Thursday, April 21, 2016

Phụ nữ đầu tiên lãnh đạo dự án rà phá bom mìn tại Quảng Trị

Pic
Quản lý Hoạt động Nguyễn Thị Diệu Linh đang giới thiệu về hoạt động khảo sát dấu vết bom chùm của Dự án RENEW phối hợp với Quỹ Viện trợ Nhân dân Na Uy tại hiện trường cho đoàn công tác của Trung tâm Hành động Bom mìn Quốc gia Việt Nam.
Thanh Trúc, phóng viên RFA

Công việc của nam giới

Đối với nhiều người thì công việc tháo gỡ bom mìn thích hợp với nam giới. Khó có ai hình dung ra được hình ảnh một người phụ nữ hằng ngày tiếp xúc với những loại bom mìn có thể nổ tung bất cứ lúc nào; ngoại trừ những nữ chiến binh đánh bom cảm tử Hồi giáo kín mít trong trang phục đen từ đầu đến chân chỉ lộ hai con mắt.
Người phụ nữ đầu tiên tham gia dự án rà phá bom mìn tại vùng ‘tuyến đầu’ Quảng Trị mà chúng tôi giới thiệu trong chuyên mục hôm nay là cô Nguyễn Thị Diệu Linh.
Cô Diệu Linh là phụ nữ đầu tiên được chọn vào vị trí Quản Lý Hoạt Động Quĩ Viện Trợ Nhân Dân Na Uy tại Dự Án RENEW ở Quảng Trị. Cô hiện quản lý 160 nhân viên kỹ thuật và cán bộ hỗ trợ với trách nhiệm chính là điều phối 26 đội hiện trường hàng ngày. Nhân viên hiện trường, hầu hết là nam giới, là những người chịu trách nhiêm tiến hành hoạt động khảo sát, khoanh vùng các khu vực nguy hiểm nhằm triển khai công tác rà phá, xử lý bom mìn trên toàn tỉnh Quảng Trị.
Em bắt đầu làm việc cho RENEW từ tháng Hai 2009 với vai trò cán bộ hoạt động kiêm phiên dịch cho chuyên gia nước ngoài, nhiệm vụ chính là làm cầu nối để phía chuyên gia nước ngoài và người địa phương trong việc thực hiện các công tác rà phá bom mìn và vật liệu nổ tại thực địa. 
-Nguyễn Thị Diệu Linh
Là người có trình độ ngoại ngữ, được đào tạo theo tiêu chuẩn quốc tế gọi là IMAS cấp độ 2 ở Jordan do Quĩ Viện Trợ Nhân Dân Na Uy hỗ trợ, cô Nguyễn Thị Diệu Linh cho rằng mình may mắn làm việc với nhiều đội trưởng và chuyên gia kỹ thuật giàu kinh nghiệm được chứng nhận IMAS cấp độ 2 và cấp độ 3:
“Em bắt đầu làm việc cho RENEW từ tháng Hai 2009 với vai trò cán bộ hoạt động kiêm phiên dịch cho chuyên gia nước ngoài, nhiệm vụ chính là làm cầu nối để phía chuyên gia nước ngoài và người địa phương trong việc thực hiện các công tác rà phá bom mìn và vật liệu nổ tại thực địa.”
Từ quá trình làm việc trực tiếp với các chuyên gia nước ngoài, bên cạnh công việc phiên dịch trong các lớp tập huấn mà chuyên gia nước ngoài thực hiện với người địa phương, cô Nguyễn Thị Diệu Linh dần dà quen thuộc với lý thuyết lẫn thực tế của việc nhận dạng bom mìn, từ đó nẫy sinh sự yêu thích công việc này.
Đầu năm 2010, cô chuyển sang làm cố vấn cho một chương trình khác của RENEW có thêm sự hợp tác từ Quĩ Viện Trợ Nhân Dân Na Uy:
“Khoảng hai tháng sau thì em làm cán bộ trợ lý hoạt động, thực chất là  hỗ trợ anh quản lý thông tin trong tất cả các mặt, bảo đảm các chuyên gia nước ngoài và các đội trưởng tuân thủ những chỉ đạo về mặt kỹ thuật và về mặt quản lý được thực hiện.”
Đầu năm 2014, cô được thăng chức cán bộ phụ trách điều phối hoạt động hàng ngày của Quĩ Viện Trợ Nhân Dân Na Uy tại Dự Án RENEW. Năm 2015, cô Nguyễn Thị Diệu Linh được giám đốc quốc gia Quĩ Viện Trợ Nhân Dân Na Uy chính thức đề cử vào chức vụ Quản Lý Hoạt Động tại Dự Án RENEW.

CMRS-8-400.jpg

Một quả bom bi loại BLU26 được phát hiện bởi các đội Khảo sát dấu vết bom chùm Dự án RENEW. Bom bi hay còn gọi là bom chùm là nguyên nhân gây ra hơn 40% tổng số thương vong do tai nạn bom mìn ở Quảng Trị kể 1975. RENEW PHOTO.
Được biết 2015 cũng là năm Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ quyết định tài trợ khoảng 10 triệu đô la cho Quảng Trị, tuyến đầu của nỗ lực giảm thiều tai nạn bom mìn sau chiến tranh, để giúp nơi này xúc tiến mạnh hơn việc khảo sát, rà soát và xử lý vật liệu nổ còn sót lại sau chiến tranh:
“Kể từ tháng Hai 2015 thì bắt đầu bên phía em là Quĩ Viện Trợ Nhân Dân Na Uy và Dự Án RENEW nhận được nguồn tài trợ lớn từ Bộ Ngoại Giao Mỹ với nhân sự gấp 3 lần so với 2014, để mở rộng hoạt động của dự án ra toàn tỉnh thay vì trước đây là chỉ hai hay ba huyện thôi.”
Đây là lúc công tác đào tạo phải được xúc tiến kịp thời, cô Diệu Linh trình bày tiếp, để số nhân viên mới được tuyển vào có thể bắt kịp tính chất chuyên môn của công việc một cách an toàn:
“Thực tế là áp lực rất nhiều vì vấn đề các công tác đào tạo rồi là điều phối công việc nó rất nhiều. Cái thứ hai nữa là kỳ vọng của cấp trên và nhà tài trợ cũng rất là cao bởi vì mục đích của dự án khi mà Bộ Ngoại Giao Mỹ tài trợ là việc mở rộng dự án hoạt động ra toàn tỉnh.”

Tốn kém và nguy hiểm

Vào ngày 14 tháng Tư vừa qua, Đội Xử Lý Bom Mìn Lưu Động Số 2 thuộc của Dự Án RENEW và Quĩ Viện Trợ Nhân Đạo Na Uy đã di chuyển và cho nổ an toàn một quả pháo hạm đội chứa lân tinh (phosphorous) ra khỏi bãi biển Cửa Tùng thuộc khu phố An Hòa, thị trấn Cửa Tùng, tỉnh Quảng Trị.
Sự việc bắt đầu do một nhóm thợ xây dựng công trình kè chống sát lở, trong lúc san lấp cát làm mặt bằng, đã tìm thấy một vật liệu mà họ nghĩ là một quả bom chưa nổ còn sót lại sau chiến tranh. Khi tiếp xúc với không khí, vật liệu này bắt đầu xì khói khiến mọi người hoảng hốt. Vụ việc được báo về đồn biên phòng Cửa Tùng. Ngay lập tức đồn biên phòng Cửa Tùng gọi cho Dự Án RENEW để yêu cầu hỗ trợ.
Em nghĩ khi mà nam làm được thì thường là nữ cũng làm được tại vì ở Việt Nam rất nhiều công việc nặng nhọc người phụ nữ phải mang, cũng có những công việc đòi hỏi trí tuệ cũng có phụ nữ. Việc phân định giới hiện nay không còn quá đặc biệt như xưa nữa. 
-Nguyễn Thị Diệu Linh
Cùng đi với đội Xử Lý Bom Mìn Lưu Động Số 2 đền Cửa Tùng là trung tá nghĩ hưu Bùi Trọng Hồng, cán bộ kỹ thuật quốc gia, từ năm 2008 đã làm việc với RENEW Dự Án Phục Hồi Và Khắc Phục Hậu Quả Chiến Tranh. Ông Bùi Trọng Hồng cho biết đây không phải bom mà là một quả đạn pháo 127mm có chứa lân tinh, khói tiếp tục bốc ra là do lớp vỏ bên ngoài bị hư hỏng và rò rỉ:
“Đầu tiên mình phải xác nhận loại vật nổ đó chứa cái gì, nếu là phốt pho mình phải có biện pháp xử lý an toàn. Hai nữa, vỏ của nó bị han rỉ, khi phốt pho xì ra mà gặp gió sẽ cháy tạo nhiệt vì trong đó có những loại thuốc nổ mạnh.
Trong trường hợp, mà nhất là gần dân, chất phốt pho cháy tạo nên áp suất lớn, nó nổ thì tất cả chất phốt pho nó bay và nó bắn vào một là cháy nhà và hai là trúng vào người thì bị phỏng.”
Phương án giải quyết của ông Bùi Trọng Hồng và đội trưởng Đội Xử Lý Bom Mìn Số 2 Hoàng Đức Long là dùng nước để dập khói, kế đó đổ thạch cao lỏng lên quả đạn pháo, dùng vải mềm bó chung quanh cho kín những chỗ bị rò rỉ:
“Thach cao khô khoảng một tiếng đồng hồ. Mình xoa kín lại có nghĩa là không khí không thể lọt vào những chỗ hở, quả đạn không xì ra nữa, đảm bảo việc vận chuyển khoảng cách không xa lắm.”
Và như đã nói, quả đạn pháo được cho nổ an toàn trong cùng ngày ở một nơi cách bãi biển Cửa Tùng không bao xa:
“Tôi là người lính từng xử lý các bom mìn nổ chậm trong chiến tranh để mở đường mở xá, thời bình cũng lại tiếp tục thu gom rà phá các bãi mìn còn sót lại để dân ta lấy đất sản xuất và làm nhà. Đơn giản là chuyện bình thường thôi.”
Thực tế từng chứng minh việc rà phá và xử lý bom mìn sau chiến tranh không những rất tốn kém mà còn vô cùng nguy hiểm. Nhiều rủi ro mà không thể đơn phương một nước hay một tổ chức nào của quốc gia đó mà có thể đơn phương thực hiện.
Pic-3-400.jpg
Thành viên của một đội Khảo sát dấu vết bom chùm Dự án RENEW với thông điệp -Chúng tôi chống lại bom mìn- nhân ngày quốc tế nhận thức bom mìn và hỗ trợ hành động bom mìn 4-4. RENEW PHOTO.
Năm nay là kỷ niện 20 năm hoạt động bom mìn ở địa bàn tỉnh Quảng Trị của RENEW Dự Án Làm Sạch Môi Trường Và Khắc Phục Hậu Quả Chiến Tranh. Với sự giúp đỡ kỹ thuật và tài chính của Quĩ Viện Trợ Nhân Dân Na Uy từ năm 2011, từ tháng Giêng 2013 đến tháng Ba 2013 không có vụ  thương vong hay tử vong nào xảy ra ở Quảng Trị.
Cùng thời gian này, Dự Án Hồi Phục Môi Trường Và Khắc Phục Hậu Quả Chiến Tranh RENEW đã di dời cũng như phá hủy an toàn 700 vật liệu nổ, dọn sạch bom mìn gần 120.000 mét vuông đất để đưa vào canh tác hoặc phát triển.
Chưa hết, RENEW còn cung cấp những chương trình giáo dục về sự hiểm nguy chết người của bom mìn chưa nổ cho 7.000 người lớn và trẻ em , giúp họ biết cách liên lạc để báo cáo với tổ chức khi phát hiện bất cứ dấu hiệu nào về vật liệu nổ (UXO).
Kể từ tháng Ba 2015, các Đội Xử Lý Bom Mìn Lưu Động của Dự Án RENEW tại huyện Vĩnh Linh của Quảng Trị đã thực hiện 223 vụ phản ứng nhanh, phá hủy an toàn 321 vật liệu nổ các loại.
Trở lại với người quản lý hoạt động Nguyễn Thị Diệu Linh, trong 160 nhân viên đang làm việc cho NPA/RENEW hiện giờ thì có 23% là nữ, chuyện mà hai ba năm trước đây không hề có:
“Các năm gần đây chuyện phụ nữ hoạt động trong lãnh vực bom mìn không còn xa lạ với Quảng Trị nữa. Đã có ba mươi mấy nhân viên nữ hoạt động ở hiện trường. Kể từ hai năm gần đây họ bắt đầu tuyển dụng nữ để đi rà phá bom đạn chứ không còn như trước nữa. Em nghĩ khi mà nam làm được thì thường là nữ cũng làm được tại vì ở Việt Nam rất nhiều công việc nặng nhọc người phụ nữ phải mang, cũng có những công việc đòi hỏi trí tuệ cũng có phụ nữ. Việc phân định giới hiện nay không còn quá đặc biệt như xưa nữa.”
Ngoài khóa đào tạo theo tiêu chuẩn quốc tế để được chứng nhận IMAS cấp độ 2 theo như yêu cầu của công việc, cô quản lý hoạt động của NPA/RENEW còn được đi tham dự những cuộc họp hay những hội thảo quốc tế do Quĩ Viện Trợ Nhân Dân Na Uy tổ chức.
Tháng 12 năm 2015, cô đã tới Mỹ theo Chương Trình Trao Đổi Khách Quốc Tế International Visitor Exchange Program của Bộ Ngoại Giao Mỹ:
“Em có qua DC, New York, Las Vegas và Cincinnati, cả 4 nơi, nhưng không thể tự ghi danh được mà phải có người Mỹ ở đại sứ quán các nước tiến cử rồi sau đó Bộ Ngoại Giao Mỹ sẽ chọn ra để mời tham dự.
Chương trình đó không sát với công việc thực tế của bên em tuy nhiên em đã học hỏi được rất nhiều, thứ nhất là được gặp gỡ với nhiều phụ nữ lãnh đạo trên thế giới, có nhiều hoạt động tâm huyết trong nhiều lãnh vực nhân đạo từ các nước khác nhau.”
Tưởng cần nhắc hôm 4 tháng Tư vừa qua, Ngày Quốc Tế Nhận Thức Và Hỗ Trợ Bom Mìn, chính phủ Việt Nam loan báo Việt Nam cần 100 năm nữa cộng thêm 10 tỷ đô la chi phí mới mong có thể dọn sạch bom mìn và những vật liệu chưa nổ còn sót lại sau chiến tranh.
Số liệu từ Bộ Lao Động, Thương Binh và Xã Hội cho thấy nhìn chung khoảng 800.000 tấn bom mìn chưa nổ còn nằm rải rác trên 1/5 lãnh thổ Việt Nam.
Cuộc chiến chấm dứt đã 41 năm , nhưng hơn 42.000 người đã thiệt mạng vì bom mìn và những vật liệu nổ còn sót lại sau chiến tranh. Theo bản tin trên mạng Asian Correspondent ngày 2 tháng Tư 2016, từ năm 1945 đến năm 1975 trên 15 triệu tấn bom mìn đã trút xuống Việt Nam, gấp 4 lần so với số lượng bom mìn sử dụng thời Đệ Nhị Thế Chiến.
Mục Đời Sống Người Việt Khắp Nơi chấm dứt ở đây. Thanh Trúc kính chào.

No comments :

Post a Comment

Hiện tượng “Dưa leo”


Mà các bạn cũng biết ở Việt Nam muốn nắm quyền hành cao thì phải là đảng viên, mà đảng viên theo chỉ thị 15 thì công an không đụng vô được. Nó giống như Thượng phương bảo kiếm của Bao Công đó các bạn! Vậy thì sao? Các bạn kết luận cho bản thân nhé.

Ảnh nghệ thuật : "Đường cong hoa sen”

Giữa sen và cơ thể xuân thì của thiếu nữ Việt có một điểm chung dễ nhận thấy, đó là những đường cong mềm mại, gợi cảm… Có thể cảm nhận rõ nét điều này qua những tác phẩm do họa sĩ / nhiếp ảnh gia Dương Quốc Định thực hiện: