Tuesday, April 12, 2016

'Vòng eo 56' và tranh cãi lối sống chân dài - đại gia

Sau khi ra mắt, "Vòng eo 56" gây ra sự tranh luận của một bộ phận người trẻ về mong muốn đổi đời mà không phải phấn đấu học tập, chỉ cần nhan sắc và tìm đại gia yêu chiều.

Pic

Vòng eo 56 dựa trên câu chuyện thật của cuộc đời người mẫu Ngọc Trinh, đang tạo ra tranh luận về lối sống trong giới trẻ, nhất là các bạn nữ: Muốn đổi đời, không cần tài năng hay phấn đấu học tập, chỉ cần đẹp, ngoan, có người dẫn dắt và... tìm đại gia.

Câu chuyện tranh luận trên mạng cũng bắt đầu từ đây: Phải chăng một bộ phận giới trẻ hiện nay đều muốn trở thành Ngọc Trinh - có nhà, có tiền cho gia đình nhờ sắc đẹp, nhờ người yêu giàu có?

Chọn đường thành công ngắn hơn

 Bình luận tại các diễn đàn mạng, một số người đưa ý kiến, phụ nữ bây giờ không cần học nhiều, nhan sắc mang lại tiền và cơ hội tiến thân nhanh hơn.

Thành viên Mai Anh đưa ý kiến: "Thời buổi này ai kiếm được nhiều tiền, người ấy giỏi hơn. Phẫu thuật thẩm mỹ, tìm đại gia sẽ mang tới thành công nhanh nhất. Mình chỉ quan tâm đến kết quả cuối cùng".

Cùng quan điểm, tài khoản Tú Phương đặt câu hỏi: Có gì sai nếu tìm một người có khả năng kinh tế tốt để dựa vào? Tại sao phải vật lộn với cuộc đời nếu có thể đi đường nhanh hơn?

Mỗi người có một cách sống, có người chọn cách độc lập, có người muốn an nhàn. Không ai quyết định, áp đặt suy nghĩ cho ai được.

"Chúng ta phải biết đi trên vai của những người khổng lồ. Tội gì phải học nhiều khi có cách thành công nhanh hơn. Đi học cũng chỉ để sau này kiếm tiền mà thôi", Tú Phương cho hay.

Có lẽ không chỉ "Vòng eo 56", nhiều cuốn truyện, bộ phim khác cũng xây dựng hình tượng những cô gái nghèo yếu ớt, bỗng một ngày gặp được chàng trai nhà giàu. Người ấy có đủ tiền và quyền để giúp đỡ, mang lại hạnh phúc cho cô gái của mình.

Bạn đọc Lê Tấn nhận xét: "Ngay cả trong truyện cổ tích dân gian được học từ bé, chúng ta cũng toàn thấy chuyện chân dài - đại gia. Rất ít truyện nói về lao động mà giàu có, chủ yếu lấy hoàng tử, cưới công chúa thôi".

Trần Hoàng Lan - du học sinh tại Đại học La Trobe (Victoria, Australia) - cho rằng, những bạn trẻ tài giỏi hầu hết đều sinh ra trong gia đình trung lưu trở lên, có một nền tảng cơ bản.

Nhiệm vụ của các bạn chỉ là học, lo cho cuộc sống cá nhân. Cũng có trường hợp người trẻ tài giỏi, sinh ra tại làng quê nghèo, nhưng phải có quyết tâm và nghị lực phi thường.

Hoàng Lan nhận định, gia đình đông con, gánh nặng cơm áo gạo tiền, cơm chẳng đủ ăn, dép không có để đi, lấy đâu ra tiền học? Bụng không đủ no sao có thể phấn đấu?

Trong hoàn cảnh ấy, việc mơ ước có một bà tiên, tìm được "mạnh thường quân", sở hữu sự si mê của đại gia là hoàn toàn bình thường, có thể hiểu được.

Chia sẻ quan điểm này, Nguyễn Thùy Linh (sinh năm 1993, Hà Nội) cho rằng, học vẫn không phải con đường chắc chắn để đảm bảo hạnh phúc.

"Các cô gái học nhiều nhưng cũng đâu sung sướng gì. Có người đàn ông muốn lấy vợ năng động, giỏi giang. Có người muốn vợ mình chỉ cần đẹp thôi, ở nhà nuôi con, tiền chồng làm là đủ. Ai cũng có sự lựa chọn riêng, muốn có chân dài xinh bên cạnh thì phải nhiều tiền, muốn có đại gia thì phải xinh và ngoan", nữ sinh nói.

Sống dựa tiền bạc khiến người trẻ yếu đuối

Blogger truyền thông và xã hội Nguyễn Ngọc Long cho rằng, mỗi người đều có quyền tìm ra con đường riêng để có được hạnh phúc.

"Không phải ai học lên giáo sư, tiến sĩ cũng tìm được hạnh phúc. Chỉ tu sửa nhan sắc để tìm được người yêu thương, chăm lo cho mình là chuyện hoàn toàn bình thường, chỉ cần đừng xâm hại những giá trị văn hóa và đạo đức", Nguyễn Ngọc Long nói.



Blogger Nguyễn Ngọc Long cho rằng, định nghĩa về hạnh phúc của mỗi người khác nhau, ai cũng có quyền tìm ra con đường riêng để đi tới hạnh phúc.
Không đồng tình với ý kiến trên, nhiều bạn cho rằng, giới trẻ không nên xây dựng ảo tưởng về cuộc sống giàu sang nhờ tiền bạc của người khác mà quên mất rằng, thành công chỉ đến khi có sự nỗ lực và quyết tâm từ bản thân.

Những năm gần đây, tấm gương nhiều bạn trẻ tài giỏi, tự phấn đấu bằng học lực và tài năng của mình đã đưa hai chữ "Việt Nam" vươn ra thế giới cùng bạn bè quốc tế.

Bên cạnh đó, không ít tấm gương con nhà nghèo học giỏi như cậu học sinh nghèo vùng biên trở thành tiến sĩ, cô gái nhà nghèo đạt học bổng tại 6 trường đại học lớn nhất thế giới...

Phạm Quỳnh Trang (sinh viên Đại học Bách khoa TP HCM) chia sẻ trên Facebook: "Coi trọng theo vẻ bề ngoài và tiền bạc, 'săn' đại gia đổi đời và tiến thân, chủ động lựa chọn cách sống hời hợt - những thứ đó sẽ chỉ là giá trị trong chốc lát, không lâu dài và mang lại hạnh phúc đích thực".

Trang không đồng tình với cách sống của những bạn trẻ không có khát khao tự lập và mong muốn vươn lên bằng chính khả năng của mình.

"Nhiều bạn thấy chưa đẹp ở đâu thì sửa, thẩm mỹ cho đẹp, chỉ quan tâm tới quần áo, mỹ phẩm, không đầu tư vào học tập, chẳng bao giờ đọc lấy một cuốn sách. Tại sao không một lần thực sự sống và làm việc bằng năng lực của các bạn?", Quỳnh Trang đặt câu hỏi. 

Pic

Nguyễn Thanh Thúy (21 tuổi, Hà Nội) bày tỏ sự bực bội khi kể họ hàng của cô thường xuyên định hướng con cháu lấy chồng giàu, tìm những gia đình khá giả: "Một số gia đình coi việc con gái chỉ cần lấy chồng có tiềm lực kinh tế lớn là được".

Theo Bùi Thu Thủy (sinh viên khoa Du lịch, ĐH Quốc gia Warszawa, Ba Lan), tiền rất cần thiết, nhưng sẽ tốt hơn khi do chính mình làm ra. "Khi phải dựa vào tiền bạc, chúng ta sẽ trở nên yếu đuối, dựa dẫm", nữ du học sinh chia sẻ góc nhìn.

Cô cũng đưa câu hỏi liệu có mối quan hệ nào bền vững khi dựa trên những thứ nhanh "hết hạn" như tiền bạc và nhan sắc?

"Cứ mải mê với son phấn, quần áo mà không đầu tư vào những thứ lâu dài như học vấn, tri thức, liệu có đại gia nào mãi mãi ở lại cạnh bạn?

Nhan sắc là thứ phù phiếm nhất. Bạn xinh nhưng sẽ có người xinh hơn. Đại gia nào cũng thích những người xinh nhất", Thủy nhận định.

Bên cạnh đó, tiến sĩ tâm lý Vũ Thu Hương (Đại học Sư phạm Hà Nội) cũng chỉ ra các hệ lụy cho xã hội khi giới trẻ chỉ chạy theo tiền bạc, nhan sắc.

"Thế hệ trẻ là những người lao động chính, mà nhiều bạn lại có suy nghĩ thích hưởng thụ, nghỉ ngơi, không làm việc, không cống hiến cho xã hội thì tương lai của đất nước sẽ đi về đâu?", bà băn khoăn.


Tiến sĩ Vũ Thu Hương chia sẻ quan điểm về lối sống của người trẻ
Theo nữ tiến sĩ, hiện nay, những bài báo, câu chuyện về người tốt việc tốt, bài học giáo dục về việc cần phải sống, làm việc và phấn đấu vì tương lai rất ít.

Trong khi đó, chuyện giật gân, hình ảnh đại gia - chân dài lại có quá nhiều, thu hút sự chú ý. Đây là điều không tốt trong giáo dục và mang lại ảnh hưởng xấu cho thế hệ trẻ.

Một cuộc sống giàu sang trong chốc lát, sự đổi đời nhanh chóng khi gặp được đại gia giàu có, không cần nghị lực, chẳng cần quyết tâm, bỏ qua sự cố gắng liệu có phải mong muốn của nhiều bạn trẻ trong thời đại kinh tế thị trường như hiện nay? 

Đại gia liệu có dễ kiếm, câu chuyện tình như cổ tích có bền vững, tấm vé đến với cuộc sống thượng lưu giàu có "rẻ"? Đó là câu hỏi người trẻ đặt ra để phản biện những cô gái thích như Ngọc Trinh của Vòng eo 56.


"Vòng eo 56" khởi chiếu từ ngày 6/4/2016, là tác phẩm của đạo diễn Vũ Ngọc Đãng. Phim xoay quanh cuộc đời của "nữ hoàng nội y" Ngọc Trinh, khắc họa hành trình thoát nghèo của cô gái ở Trà Vinh.

Phim quy tụ dàn diễn viên trai xinh gái đẹp như Lương Mạnh Hải, Hồ Vĩnh Khoa, Petey Majik; ca khúc nhạc phim do Thùy Chi trình bày.


1 comment :

  1. Dù ở đâu, Mỹ, châu Âu, Ấn Độ, Việt Nam... tiền là yếu tố rất quan trọng, điều đó đừng ai bàn cãi, Người ta sinh sống vì cái gì, cái ăn cái mặc là điều trước tiên. Mọi người đều phải nỗ lực sống, học vấn có quan trọng không, có vì đó là con đường tiếp cận với tiền bạc, vật chất. Nhưng nó chỉ là một con đường, và học vấn không phải chỉ là học cho ra kỹ sư, bác sĩ... Học vấn là kiến thức, không liên quan đến trường lớp cũng là học vấn. Tôi lấy ví dụ, bạn nào đó học lên TS làm chức cao, có tiền có địa vị, cũng có người ngèo khó không học, nuôi tôm, nuôi cá sau đó mở nhà máy chế biến thuỷ hải sản, cũng thành công. Chắc gì ai đã hơn ai. Mọi người đều có con đường mình đi, không có ai đúng ai sai hết, nhưng đi trên con đường nào thì phải chịu trách nhiệm với bản thân, gia đình và pháp luật. Còn việc nghĩ đến cống hiến xã hội, xin lỗi cái thân còn lo chưa xong thì đừng nghĩ đến chuyện đó. Thời buổi này làm người tốt không dễ đâu. Mấy cô gái không thích học, muốn có chồng giàu, thì ai cấm là chuyện của họ, miễn sao họ chịu trách nhiệm cuộc đời mình là được. Những bạn không thích người khác kiếm tiền cho mình, thích tự lập, tôi rất khâm phục, và rất ủng hộ, nhưng đừng chỉ trích những người muốn lấy chồng giàu, xã hội này thực tế lắm, chỉ sợ một ngày nào đó hiện thực vật chất làm các bạn thay đổi ý nghĩ thôi. Con đường nào cũng được, do mỗi người tự chọn, tự chịu trách nhiệm là không có gì đúng, sai hết.

    ReplyDelete

Hiện tượng “Dưa leo”


Mà các bạn cũng biết ở Việt Nam muốn nắm quyền hành cao thì phải là đảng viên, mà đảng viên theo chỉ thị 15 thì công an không đụng vô được. Nó giống như Thượng phương bảo kiếm của Bao Công đó các bạn! Vậy thì sao? Các bạn kết luận cho bản thân nhé.

Ảnh nghệ thuật : "Đường cong hoa sen”

Giữa sen và cơ thể xuân thì của thiếu nữ Việt có một điểm chung dễ nhận thấy, đó là những đường cong mềm mại, gợi cảm… Có thể cảm nhận rõ nét điều này qua những tác phẩm do họa sĩ / nhiếp ảnh gia Dương Quốc Định thực hiện: