Wednesday, August 9, 2017

Liệu Chính phủ thực hiện được đề án huy động vàng trong dân?

pic

Ảnh minh họa vàng thỏi.
Hòa Ái, phóng viên RFA
Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ, tài chính quốc gia huy động vàng và đô la Mỹ vừa kiến nghị Chính phủ chỉ đạo tiếp tục nghiên cứu cơ chế huy động vàng và đô la Mỹ trong dân nhằm mục tiêu tạo nguồn vốn phục vụ tăng trưởng kinh tế.

Kiến nghị tiếp tục nghiên cứu

Tại phiên họp quý II năm 2017 hồi đầu tháng bảy vừa qua, Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ, tài chính quốc gia kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành tiếp tục nghiên cứu cơ chế huy động vàng và đô la Mỹ trong dân. Có thể nói, thêm một lần nữa dư luận trong nước đặc biệt quan tâm thông tin này và cho rằng xem như là một bước tiếp theo sau tròn một năm Thủ tướng Chính phủ giao cho Ngân hàng Nhà nước chủ trì nghiên cứu, xem xét vấn đề nguồn lực trong dân, bao gồm tiền và vàng nhằm mục tiêu tạo nguồn vốn phục vụ tăng trưởng kinh tế quốc gia, trong cuộc họp Chính phủ thường kỳ vào tháng 6 năm 2016.

Theo ước tính của Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam thì hiện người dân giữ khoảng 500 tấn vàng, tương đương xấp xỉ 20 tỷ đô la Mỹ.

Với số lượng vàng được cho là nguồn vốn nhàn rỗi lớn trong dân chúng, Ngân Hàng Nhà Nước khởi thủy đưa ra đề án huy động vàng trong dân từ tháng 5 năm 2012 và kể từ khi Thủ tướng Chính phủ giao cho Ngân hàng Nhà nước chủ trì nghiên cứu đề án này cho đến nay vẫn chưa tìm ra được một phương án thực thi cụ thể nào.

Để tìm hiểu thực chất của vấn đề vì sao Ngân hàng Nhà nước có quyết định thu hút nguồn vốn bằng cách thức huy động vàng và đồng đô la dự trữ trong dân, Đài RFA được Chuyên gia Kinh tế Bùi Kiến Thành, từng là chuyên viên cố vấn cho các Thủ tướng Võ Văn Kiệt, Phan Văn Khải và Nguyễn Tấn Dũng, cho biết hệ thống ngân hàng Việt Nam không thiếu nguồn vốn. Ông Bùi Kiến Thành nói:

“Hiện nay hệ thống ngân hàng Việt Nam không phải là thiếu tiền mà ngược lại là đang dư tiền và chưa tìm được khách hàng để cho vay. Ngân hàng Nhà nước vừa rồi bán trái phiếu để bom tiền vào, chứ không phải bom tiền ra. Bây giờ huy động vàng hay huy động tiền đô la trong dân gian để làm gì, để tạo thanh khoản cho các ngân hàng thương mại có vốn cho việc cho vay hay không? Nhưng đó không phải là vấn đề vì ngân hàng Việt Nam không thiếu vốn.”

Theo như phân tích của Chuyên gia Kinh tế Bùi Kiến Thành, chúng tôi trao đổi với một số chuyên gia trong lãnh vực kinh tế tài chính ở trong nước và họ cho rằng Chính phủ Hà Nội sẽ quyết tâm theo đuổi thực hiện chính sách huy động vàng và đồng đô la trong dân chúng bởi do tình hình ngày càng khốn khó trong ngành ngân hàng cũng như nợ xấu và nợ công của Việt Nam đang ở mức cao ngất ngưởng, 63,7% GDP vào cuối năm 2016 và được dự báo có thể đạt đỉnh trong hai năm liền sau đó.

Nợ xấu của Việt Nam đang ở mức 900 ngàn tỷ đồng, trong đó Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) đã mua lại 300 ngàn tỷ đồng nợ xấu của các ngân hàng thương mại cổ phần trên phương diện giấy tờ. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đang ở giai đoạn đến hạn trả nợ gốc lẫn lãi từ 10 đến 12 tỷ đô la Mỹ cho Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (IMF), Ngân Hàng Thế Giới (WB) và Ngân Hàng Phát Triển Châu Á (ADB), kể cả Nhật Bản và một số nước khác trong bối cảnh Ngân sách Nhà nước bị thâm hụt nặng nề.

Báo cáo của Tổng cục Thống kê Việt Nam cho thấy số liệu tổng thu Ngân sách Nhà nước trong 7 tháng của năm 2017 ước đạt gần 667 ngàn tỷ đồng, bằng 55% dự toán năm. Tuy nhiên các chuyên gia kinh tế từ quốc nội dự toán cuối năm 2017 nguồn thu của Ngân sách Nhà nước sẽ thiếu hụt tầm 11%, tương đương 130 ngàn tỷ đồng, trong khi bội chi ngân sách vẫn chiếm gần 5% GDP, vào khoảng 250 ngàn tỷ đồng và Quỹ dự trữ ngoại hối được công bố hiện có 42 tỷ đô la.

Phản tác dụng nếu thực hiện

Các chuyên gia kinh tế trong nước cũng ghi nhận từ đầu năm 2017 đến nay, Ngân Hàng Nhà nước in tiền đồng để thu gom đồng đô la Mỹ, chỉ đạt được khoảng 1 tỷ và đây là con số rất khiêm tốn đối với nhu cầu sử dụng ngoại tệ của Việt Nam. Chuyên gia Kinh tế Bùi Kiến Thành nhấn mạnh Chính phủ cần tìm hiểu rõ nguồn tiền đô la trong dân như thế nào thì mới hoạch định được chính sách tương ứng:

“Ngân Hàng Nhà Nước với lãi suất bằng 0 đối với đồng đô la gửi trong tài khoản thì người ta không gửi đô la trong tài khoản nữa mà lại chuyển qua tiền đồng Việt Nam để gửi vào tài khoản với lãi suất 5-6%. Như vậy theo Ngân hàng Nhà nước không còn bao nhiêu dự trữ đô la trong nhân dân để huy động. Cho nên cần làm rõ nhân dân còn có tiền để huy động hay không trước khi có chính sách để huy động.”

Nếu dùng biện pháp có tính chất hành chính và cưỡng ép để bắt dân phải đem tiết kiệm của họ dưới dạng đô la hay vàng thì việc đó không những đi ngược lại quy luật kinh tế, mà còn gây ra những tác động về chính trị và hậu quả sau cùng là người dân càng giấu nhiều hơn và chính quyền càng lộ ra bị quýnh quáng hết tiền nên tìm cách cướp tiền của dân. Vì thế, tôi cho là việc huy động này phản tác dụng
-Ông Nguyễn Xuân Nghĩa

Liên quan đến việc huy động 500 tấn vàng trong dân, báo giới trong nước cũng đăng tải thông tin về đề xuất phát hành chứng chỉ vàng như một cách Nhà nước giữ hộ vàng cho dân và giấy chứng nhận vàng này được dùng trong giao dịch cầm cố, thế chấp và bán khi cần. Đề xuất vừa nêu gặp phải sự phản đối của giới chuyên môn vì không khả thi do thói quen của dân chúng là dành dụm mua vàng và cất giữ bên mình để phòng thân. Một phương án mang tính khả thi được các chuyên gia kinh tế nêu lên để có thể thu hút người dân đem vàng và đồng đô la gửi tín dụng là tăng lãi suất. Thế nhưng, từ góc độ khách quan bên ngoài, Chuyên gia Kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa ở Hoa Kỳ nhận định phương án tăng lãi suất cũng không mang lại hiệu quả.

Chuyên gia Kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa nêu ra lý do thứ nhất là Chính phủ Việt Nam đang xem xét và tiến hành áp dụng giảm lãi suất huy động và giảm lãi suất cho vay và lý do thứ hai rất quan trọng là mức độ tin cậy của dân chúng vào hệ thống ngân hàng Việt Nam rất thấp, hay thậm chí không còn tin tưởng do quá nhiều các vụ bê bối, như qua chuyện viện trợ của Úc với đồng bạc Polymer và cựu Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình đang bị điều tra.

Trước tình thế kinh tế tài chính hiện tại của Việt Nam mà một số nhà quan sát đánh giá là hoàn toàn bế tắt, Chuyên gia Kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa cho rằng Chính phủ Hà Nội sẽ không thể đưa ra được bất kỳ phương án khả thi nào khác trong việc huy động vàng hay đồng đô la trong dân và:

“Nếu dùng biện pháp có tính chất hành chính và cưỡng ép để bắt dân phải đem tiết kiệm của họ dưới dạng đô la hay vàng thì việc đó không những đi ngược lại quy luật kinh tế, mà còn gây ra những tác động về chính trị và hậu quả sau cùng là người dân càng giấu nhiều hơn và chính quyền càng lộ ra bị quýnh quáng hết tiền nên tìm cách cướp tiền của dân. Vì thế, tôi cho là việc huy động này phản tác dụng.”

Đài Á Châu Tự Do cũng ghi nhận vào thời điểm Thủ tướng Chính phủ giao cho Ngân hàng Nhà nước chủ trì nghiên cứu đề án huy động vàng và đồng đô la hồi tháng 6 năm ngoái, Báo mạng BizLIVE.vn đăng tải ý kiến của nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển, thuộc Bộ Kế Hoạch & Đầu Tư, Tiến sĩ Lưu Bích Hồ khẳng định việc huy động như thế không thực tế vì theo ông người dân sẽ tự đầu tư một khi môi trường đầu tư thuận lợi và Chính phủ phải tạo ra môi trường đầu tư thuận lợi đó cũng như nhận định của nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM), Tiến sĩ Võ Trí Thành rằng việc huy động vàng trong dân để giúp tạo nguồn lực phát triển kinh tế chỉ có thể thực hiện được một khi Việt Nam thực sự hội nhập và thu hẹp khoảng cách với sự phát triển của thế giới.

No comments :

Post a Comment

Hiện tượng “Dưa leo”


Mà các bạn cũng biết ở Việt Nam muốn nắm quyền hành cao thì phải là đảng viên, mà đảng viên theo chỉ thị 15 thì công an không đụng vô được. Nó giống như Thượng phương bảo kiếm của Bao Công đó các bạn! Vậy thì sao? Các bạn kết luận cho bản thân nhé.

Ảnh nghệ thuật : "Đường cong hoa sen”

Giữa sen và cơ thể xuân thì của thiếu nữ Việt có một điểm chung dễ nhận thấy, đó là những đường cong mềm mại, gợi cảm… Có thể cảm nhận rõ nét điều này qua những tác phẩm do họa sĩ / nhiếp ảnh gia Dương Quốc Định thực hiện: