Thursday, April 28, 2016

Có một Hoàng Sa 'mua bán ve chai' kiếm sống

WESTMINSTER, (NV) - Bà quả phụ Nguyễn Thị Lựa là vợ cố Trung Sĩ Nhất Nguyễn Thành Trọng, nhân viên trọng pháo của chiến hạm Nhựt Tảo (HQ-10), người tử trận trong trận hải chiến Hoàng Sa ngày 19 Tháng Giêng, 1974. Hiện nay, bà sống với người con trai là anh Nguyễn Hoàng Sa, và cháu nội, tại ấp Thới Khánh, xã Tân Thạnh, huyện Thới Lai, Cần Thơ.

Pic
 Bà quả phụ Nguyễn Thị Lựa và con trai Nguyễn Hoàng Sa tại nhà mua bán phế liệu. (Hình: Nguyễn Hoàng Sa cung cấp)
Nhân chuyến về Việt Nam, phóng viên nhật báo Người Việt gặp anh Nguyễn Hoàng Sa tại huyện Ô Môn, Cần Thơ. Lúc ấy, chúng tôi chưa biết anh Hoàng Sa là ai, và rất tò mò vì cái tên của anh. Hỏi ra, mới thấy có nhiều thông tin bất ngờ.

“Vào ngày 19 Tháng Giêng, 1974, ba của tôi là một chiến sĩ Hải Quân VNCH, tử trận Hoàng Sa trên chiến hạm Nhựt Tảo (HQ-10), do cố Thiếu Tá Ngụy Văn Thà làm hạm trưởng. Ba của tôi tên Nguyễn Thành Trọng, nhân viên trọng pháo. Lúc đó ba của tôi mới có cấp bậc trung sĩ, sau khi tử trận, ba được truy thăng Trung Sĩ Nhất.” Hoàng Sa cho biết.

Anh kể: “Ngày ba mất, mẹ mang bầu tôi mới có tám tháng. Rồi sau đó, đến ngày 24 Tháng Ba, 1974, mẹ tôi sanh ra tôi. Bà vì đau lòng việc ba của tôi không còn nữa, và để kỷ niệm ngày ba tôi hy sinh tại Hoàng Sa, mới đặt cho tôi tên là Nguyễn Hoàng Sa.”

Sau ngày chồng tử trận, bà Nguyễn Thị Lựa cố gắng sống, cuộc đời hẩm hiu, không chồng nuôi con, nhờ vào tiền tử của chồng. Ngày ấy, Hoàng Sa chưa đầy một tuổi. Ðến cuối Tháng Tư, 1975, Sài Gòn thất thủ, Cộng Sản vào miền Nam, bà không còn được nhận tiền tử của chồng nữa.

Trung sĩ nhất Nguyễn Thành Trọng đứng trước quân trường Hạ Sĩ Quan. (Hình: Nguyễn Hoàng Sa cung cấp)
Những năm tiếp theo, bà Nguyễn Thị Lựa bươn chải với cuộc sống khó khăn để kiếm tiền nuôi Hoàng Sa. Mỗi lần giỗ chồng, bà ôm đứa con trai đầu lòng và duy nhất, khóc: “Hoàng Sa ơi!” Không biết bà quả phụ khóc cho đứa con mồ côi cha, hay khóc cho hải đảo Hoàng Sa, hay khóc cho vận nước điêu linh!

Hơn 40 năm qua, bà làm đủ mọi nghề, tần tảo nuôi con. Ðến nay, đã ngoài 60 tuổi, Hoàng Sa cũng đã ngoài 40. Tuổi của người con trai được đếm song hành với bao nhiêu năm tháng, kể từ ngày Hoàng Sa bị Trung Cộng cưỡng chiếm.

Nguyễn Hoàng Sa trưởng thành trong nỗi đau của mẹ. Khi trưởng thành, cuộc sống anh cũng vấp đầy khó khăn, như rất nhiều cô nhi cùng thế hệ, cùng hoàn cảnh.

Rồi anh lập gia đình, có hai con. Cách đây vài năm, gia đình tan vỡ. Khi chia tay vợ, “tài sản” duy nhất của Hoàng Sa là đứa con trai 14 tuổi, học lớp Tám. Còn một đứa con gái 4 tuổi thì người vợ mang theo.

Hoàng Sa làm rất nhiều nghề để kiếm sống. Nghề hiện tại của anh là mua bán ve chai.

Cách đây ba tuần, phóng viên Người Việt nhận một phong bì lớn, bên trong có hồ sơ của chính phủ và Bộ Tư Lệnh Hải Quân VNCH về ông Nguyễn Thành Trọng. Bà Nguyễn Thị Lựa cất giữ hồ sơ này hơn 40 năm nay, giờ thì trao lại cho con trai cất giữ.

 Mặt trước và sau của tấm hình hộ tống hạm Nhựt Tảo (HQ-10). (Hình: Nguyễn Hoàng Sa cung cấp)
Trong hồ sơ chúng tôi nhận được có bản sao tấm ảnh chiến hạm Nhựt Tảo (QH-10), phía trên góc phải của hình chiến hạm có phù hiệu của Nhựt Tảo (10), phía mặt sau có hàng chữ: “Kỷ niệm Nguyễn Thành Trọng đã tử trận ngày 19-1-1974. Tại đảo Hoàng Sa trên chuyến tàu Nhựt Tảo HQ 10.”

Một tấm ảnh của cố Trung Sĩ Nhất Nguyễn Thành Trọng đứng trước quân trường Hải Quân Việt Nam. Anh Hoàng Sa cho biết, hình này chụp lúc thân phụ anh mới ra trường hạ sĩ quan, nhưng anh không biết quân trường nào.

Ngoài ra còn có một bưu tín báo cáo tạ thế, bên trên góc phải đề:

“Việt Nam Cộng Hòa - Bộ Quốc Phòng - Bộ Tổng Tham Mưu - Quân Lực VNCH - Bộ Tư Lệnh Hải Quân. (số: 249/HQ/TQT/NSV/TH/TT).

Họ và tên: Nguyễn Thành Trọng, cấp bậc: Tr/Sĩ 1 TP (truy thăng). Số quân: 72A 700.861 Ðơn vị: HQ 10. Binh ngạch: hiện dịch.

Ðịa điểm, ngày, tháng, năm và duyên cớ sự chết: Hy sinh vì Tổ Quốc ngày 19-01-1974, tại hải đảo Hoàng Sa trong trận hải chiến với chiến hạm Trung Cộng để bảo vệ lãnh hải Việt Nam Cộng Hòa.

Sinh ngày: 22-10-1952, tại Cần Thơ. Gia cảnh: vợ, 1 con.

Tên họ bà con thân thuộc với người chết và địa chỉ báo tin: ông Nguyễn Thanh Kỳ (cha), ngụ tại: 11/2 Duy Tân, Cần Thơ.
Trật lương: PKCM.2. Thâm niên công vụ: 04 năm 04 tháng 23 ngày.

Ngày và nơi mai táng: Thủy táng.

Quy trách về công vụ: Chết vì Tổ Quốc.”

Phía dưới bản báo cáo, nơi góc phải, ghi: Ðề Ðốc Trần Văn Chơn, Tư lệnh Hải Quân; Phó Ðề Ðốc Diệp Quang Thủy, Tham Mưu Trưởng; Hải Quân Ðại Tá Trần Bình Phú, Tham Mưu Phó. Nhân Viên (ký tên) và đóng dấu: Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa-Bộ Tư Lệnh Hải Quân-Bộ Tham Mưu.

 Bưu tín báo tử của Bộ Tư Lệnh Hải Quân VNCH. (Hình: Nguyễn Hoàng Sa cung cấp)
Thư bà Nguyễn Thị Lựa viết gởi Người Việt có đoạn, chồng “chết tại quần đảo Hoàng Sa, thi hài thủy táng, bỏ lại vợ yếu con thơ. Vợ chồng tôi sống chung nhau, tôi mang thai được tám tháng thì chồng tôi đã hy sinh trận đảo Hoàng Sa. Tôi phải cố gắng an ủi để sanh nở. Khi sanh ra rồi, tội cho đứa bé mở mắt chào đời mà không biết mặt cha. Không có cảnh nào khổ cho bằng cảnh nghèo sanh còn non ngày tháng, nước mắt chang cơm, ngậm ngùi ăn cay, nuốt đắng, ôm con vào lòng mà nước mắt cứ tuôn trào, bà con láng giềng đến thăm ai cũng an ủi, khuyên hãy cố gắng lên cho có tinh thần để lo cho con khôn lớn!

“Tôi mới lấy kỷ niệm của cha nó đã hy sinh vì Tổ Quốc. Ðứa bé tên Nguyễn Hoàng Sa, sinh 1974. Bỏ lại vợ góa, con côi không có một lời an ủi.

“Ðến năm 1985, đứa em chồng có vợ thì mẹ con tôi mới tách riêng ở đậu nhà bà thím, tôi mới đi làm mướn để lo cho con ăn học lây lất qua ngày, ai mướn gì cũng làm. Từ đó đến nay tôi không tái giá, mẹ con đùm bọc cùng nhau, đời sống rất vất vả, phải đi làm mướn mà không đủ ăn lây lất qua ngày.

“Năm 1990, cho con học nghề thúy (thí) công cắt kiếng. Ðến năm 2002, thì ngoại thấy mẹ con vất vả quá khổ, ngoại kêu về giúp đỡ cho miếng đất cất nhà mẹ con sinh sống làm ăn.

“Ðến năm 2014, có anh em bạn giúp đỡ ra mua phế liệu sống qua ngày...”

Thư bà Lựa viết ngày 14 Tháng Tư, 2016. Cứ thêm một ngày, Hoàng Sa thêm một ngày tuổi, và Hoàng Sa lại thêm một ngày xa rời tổ quốc.

1 comment :

  1. Một chiến sĩ hải quân ở phía bên kia của cách mạng nhưng đã có công chiến đấu chống lại quân của Trung cộng xâm lược để bảo vệ hải đảo Hoàng Sa của tổ quốc Việt Nam ! Tổ quốc Việt Nam cần ghi nhận công lao này ?

    ReplyDelete

Hiện tượng “Dưa leo”


Mà các bạn cũng biết ở Việt Nam muốn nắm quyền hành cao thì phải là đảng viên, mà đảng viên theo chỉ thị 15 thì công an không đụng vô được. Nó giống như Thượng phương bảo kiếm của Bao Công đó các bạn! Vậy thì sao? Các bạn kết luận cho bản thân nhé.

Ảnh nghệ thuật : "Đường cong hoa sen”

Giữa sen và cơ thể xuân thì của thiếu nữ Việt có một điểm chung dễ nhận thấy, đó là những đường cong mềm mại, gợi cảm… Có thể cảm nhận rõ nét điều này qua những tác phẩm do họa sĩ / nhiếp ảnh gia Dương Quốc Định thực hiện: