Monday, April 20, 2015

Dịch sởi, một năm nhìn lại

n
Hình ảnh, bích chương kêu gọi tiêm phòng vắc xin sởi
Việt Hà, phóng viên RFA


Dịch sởi bùng phát tại Việt Nam vào cuối năm 2013 đầu năm 2014 đã khiến hàng ngàn trẻ em bị mắc bệnh và hơn 100 ca tử vong tính vào đỉnh điểm của dịch vào khoảng tháng 4. Những tháng đầu năm 2015, Việt Nam cũng đã bắt đầu ghi nhận những ca nhiễm sởi đầu tiên dù không nhiều và nghiêm trọng như năm trước. Việt Nam đã học được gì từ vụ bùng phát dịch sởi năm ngoái và chuẩn bị thế nào cho  mùa dịch năm nay? Đó là chủ đề của tạp chí sức khỏe đời sống tuần này do Việt Hà phụ trách:
Lo ngại dịch sởi quay lại
Những tháng đầu năm 2015, mùa của dịch sởi, Việt Nam đã bắt đầu ghi nhận những ca nghi nhiễm sởi rải rác tại 25 tỉnh thành với 123 ca sốt phát ban nghi sởi, trong đó có 35 ca dương tính, theo thống kê vào tháng 2 vừa qua của Bộ Y tế. Thực tế này đã khiến giới chức  y tế Việt nam phải lo ngại về sự bùng phát của một dịch sởi mới sau dịch sởi lớn vào năm ngoái.
Tờ Vnexpress hôm 15 tháng 1 trích lời Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết Bộ Y tế rất lo ngại có thể sởi sẽ quay lại. Ông Long cho biết mầm bệnh vẫn tồn tại trong cộng đồng và xuất hiện lẻ tẻ các ca mắc. Trong dịp đông xuân, theo báo cáo không chính thức từ Lào, các tỉnh biển giới của hai nước, tình hình sởi rất nghiêm trọng, có khu vực số ca mắc và tử vong sởi tăng cao.
Người đại diện Bộ Y tế cho biết việc người dân Lào sang Việt Nam chữa bệnh làm tăng nguy cơ lây nhiễm các bệnh qua đường hô hấp. Bên cạnh đó, dịch sởi tại khu vực biên giới của Trung Quốc xuất hiện cách đây 3 năm cho đến nay vẫn chưa hoàn toàn khống chế triệt để.
...
Dịch sởi năm 2014 ghi nhận cả nước có hơn 35 ngàn ca sốt phát ban nghi sởi, trong đó gần 6,000 ca ghi nhận mắc sởi, trong đó có 147 trường hợp tử vong có liên quan đến sởi. Dịch sởi bùng phát sau 3 năm không có dịch đã làm cho giới chức y tế VN bất ngờ và gặp phải nhiều chỉ trích từ công chúng
Nỗi lo ngại về dịch sởi bùng phát đầu năm nay bắt nguồn từ những lo ngại về dịch sởi năm ngoái. Thống kê của Bộ Y tế về dịch sởi năm 2014 ghi nhận cả nước có hơn 35 ngàn ca sốt phát ban nghi sởi, trong đó gần 6,000 ca ghi nhận mắc sởi, trong đó có 147 trường hợp tử vong có liên quan đến sởi. Dịch sởi bùng phát sau 3 năm không có dịch đã làm cho giới chức y tế Việt Nam bất ngờ và gặp phải nhiều chỉ trích từ công chúng, cho rằng Việt Nam đã giấu dịch và chạy theo bệnh thành tích khi thông báo tỷ lệ tiêm chủng hơn 90%.
Những bài học từ dịch sởi năm 2014
Dịch sởi năm 2014 đã đặt ra những thách thức không nhỏ đối với Việt Nam trong việc tiêm phòng sởi và tuyên truyền. Câu hỏi được người dân và các chuyên gia y tế đặt ra rất nhiều vào năm ngoái là tại sao với tỷ lệ tiêm phòng được báo cáo lên đến trên 90% mà dịch sởi vẫn bùng phát mạnh. Thống kê vào năm ngoái của Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, cho biết trong tổng số bệnh nhân sởi được ghi nhận trên toàn quốc, có đến 80% bệnh nhân chưa được tiêm phòng sởi.
Trả lời câu hỏi về nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, bác sĩ Kohei Toda người đứng đầu chương trình tiêm chủng mở rộng của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam cho biết:
BS. Kohei Toda: Tỷ lệ tiêm chủng thực sự là câu hỏi mà chúng tôi phải vật lộn tìm hiểu, số liệu thực sự trẻ được tiêm là bao nhiêu. Năm ngoái, trung tâm dịch là ở những thành phố lớn, như Hà Nội, Hồ Chí Minh, hay Đà Nẵng. Ở các thành phố lớn, chúng tôi có điều tra về tỷ lệ tiêm chủng thực sự và nó có những điểm phức tạp, bởi vì ở các thành phố lớn, các bậc phụ huynh thường có xu hướng cho trẻ đi tiêm chủng tư. Có nhiều lý do vì sao phụ huynh chọn dịch vụ tư. Họ có tiền, họ không tin vào dịch vụ miễn phí của chính phủ. Họ nghĩ là nếu họ trả tiền, họ sẽ có vaccine chất lượng tốt hơn. Ở các cơ sở dịch vụ họ cũng quảng cáo là họ có vaccine tốt hơn vaccine miễn phí của chính phủ.
Số lượng các cha mẹ có tiền tiêm dịch vụ cũng nhiều hơn. Chính sách chung là đề nghị các cha mẹ đưa con đến các cơ sở tiêm chủng miễn phí của nhà nước nhưng các mẹ nói là họ không cần và họ đến các cơ sở tư và con họ đã được tiêm chủng rồi. Họ báo cáo như vậy. Cho nên giới chức y tế không thể kiểm tra được thực tế là những trẻ như vậy đã tiêm chủng hay chưa mà chỉ dựa vào báo cáo của các bậc phụ huynh. Vì vậy con số báo cáo rất cao, trong khi thực tế có thể là thấp hơn 90%.
Theo bác sĩ Kohei Toda, điều tra của  Bộ Y tế kết hợp với WHO và UNICEF vào năm ngoái cho thấy có đến hơn 50% những gia đình được hỏi cho biết họ cho con đi tiêm dịch vụ. Nhưng điều đáng chú ý là khi tiêm dịch vụ như vậy, trẻ thường phải đợi đến 12 tháng tuổi để được tiêm mũi 3 trong 1 là sởi, rubella và quai bị. Đây cũng là loại vaccine kết hợp được sử dụng ở Hoa Kỳ. Trong khi đó, tại Việt Nam, từ trước đến nay, việc tiêm phòng sởi chỉ là một mũi đơn và tiêm mũi đầu tiên  khi trẻ 9 tháng tuổi. Nhưng đó cũng không phải là nguyên nhân chính dẫn đến sự lây lan nhanh chóng của sởi, mà sự chậm trễ cho trẻ đi tiêm của các bậc phụ huynh, theo chuyên gia của WHO đã là nguyên nhân chính.
Mọi người không tin vào vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia vì có quá nhiều trẻ bị chết. Ngoài ra là việc khi họ đưa con đi tiêm chủng thì thái độ của y tá ngoài đó. Cái việc họ tiêm thuốc họ không bảo đảm được thuốc đó đúng quy trình khiến người dân không yên tâm
Chị Trịnh Kim Tiến
BS. Kohei Toda: nhiều mẹ để con trễ hơn 12 tháng, có khi là sau 18 tháng, có trường hợp 24 tháng, bởi vì có nhiều mẹ phải đi làm, bận bịu, nếu họ có thời gian họ mới đưa con đi, hoặc khi tiêm thì con có sốt và họ đưa con đi lần sau rồi có khi họ quên. Dường như đã có sự chậm trễ cả năm so với thời điểm mà chúng tôi khuyến cáo. Rồi chúng tôi thấy hàng ngàn ca bị nhiễm sởi năm ngoái, thực tế là hơn 30 ngàn ca báo cáo bị nhiễm sởi. Phần lớn là trẻ từ 9 tháng đến 24 tháng, tức là trong khoảng 1 năm. Đó là những trẻ không được tiêm chủng. Đối với tôi, điều này có thể giải thích được, đặc biệt là ở thành phố lớn khi trẻ bị tiêm trễ. Những trẻ đó bị nhiễm sởi.…. Có một vấn đề nữa khi cha mẹ đến các cơ sở dịch vụ thì các cơ sở này không có đủ vaccine. Đó là một vấn đề hiện tại, thiếu vaccine tại các cơ sở tư. Khi cha mẹ đến các cơ sở vào năm ngoái khi dịch sởi bùng phát, đã xảy ra tình trạng họ phải chạy theo vaccine, nhưng họ vẫn không muốn đến cơ sở chính phủ trước dịch vụ, nhưng dịch vụ thì thiếu vaccine. Trong lúc đó con họ bị nhiễm.
Biểu hiện của bệnh sởi
Biểu hiện của bệnh sởi

Sự mất lòng tin vào dịch vụ tiêm phòng miễn phí của chính phủ được coi là nguyên nhân chính đẩy các bà mẹ đến các dịch vụ tư và thậm chí đã liều lĩnh để con mình chậm trễ trong việc tiêm phòng không chỉ với sởi mà còn cả đối với các bệnh khác. Chị Trịnh Kim Tiến, một bà mẹ trẻ ở Sài Gòn có con trai 16 tháng tuổi, cho biết chị đã luôn lựa chọn tiêm dịch vụ trả tiền vì những nỗi lo về chất lượng và sự an toàn trong chương trình tiêm chủng của chính phủ.
Trịnh Kim Tiến: mọi người không tin vào vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia vì có quá nhiều trẻ bị chết. Ngoài ra là việc khi họ đưa con đi tiêm chủng thì thái độ của y tá ngoài đó. Cái việc họ tiêm thuốc họ không bảo đảm được thuốc đó đúng quy trình khiến người dân không yên tâm, và các mẹ thì không sẵn sàng mang tính mạng con mình ra đặt cược.
Vào năm 2013, Việt Nam báo cáo có 3 trường hợp trẻ tử vong sau khi tiêm vaccine viêm gan B ở Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị. Bộ Y tế sau đó giải thích là y tá đã cho tiêm nhầm thuốc. Không những thế, vào tháng 4 năm 2013, báo chí trong nước cũng đưa tin về một trường hợp rút ruột vaccine tiêm cho trẻ ở một cơ sở tiêm chủng tại Hà Nội, gây lo ngại về chất lượng vaccine tiêm cho trẻ.
Đầu năm nay, Việt Nam cũng báo cáo những ca ho gà ở trẻ với hơn 100 ca nhập viện nhi ở Hà Nội, chủ yếu là những trẻ trên 1 tuổi. Điều tra cho thấy phần lớn những trẻ này đều chưa được tiêm phòng ho gà, là mũi kết hợp Quinvaxem mà chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia sử dụng. Trẻ được khuyến cáo phải tiêm mũi đầu tiên từ 2 tháng tuổi. Vaccine Quinvaxem nhập từ Hàn Quốc cũng là loại vaccine có liên quan đến một số cái chết của trẻ ở Việt Nam gần đây khiến các bậc phụ huynh e ngại.
Theo bác sĩ Kohei Toda, những điều tra sau đó liên quan đến các vụ tử vong ở trẻ sau tiêm chủng tại Việt Nam đều xác định không có liên quan đến chất lượng vaccine và chính phủ cũng đã công bố những thông tin này. Tuy nhiên việc thuyết phục được các bà mẹ, lấy lại lòng tin của họ đối với chất lượng của chương trình tiêm chủng quốc gia là một thách thức không nhỏ trong công tác tuyên truyền của chính phủ.
Các vụ tử vong ở trẻ sau tiêm chủng tại Việt Nam đều xác định không có liên quan đến chất lượng vaccine và chính phủ cũng đã công bố những thông tin này. Tuy nhiên việc thuyết phục được các bà mẹ, lấy lại lòng tin của họ đối với chất lượng của chương trình tiêm chủng quốc gia là một thách thức không nhỏ trong công tác tuyên truyền của chính phủ
BS. Kohei Toda: theo tôi có một khoảng cách cho công tác truyền thông để thuyết phục các bà mẹ. Nhiệm vụ của chúng tôi là phải có một chương trình truyền thông tốt hơn.
Việt Nam chuẩn bị cho mùa dịch mới
Những bài học từ dịch sởi năm ngoái đã khiến chính phủ Việt Nam phải thận trọng hơn trong đầu mùa dịch năm nay. Ngay từ tháng 9 năm ngoái, Bộ Y tế Việt nam kết hợp với WHO và UNICEF đã phát động chương trình tiêm chủng kết hợp hai mũi rubella và sởi cho trẻ từ 1 đến 14 tuổi trên toàn quốc, với số lượng trẻ được tiêm ước tính chưa chính thức là khoảng 23 triệu trẻ. Bác sĩ Nguyễn Huy Du, chuyên gia về sức khỏe bà mẹ trẻ em của Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc UNICEF cho biết:
BS. Nguyễn Huy Du: Đây là chiến dịch rất lớn và là hoạt động quan trọng để giúp Việt Nam khống chế hơn nữa dịch sởi và rubella. Sau chiến dịch này, để đảm bảo tỷ lệ tiêm chủng đạt cao, hy vọng dịch sởi và rubella khống chế tốt hơn ở Việt Nam thì sau đó Bộ Y tế sẽ đưa vaccine sởi và rubella kết hợp này cho đối tượng trẻ từ 18 đến 24 tháng tuổi vào tiêm chủng thường quy của ngành y tế và việc này sẽ giúp cho Việt Nam rất nhiều trong việc khống chế tốt hơn nữa sởi và rubella.
Theo lịch tiêm phòng sởi tại Việt Nam, trẻ phải được tiêm hai mũi phòng sởi. Mũi đầu tiên khi trẻ 9 tháng tuổi và mũi thứ hai khi trẻ 18 tháng tuổi.
Theo bác sĩ Nguyễn Huy Du, hiện tại tỷ lệ tiêm phòng sởi ở Việt Nam được báo cáo là trên 90%. Như vậy vẫn còn khoảng 5 đến 10% trẻ chưa được tiêm phòng. Chiến dịch tiêm phòng sởi và rubella bổ xung kéo dài từ tháng 9 năm ngoái đến tháng 3 năm nay cũng nhắm vào nhóm trẻ chưa được tiêm chủng để nâng tỷ lệ trẻ được tiêm chủng toàn quốc.
Ngày 10 tháng 2 năm nay, Cục quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế đã có công văn yêu cầu các sở Y tế, bệnh viện tăng cường công tác điều trị bệnh sởi, tổ chức sàng lọc, phân luồng, phát hiện các ca nghi ngờ mắc sởi ngay tại khu vực tiếp nhận ban đầu.
Bác sĩ Nguyễn Huy Du cho biết, cho đến giờ việc khống chế bệnh sởi ở Việt Nam đã được thực hiện tốt, mặc dù vẫn còn nhiều việc phải làm, đặc biệt là công tác truyền thông tuyên truyền nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiêm chủng đủ và đúng hạn.
Với những gì đã và đang diễn ra tại Việt Nam nói riêng và khu vực châu Á nói chung, WHO hiện cũng không đưa ra mục tiêu xóa bỏ bệnh sởi như trước kia đã đề ra là vào năm 2012. Bác sĩ Kohei Toda cho biết trước mắt WHO phải đối phó với từng vụ bùng phát dịch và những vụ bùng phát này, bao gồm dịch sởi 2014 đã giúp Việt nam học được những bài học. Tuy nhiên, tất cả còn phụ thuộc vào việc Việt Nam sẽ áp dụng những bài học đó thế nào trong tương lai.
Tạp chí sức khỏe đời sống tuần này xin tạm dừng tại đây. Việt Hà cảm ơn quý vị đã quan tâm theo dõi. Xin quý vị chia sẻ các thông tin và những đóng góp về các vấn đề y tế, sức khỏe đến trang tạp chí sức khỏe đời sống tại emailvietha@rfa.org hoặc www.facebook.com/vietharfa

No comments :

Post a Comment

Hiện tượng “Dưa leo”


Mà các bạn cũng biết ở Việt Nam muốn nắm quyền hành cao thì phải là đảng viên, mà đảng viên theo chỉ thị 15 thì công an không đụng vô được. Nó giống như Thượng phương bảo kiếm của Bao Công đó các bạn! Vậy thì sao? Các bạn kết luận cho bản thân nhé.

Ảnh nghệ thuật : "Đường cong hoa sen”

Giữa sen và cơ thể xuân thì của thiếu nữ Việt có một điểm chung dễ nhận thấy, đó là những đường cong mềm mại, gợi cảm… Có thể cảm nhận rõ nét điều này qua những tác phẩm do họa sĩ / nhiếp ảnh gia Dương Quốc Định thực hiện: