Saturday, June 20, 2015

Tản mạn chợ đêm

rhf
Chợ đêm Ðà Lạt. (Hình: Nguyễn Sài Gòn/Người Việt)
Chỉ vậy thôi không hơn... Chợ lên đèn khi đêm vừa buông xuống. Một nơi mà mới hồi chiều là một cung đường ngắn đang sầm uất giữa phố. Có thể là gần gần đâu đó của một nhà chợ chính qui thứ thiệt vừa khép cửa thì cũng là lúc chợ đêm hình thành.

Bắt đầu là bàn ghế được bày ra, dù che mưa được bung lên, xe thức ăn dã chiến được neo lại với nồi nêu xoong chảo chén bát. Mồi màng bốc khói với đủ thứ “hằm bà lằng” như cháo, cơm, mì, phở, bia rượu được mời gọi trên những tấm bảng thực đơn chữ to cố định đập vào mắt bộ hành.

Chợ đêm không có “menu” và cũng không có bảng giá như nhà hàng quán nhậu. Vì đơn giản ở đây toàn bộ đều giá bình dân. Bình dân đến mức cạnh tranh “sale of” không lành mạnh, đôi khi giá cao thấp đến độ không thể ngờ và người ăn chỉ được biết đến giây phút chót - nếu vẫn tin rằng cuộc đời nầy vẫn còn sự “đàng hoàng.”

Ðiều này có thể được kiểm chứng bởi chín mươi phần trăm người bán ở đây đều rất lương thiện. Chỉ có một số ít thôi làm ăn chụp giựt cà chớn khi họ treo đầu dê bán thịt chó. Có nghĩa là họ mời gọi khách nhàn du bằng cái giá cực rẻ và “chém ngọt” đến mức đầu rơi khỏi cổ mà cũng không hiểu vì sao có cái “giá tên lửa” ở trên trời như vậy.

Kết quả là những cuộc tranh cãi trả treo lời qua tiếng lại và người thua cuộc vẫn là người đã ăn vô rồi thì không thể móc ra được. Chỉ còn một cách hậm hực trả tiền và “thề là không bao giờ tới đây nữa...” Nhưng như vậy thì có ăn thua gì “không mợ thì chợ vẫn đông” không con cá này mắc mồi thì con chình khác sẽ mắc câu chợ cứ thế mà tàn.

Người ta không biết chợ đêm xuất phát từ đâu - từ khoảng một thập niên đến nay - Chợ đêm trên khắp đất nước bùng phát liên tục. Từ Sài Gòn đến Nha Trang lan ra đến Ðà Nẵng-Hội An-Huế rồi đến Hà Nội... Ban đầu thì không cần có môn bài, bây giờ thì phải “đăng ký kinh doanh” có đóng thuế hẳn hoi không thì đừng có mà yên thân buôn bán.

Nhiều người nói rằng, chợ đêm hình thành ở thành phố Ðà Lạt từ trước những năm 1975. Lúc đó nó có tên là “Chợ Âm Phủ.” Thoạt tiên nó chỉ là những gánh hàng rau của nhà vườn nhóm họp trong đêm để đóng gói gởi đi xuống chợ đầu mối để kịp phân phối cho các bếp ăn Sài Gòn và khắp lục tỉnh miền Nam.

Chợ đêm lúc ấy chỉ phục vụ cho những người nông dân làm vườn xuống phố trong sương mù mưa lạnh. Khi những gánh bún bò cháo phở được nhen lửa lập lòe trong đêm. Ðói lạnh quá thì làm một tô gì đó nóng hổi ăn húp cay sè, xì xụp hít hà quanh cái nồi bốc khói trong ánh sáng lờ mờ của cái đèn hột vịt ấm áp tình người.

Ăn uống ở chợ đêm là thú vui của nhiều du khách. (Hình: Nguyễn Sài Gòn/Người Việt)

Chợ Âm Phủ là vậy nó mang cái không khí nửa dương gian nửa “A tỳ.” Càng về khuya càng lung linh càng mờ mịt sương mưa. Càng về sáng càng kỳ bí ẩn mật khôn lường vì bạn sẽ không hiểu tại sao giữa cái xứ sở lạnh giá như thế khi mà mọi người đang say giấc thì vẫn có người thức làm việc và buôn bán ăn nhậu như... ma.

Không ai biết rằng để có những bó rau củ quả tươi ngon thì ngay trong đêm từ Ðà Lạt vây quanh Hồ Xuân Hương từ xưa người nông đã hình thành một nơi “trao đổi mua bán hàng lêghim” có tên gọi rùng rợn là “chợ âm phủ” và bây giờ là chợ đêm Ðà Lạt. Khoảng một thập niên tiếp theo đó là những “chợ đêm” đỏ đèn khắp các tỉnh thành trên khắp nơi với nhiều kiểu buôn bán hàng hóa đa dạng.

Bây giờ không phải là cái đèn dầu hột vịt tù mù trong mưa nữa, thay vào đó là những đèn hiệu màu sắc hàng quán sáng trưng rực rỡ, ngoài những món ngon thức uống thì còn có đặc sản thủ công mỹ nghệ địa phương. Chợ đêm gần như là một tour đặc biệt không thể thiếu trong một chuyến đi.

Có người nói nếu đến Việt Nam mà không đi chợ đêm, không lang thang ăn uống khóc cười buồn vui chảy nước mắt vì cay với Bánh mì Madam Khánh The Queen Hội An hay Bún bò Dì Ðàn Ðà Lạt với Hủ tíu Dìn Kí chính hiệu Sài Gòn... thì coi như chưa bao giờ đi du lịch.

Cho nên sau khi được thăm thú những địa chỉ cố định thì du khách luôn luôn muốn được tự do, tự khuyến mãi cho chính mình được đi mua sắm tự do ở các khu chợ trong đêm khuya vẫn là những khoảnh khoắc đáng ghi nhớ nhất cho dù nó vẫn chính là tiền của mình.

Và lang thang chợ đêm cũng là một kiểu để bạn có thể ngắm nhìn sinh hoạt của một vùng đất khách - để đo lường độ chân thực cốt cách con người của nơi mà bạn đang đến - vì chính nó sẽ nói lời chia tay ngọt ngào nhất bằng những cuộc vui nho nhỏ mà không ở đâu có được. Ðó là được cùng với nhau thong thả êm ấm “tay trong tay” rong chơi ăn uống cho đến tận khuya mà không phải lo cho đến lúc quay về...
Nguyễn Sài Gòn/Người Việt

No comments :

Post a Comment

Hiện tượng “Dưa leo”


Mà các bạn cũng biết ở Việt Nam muốn nắm quyền hành cao thì phải là đảng viên, mà đảng viên theo chỉ thị 15 thì công an không đụng vô được. Nó giống như Thượng phương bảo kiếm của Bao Công đó các bạn! Vậy thì sao? Các bạn kết luận cho bản thân nhé.

Ảnh nghệ thuật : "Đường cong hoa sen”

Giữa sen và cơ thể xuân thì của thiếu nữ Việt có một điểm chung dễ nhận thấy, đó là những đường cong mềm mại, gợi cảm… Có thể cảm nhận rõ nét điều này qua những tác phẩm do họa sĩ / nhiếp ảnh gia Dương Quốc Định thực hiện: