA) kéo dài từ ngày 13 đến 17 tháng 4 với sự tham dự của các chuyên gia hàng đầu của WHO đến từ 8 quốc gia và 2 quan sát viên đến từ Liên Bang Nga. Thông báo mới từ WHO đã mở đường cho việc phát triển sản xuất vaccine trong nước, thậm chí hướng tới xuất khẩu.
Bộ tiêu chuẩn NRA được WHO áp dụng đối với tất cả các nước tiên tiến trên thế giới trong công nghiệp sản xuất vaccine bao gồm cả Mỹ, Pháp, Canada… Theo ông Lahourari Belghabi, Việt Nam đã vượt qua được đánh giá công nhận các chức năng NRA với kết quả xuất sắc, tất cả các chức năng đều đạt trên 90%. Theo chuyên gia của WHO, Việt Nam là 1 trong 39 quốc gia trên thế giới được công nhận Hệ thống quản lý quốc gia về vaccine đạt tiêu chuẩn của WHO. Theo kế hoạch đến ngày 21 tháng 6 tới, trưởng đại diện WHO khu vực Tây Thái Bình Dương sẽ sang trao chứng nhận cho Việt Nam.
Việc Việt Nam vượt qua kỳ sát hạch khó khăn về tiêu chuẩn vaccine sản xuất trong nước đã được các giới chức y tế Việt Nam vui mừng đón nhận. Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nói với báo chí  rằng từ trước đến nay không có nhiều nước, kể cả những nước phát triển trên thế giới vượt qua được đánh giá này ngay từ lần đầu như Việt nam. Theo ông Long, việc WHO công nhận hệ thống NRA đã mở ra một chương quan trọng của ngành sản xuất vaccine của Việt Nam.
Bác sĩ Heiki Toda, người đứng đầu chương trình tiêm chủng mở rộng của WHO tại Việt nam nhận định.
Khi đáp ứng được tiêu chuẩn quốc tế, sau khoảng 1 đến 2 năm, vaccine do Việt Nam sản xuất có thể được UN mua và được dùng ở các nước khác. Do đó vaccine của Việt Nam sẽ được sử dụng ở các nước khác nữa
Bác sĩ Heiki Toda
BS. Heiki Toda: khi đáp ứng được tiêu chuẩn quốc tế, sau khoảng 1 đến 2 năm, vaccine do Việt Nam sản xuất có thể được UN mua và được dùng ở các nước khác. Do đó vaccine của Việt Nam sẽ được sử dụng ở các nước khác nữa.
Tự chủ trong nước
Việc WHO xác nhận chất lượng vaccine sản xuất của Việt Nam được các chuyên gia độc lập trong nước coi là một bước tiến quan trọng trong việc tự chủ trong nước và hạn chế phụ thuộc nước ngoài. Bác sĩ Trần Tuấn, chuyên gia về dịch tễ học, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Phát triển cộng đồng thuộc Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam, nhận định.
BS. Trần Tuấn: Khi nghe tin WHO vào đánh giá chất lượng vaccine Việt nam tốt như thế và đáp ứng tiêu chuẩn mà WHO mong muốn và chất lượng vaccine Việt Nam sản xuất ra đạt tiêu chuẩn quốc tế thì anh cho đó là tin vui và hy vọng rằng với tinh thần như thế thì Việt nam nên đẩy mạnh sản xuất vaccine phục vụ cho nhu cầu trong nước. Hiện dân số mình đứng hàng thứ 13 trên thế giới và số lượng trẻ em rất cần nhu cầu tự chủ về vaccine, nhất là vừa rồi khi chúng ta còn lệ thuộc vào nhà tài trợ và dẫn đến tình trạng thiếu hụt vaccine như vậy thì dẫn đến sự bất an trong xã hội. Cái vấn đề củng cố lại dây truyền vaccine đạt tiêu chuẩn quốc tế và tự sản xuất là một vấn đề rất tốt.
Việt Nam đã bắt đầu sản xuất những liều vaccine bại liệt tự túc đầu tiên vào năm 1962. Sau đó tiếp tục nhập công nghệ sản xuất nước ngoài và sản xuất các loại vaccine khác như sởi, tả…
Hiện Việt nam có 4 nhà máy sản xuất vaccine đạt tiêu chuẩn quốc tế bao gồm nhà máy sản xuất vaccine sởi thuộc Trung tâm Nghiên cứu, Sản xuất vaccine và sinh phẩm y tế (POLYVAC), nhà máy sản xuất vaccine Pasteur Nha trang (IVAC), công ty Vaccine Pasteur Đà Lạt (DAVAC), và công ty sản xuất vaccine và sinh phẩm số 1 (VABIOTECH).
Theo bác sĩ Heiki Toda phần lớn các vaccine trong chương trình tiêm chủng quốc gia đều do Việt Nam sản xuất, ngoại trừ vaccine Quinvaxem được nhập khẩu từ Hàn Quốc do tài trợ nước ngoài.
Từ tháng 9 năm ngoái đến tháng 3 năm nay, Việt nam phát động chương trình tiêm chủng bổ sung bệnh sởi và rubella kết hợp cho khoảng 23 triệu trẻ từ 1 đến 14 tuổi. Vaccine này được nhập khẩu từ Nhật bản do WHO tài trợ. Bác sĩ Toda cho biết, loại vaccine này cũng sẽ sớm được sản xuất tại Việt Nam và hướng tới là tất cả các vaccine sẽ được sản xuất tại Việt nam
Mình chỉ nghi ngờ là thuốc không đủ chất lượng. Là một người mẹ, lúc nào mình cũng căn tới giờ là ẵm con đi. Lúc đầu mình siêng lắm, tới tháng nào, căn mũi nào, người ta dặn mũi nào thì đi. Chỉ sợ là thuốc Việt Nam không đủ chất lượng, thứ hai là cho dù nó đủ chất lượng đi chăng nữa mà bảo quản không tốt
Chị Diệp
BS. Kohei Toda: vaccine sởi và rubella được nhập khẩu. Vaccine sởi đơn được sản xuất theo công nghệ Nhật bản tại Việt Nam. Vaccine kết hợp sởi rubeela sẽ được sản xuất tại đây với sự giúp đỡ của chính phủ Nhật Bản trong khoảng 3 năm tới. Tất cả các vaccine khác là sản xuất tại đây.
Theo bác sĩ Trần Tuấn, những vaccine sản xuất trong nước của Việt Nam cho đến lúc này vẫn đáp ứng được nhu cầu về số lượng cho chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia. Ngay trong giai đoạn đỉnh điểm của dịch sởi vào năm 2014 khiến các bà mẹ đổ xô đưa con đi tiêm chủng dẫn đến tình trạng thiếu hụt vaccine, giới chức y tế Việt Nam cũng khẳng định tình trạng thiếu hụt vaccine chỉ xảy ra với những vaccine dịch vụ nhập về, còn các loại vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia, bao gồm vaccine sởi vẫn đáp ứng đủ nhu cầu của người dân.
Một học sinh được tiêm vaccine sởi - rubella tại trường THCS Phú Định, quận 6, TP HCM
Một học sinh được tiêm vaccine sởi - rubella tại trường THCS Phú Định, quận 6, TP HCM
Lòng tin của người dân vào vaccine nội
Tuy nhiên, một thách thức không nhỏ mà vaccine Việt Nam sản xuất đang phải đối mặt chính là làm sao lấy được lòng tin của người dân vào chất lượng vaccine. Rất nhiều những bà mẹ ở các thành phố lớn, nơi thu nhập trung bình của người dân khá, vẫn chọn việc tiêm chủng dịch vụ cho con mình với các loại vaccine ngoại nhập vì lo ngại chất lượng vaccine nội. Chị Diệp, một bà mẹ có con nhỏ 2 tuổi và đã sống ở Sài gòn trong nhiều năm, cho biết những lo ngại của mình khi dịch sởi bùng phát mạnh vào năm ngoái ở Việt nam như sau:
Chị Diệp: Mình chỉ nghi ngờ là thuốc không đủ chất lượng. Là một người mẹ, lúc nào mình cũng căn tới giờ là ẵm con đi. Lúc đầu mình siêng lắm, tới tháng nào, căn mũi nào, người ta dặn mũi nào thì đi. Chỉ sợ là thuốc Việt Nam không đủ chất lượng, thứ hai là cho dù nó đủ chất lượng đi chăng nữa mà bảo quản không tốt.
Trong những năm gần đây, dư luận tại Việt Nam khá bức xúc trước việc một số trẻ có biến chứng dẫn đến tử vong sau tiêm chủng. Điển hình là vụ 3 trẻ tử vong sau khi tiêm vaccine siêu gan B hồi tháng 7 năm 2013 ở tỉnh Quảng Trị. Bộ Y tế sau đó giải thích là do tiêm nhầm thuốc.
Bác sĩ Trần Tuấn nhận định, những ca biến chứng liên quan đến vaccine nhập ngoại Quinvaxem thời gian gần đây đã khiến người dân mất lòng tin vào vaccine của chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia nói chung.
BS. Trần Tuấn: những loại khác thì từ trước đến nay mình vẫn sản xuất cho mình dùng và không có vấn đề gì xảy ra và đều đưa vào chương trình tiêm chủng đại trà miễn phí cho dân cả nhưng vì tâm lý của vaccine quinvaxem kia nó làm ảnh hưởng. Người dân nói chung cứ nghĩ là chương trình tiêm chủng miễn phí đó là có vấn đề vì người dân người ta không phân biệt được loại cho cụ thể một bệnh nào đó mà người ta chỉ biết là chương trình miễn phí. Người ta bảo chương trình dịch vụ chất lượng cao hơn nên người ta đổ xô sang đó, đặc biệt là ở các thành phố lớn, mà không chỉ ở các thành phố lớn, cả ở các tỉnh nông thôn mà người có thu nhập cao lên thì họ đều tìm đến dịch vụ cả.
Điểm quan trọng với người dân hiện nay là khi tâm lý mình không giải quyết tốt được vấn đề tai biến, lùm xùm liên quan đến vaccine mà chúng ta không giải quyết tốt một cách độc lập có khoa học và có bằng chứng để người dân yên tâm thì nó vẫn là một đe dọa lớn cho sức khỏe trẻ em
BS. Trần Tuấn
Vaccien Quinvaxem nhập từ Hàn Quốc được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng ở Việt Nam từ tháng 6 năm 2010 theo viện trợ. Từ đó đến nay, Việt Nam đã ghi nhận có 43 trường hợp phản ứng nặng sau tiêm. Tuy nhiên đánh giá độc lập của WHO cho thấy 27 ca không liên quan đến tiêm chủng và 9 trường hợp có liên quan đến vaccine đều hồi phục. Các ca còn lại không liên quan đến tiêm chủng và chất lượng vaccine.
Dịch sởi vào năm ngoái tại Việt Nam cũng một lần nữa đặt lại vấn đề chất lượng vaccine nội từ khâu sản xuất, vận chuyển, bảo quản đến khâu tiêm cho trẻ. Theo bác sĩ Trần Tuấn, mặc dù dây truyền công nghệ nước ngoài đảm bảo chất lượng quốc tế, thì những khâu tiếp theo cũng cần phải được xem xét lại và phải có thông tin đầy đủ cho người dân để lấy lại lòng tin của người dân vào chất lượng vaccine nội trong chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia.
BS. Trần Tuấn: yếu tố trong quá trình vận chuyển, bảo quản và kỹ thuật tiêm là phải được xem lại. Đó là những cái còn phải giải quyết. Điểm quan trọng với người dân hiện nay là khi tâm lý mình không giải quyết tốt được vấn đề tai biến, lùm xùm liên quan đến vaccine mà chúng ta không giải quyết tốt một cách độc lập có khoa học và có bằng chứng để người dân yên tâm thì nó vẫn là một đe dọa lớn cho sức khỏe trẻ em. Nếu chúng ta giải quyết tốt thì vaccine đó vẫn được sử dụng nhưng chúng củng cố lại trong dây truyền lạnh, vấn đề bảo quản vaccine cho đúng, hợp lý thì hiệu quả thu lại được không có gì là vấn đề xảy ra như hiện tại bây giờ.
Theo bác sĩ Trần Tuấn, đánh giá về vaccine sản xuất của Việt nam do WHO thực hiện vừa qua là một dấu hiệu tốt để khẳng định chất lượng vaccine nội trước người dân. Tuy nhiên Việt nam vẫn cần thêm các đánh giá độc lập để khẳng định những vaccine nội không có liên quan gì đến các tai nạn đã từng xảy ra với vaccine Quinvaxem. Bên cạnh đó, các chuyên gia y tế độc lập và WHO cũng thống nhất cho rằng công tác truyền thông cần phải đẩy mạnh hơn nữa để dần dần lấy lại lòng tin của người dân trong chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia. Chiến lược về y tế dự phòng, sự tách biệt giữa chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia và tiêm chủng dịch vụ cũng cần được phát triển và sớm thực hiện song song cũng được coi là một khâu quan trọng trong việc cải thiện chất lượng chương trình tiêm chủng và tiến tới mục tiêu phục vụ người dân tốt hơn.
Tạp chí sức khỏe đời sống tuần này xin tạm dừng tại đây. Việt Hà cảm ơn quý vị đã quan tâm theo dõi. Xin quý vị chia sẻ các thông tin và những đóng góp về các vấn đề y tế, sức khỏe đến trang tạp chí sức khỏe đời sống tại emailvietha@rfa.org hoặc www.facebook.com/vietharfa

No comments :

Post a Comment

Hiện tượng “Dưa leo”


Mà các bạn cũng biết ở Việt Nam muốn nắm quyền hành cao thì phải là đảng viên, mà đảng viên theo chỉ thị 15 thì công an không đụng vô được. Nó giống như Thượng phương bảo kiếm của Bao Công đó các bạn! Vậy thì sao? Các bạn kết luận cho bản thân nhé.

Ảnh nghệ thuật : "Đường cong hoa sen”

Giữa sen và cơ thể xuân thì của thiếu nữ Việt có một điểm chung dễ nhận thấy, đó là những đường cong mềm mại, gợi cảm… Có thể cảm nhận rõ nét điều này qua những tác phẩm do họa sĩ / nhiếp ảnh gia Dương Quốc Định thực hiện: