Sunday, May 3, 2015

Châu Thanh Vũ: 'tình cờ' Princeton, Harvard và muốn… cưới vợ sớm

Ngọc Lan/Người Việt
WESTMINSTER, California (NV) – Lễ phép, tự nhiên, không câu nệ, rào đón và có thể làm người đối diện phải bật cười bởi sự dí dỏm chân thật của mình, đó là ấn tượng mà tôi nhận ra ngay ở Châu Thanh Vũ, chàng sinh viên 22 tuổi, đang ở những ngày tháng cuối cùng tại trường Đại Học nổi tiếng Princeton, trước khi tiến thẳng vào Harvard, ngôi trường mơ ước của hầu hết những ai từng qua thời đi học, với học bổng toàn phần trong 5 năm cho chương trình Tiến Sĩ Kinh Tế.
ert
  Vũ Thanh Châu chụp tại Cinque Terre, Ý, trong chuyến đi thực tập
 ở khoa Thống Kê   của Tổ chức Nông lương Thế giới (FAO) của LHQ
 ở Rome năm 2013. (Hình: Châu Thanh Vũ cung cấp)

Du học không tốn tiền

Nếu phải kể đến một ai đó đi du học từ những năm trung học, qua hết 4 năm đại học và sẽ lấy bằng tiến sĩ trong 5 năm tới đây mà không hề tốn một đồng tiền nào từ gia đình, cha mẹ, thì phải kể đến Châu Thanh Vũ.

“Hiện tại gia đình em không nghèo nhưng để có đủ tiền cho con cái đi du học là điều tuyệt đối không thể.” Chàng sinh viên của các loại học bổng nói ngay từ đầu.

Vũ sinh năm 1992 ở làng đánh cá nghèo Mỹ Tân, nơi mà “khi em 2 tuổi thì ở đó mới có điện và nước máy,” mẹ chỉ mới học xong lớp 6 ở nhà buôn bán phụ gia đình, ba đậu đại học Bách Khoa nhưng nhà nghèo không đủ điều kiện đi học nên cũng ở nhà làm những việc lặt vặt có liên quan đến kỹ thuật.

Khi Vũ lên 3, bố mẹ em dọn lên thành phố Phan Rang sinh sống, mong tìm những cơ hội làm việc tốt hơn. Khi bố đi học đại học tại chức trở lại, cũng là lúc Vũ theo mẹ đến lớp “bổ túc văn hóa” vào các buổi tối để “hai mẹ con học chung cho vui.”

Vũ kể, “Gia đình em cũng khó khăn trong một thời gian khá lâu, cho đến khi em 10 tuổi, mẹ sinh thêm đứa em trai thì nhà mới khá lên chút xíu, công việc bố mẹ ổn định hơn, cuộc sống tốt hơn.”

Năm 15 tuổi, sau khi học xong lớp 9 ở Phan Rang, Vũ xin ba dẫn vào Sài Gòn để thi vào lớp chuyên Tin Học của trường Phổ Thông Năng Khiếu Sài Gòn. Đến lúc đó, bố mẹ mới biết thì ra Vũ đã nuôi dưỡng ước mơ được vào Sài Gòn học nên đã tự nộp đơn thi với sự giới thiệu, hướng dẫn của hai người bạn lớn hơn cùng tham gia trong câu lạc bộ “Harry Potter” và dồn sức ôn luyện suốt cả năm.

“Vô tình năm đó lớp chuyên Tin Học lấy 15 người, vô tình lúc đó em đứng thứ 14. Vô tình đậu thì đi học luôn. Cũng cực kỳ may mắn.” Vũ cười một cách hồn nhiên khi nhớ lại “vận may vô tình” của mình

Dường như với Vũ, mọi chuyện xảy ra đều từ sự “vô tình” hay “tình cờ” chứ chẳng phải do tự em làm nên “kỳ tích,” thế nên sẽ rất dễ nghe Vũ nhắc đi nhắc lại hai chữ “vô tình” hay “tình cờ” trong cuộc chuyện trò.

Năm 2007, ở tuổi 15, Vũ rời gia đình, vào Sài Gòn sống đời tự lập.

“Em vào Sài Gòn học hai năm. Đến năm lớp 11 em được học bổng toàn phần của trường Liên Kết Quốc Tế UWC tại New Mexico, Mỹ trong hai năm 2009-2011, rất tình cờ. Em thấy cuộc đời em có rất nhiều điều tình cờ.” Vũ lại cười khi nhớ lại duyên do đưa em đến con đường du học.

Chàng thanh niên có gương mặt rất sáng và lúc nào cũng như muốn cười, kể, sau khi đạt giải nhì Quốc Gia cuộc thi Tin Học, em không được chọn vào đội tuyển dự thi quốc tế vì thiếu 0.25 điểm. “Ngay tại thời điểm đó, em vô tình đọc báo thấy có một học bổng mà hạn chót là chỉ còn 2 tuần. Thấy thích học bổng đó nên em tập trung chuẩn bị hồ sơ nộp.”

“Vô tình em được vào vòng thứ nhất, rồi lại được chọn trong số 20 bạn đưa ra Hà Nội phỏng vấn. Họ cho biết là phỏng vấn bằng tiếng Anh mà tiếng Anh của em khi đó cực kỳ tệ, thế nên em phải nhờ bạn bè bên lớp chuyên Anh dạy lại cách phát âm từ đầu để đi phỏng vấn.”

Theo Vũ, cái hay của chương trình học bổng UWC là “rất thông cảm với học sinh đến từ tỉnh lẻ không có điều kiện học tiếng Anh nhiều, thay vào đó họ tìm kiếm những phẩm chất khác.” Chính sự “thông cảm” đó đã giúp cậu học trò mới lên Sài Gòn chưa đầy hai năm nhận được học bổng toàn phần (bao trọn học phí, nơi ăn chốn ở, bảo hiểm sức khỏe và chi phí vé máy bay đi về) cho hai năm học lớp 11 và 12 tại Mỹ.

Sau khi học xong lớp 12, với những thành tích đạt được, Vũ tiếp tục nhận được lời đề nghị cho học bổng toàn phần tại 7 trường đại học danh tiếng của Mỹ, trong đó có Princeton, Brown và Học viện Công nghệ Massachusetts (MIT). Tuy nhiên, Princeton là lựa chọn của Vũ.

 Châu Thanh Vũ (bìa trái) cùng bạn bè tại Princeton  hôm Thứ Sáu,
1 Tháng Năm, 2015. (Hình: Châu Thanh Vũ cung cấp)
Nói về kết quả này, Vũ cho rằng, “Bước đầu tiên để có được học bổng toàn phần sang Mỹ học là bước khó khăn nhất. Để vào được Princeton cũng khó, nhưng so với lần đầu tiên đi tìm học bổng thì việc được vào Princeton dễ dàng hơn nhiều.”

Trong thời gian học ở Princeton, Vũ tiếp tục gặt hái học bổng, nào là Học bổng toàn phần của Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Các khu vực của Princeton để tham gia một khóa học về kinh tế-chính trị tại Nhật năm 2012; nào là học bổng toàn phần để thực tập tại Khoa Thống Kê của Tổ chức Nông lương Thế giới (FAO) của Liên Hiệp Quốc ở Rome năm 2013; rồi đến học bổng tham gia nghiên cứu về những nguy cơ hệ thống toàn cầu, nhóm nghiên cứu được thành lập bởi các giáo sư ở Princeton, cũng như thực hiện một dự án nghiên cứu độc lập vào Hè 2014.

Trong những năm học tại Princeton, ngoài các học bổng có được, Vũ còn đạt danh hiệu sinh viên năm 3 Xuất sắc nhất khoa Kinh Tế của ĐH Princeton.

Những thành tích đó góp phần giúp Vũ có thêm lời mời và học bổng tiến sĩ của 8 trường đại học lớn, bao gồm MIT, Princeton, Stanford, Chicago, Yale, Columbia, Minnesota và Harvard. Vũ chọn Harvard với học bổng $79,000/năm cho thời gian 5 năm học tiến sĩ.

Nghe hỏi “Nếu không có học bổng, em có đi du học không?”, Vũ trả lời ngay. “Dạ không.”

“Gia đình em hiện giờ không nghèo nhưng không có dư để cho con đi du học nước ngoài đâu, mà gia đình em cũng chưa bao giờ đi du lịch nước ngoài, cả Thái Lan và Cambodia bố mẹ cũng chưa một lần đi. Cho nên việc cho con đi học nước ngoài là tuyệt đối không thể.” Vũ tâm sự.

Vũ kể thêm, năm học lớp 10 em từng đậu một học bổng của một trường ở Anh, trường cho 100% học phí nhưng học sinh phải tự trang trải chi phí ăn trong 2 năm ở Anh. 

“Lần đầu thấy em đậu như vậy mọi người ở nhà vui lắm, cũng tìm cách xem làm sao để cho em được đi. Lúc đó bà nội còn định đóng góp lương hưu cho cháu đi học. Nhưng mà nghĩ lại thì thấy tuyệt đối không thể vì không biết bố mẹ phải làm đến bao nhiêu năm thì mới trả được hết số nợ đó cho nên thôi bỏ luôn.” Vũ cho biết.

Ngoài giờ đi học, Vũ còn làm thêm 20 tiếng mỗi tuần tại trường. Chính vì vậy mà “em không có xin tiền bố mẹ, mà tiền trường Princeton cho em rất nhiều cho nên có khi còn dư em để dành về thăm nhà nữa.” Vũ khoe.

Thích hát, lấy vợ sớm và... có 3 đứa con

Hát là món giải trí mà Vũ thích nhất. 

“Em thích hát lắm nên từ năm nhất em đã xin thử giọng vào các nhóm hát Acapella của trường. Đi thử giọng ở 10 nhóm, 10 nhóm từ chối hết. Cực kỳ nản. Đến năm 2 dù cực kỳ nản, nhưng vẫn còn ham nên em đi thử giọng cho 4 nhóm. Bị 3 nhóm từ chối. Còn nhóm cuối cùng em nghĩ đi cho vui thôi và cũng nghĩ sau lần này là không đi thử nữa, nhưng vô tình nhóm này lại chọn em, giờ thì em rất thân với các bạn này.” Vũ lại kể chuyện mình bằng giọng nói luôn chen trong tiếng cười hồn nhiên.

Ngoài hát, Vũ còn thích chơi guitar cổ điển. Tuy nhiên, nghe Vũ kể chuyện Vũ viết thư xin “trường ơi cho em tiền học guitar vì em thích học quá mà em không có tiền” lại càng thấy sự “hóm hỉnh” của chàng sinh viên này.
 Châu Thanh Vũ (bìa trái) cùng bạn bè trong nhóm hát  Acapella của
 trường đại học Princeton. (Hình: Châu Thanh Vũ cung cấp)

Vũ kể: “Em không hề biết chơi nhạc gì hết cho đến khi vào đại học. Em nghĩ trong thời gian học đại học mà không học đàn thì sẽ chẳng bao giờ còn có điều kiện để học nữa. Mà học phí học đàn trong trường mắc lắm, đến $93 một giờ, một học kỳ học 10 buổi là $930 rồi. Thế là em viết thư năn nỉ trường cho em tiền học đàn.”

Vũ nói lần đầu gửi thư cho nhiều khoa nhưng không ai cho, họ xin lỗi vì đang khủng hoảng kinh tế. Do quá mê học đàn nên Vũ “nhịn ăn móc túi trả tiền cho học kỳ đầu năm nhất.” Hết học kỳ, nghe Vũ nói không học nữa vì không có tiền, cô giáo dạy guitar khuyên Vũ... tiếp tục viết thư xin tiền, “cô cũng viết phụ”.

“Chắc hồi sau trường thấy đọc thư em mệt quá nên cho tiền luôn, mà cho tiền học từ học kỳ 2 của năm nhất đến cuối năm tư luôn.” Vũ cười giòn tan.

Hỏi Vũ nghĩ về hình ảnh gia đình nhỏ của mình trong tương lai sẽ như thế nào, Vũ bật cười, “Em giống ba em, em muốn cưới vợ sớm, hồi đó ba em 23-24 tuổi có vợ rồi.”

Tại sao?

Vũ trả lời rất tỉnh, “Em thích có vợ sớm vì em muốn khi con em vào đại học thì em cũng còn trẻ chứ không già lụ khụ. Nhưng năm sau em đi học tiến sĩ rồi thì coi như kế hoạch này không thực hiện được, vì em mất 5 năm nữa em mới xong, khi đó em 27 tuổi rồi.” 

“Em thích có ba đứa con. Quan niệm của ba em là nhà có 4 đứa con thì đông vui, nhưng nhà em chỉ có ba anh em thôi. Em có đứa em trai 11 tuổi và em gái 8 tuổi. Hai đứa rất dễ thương, và em rất thân với hai đứa em của em nên em nghĩ nhà có ba đứa thì vui.” Vũ nói tiếp về hình ảnh của gia đình trong mơ xen trong tiếng cười của cả người hỏi lẫn người trả lời.

“Nhưng chị đừng đăng cái này nghe vì ở Việt Nam người ta chỉ giới hạn mỗi gia đình chỉ có 2 con thôi.” Chàng sinh viên năm cuối của Princeton nói tếu táo.

Câu hỏi cuối cùng, “Vũ có bạn gái chưa?”

“Lúc có lúc không. Ở Việt Nam khi có khi không. Ở đây cũng khi không khi có. Mà chị hỏi câu này nhạy cảm quá, mẹ em nghe chắc mẹ em đau tim.” Tiếng cười lại vang lên nắc nẻ trước khi Vũ trở lại với việc hoàn tất bài vở cho ngày hôm sau.

No comments :

Post a Comment

Hiện tượng “Dưa leo”


Mà các bạn cũng biết ở Việt Nam muốn nắm quyền hành cao thì phải là đảng viên, mà đảng viên theo chỉ thị 15 thì công an không đụng vô được. Nó giống như Thượng phương bảo kiếm của Bao Công đó các bạn! Vậy thì sao? Các bạn kết luận cho bản thân nhé.

Ảnh nghệ thuật : "Đường cong hoa sen”

Giữa sen và cơ thể xuân thì của thiếu nữ Việt có một điểm chung dễ nhận thấy, đó là những đường cong mềm mại, gợi cảm… Có thể cảm nhận rõ nét điều này qua những tác phẩm do họa sĩ / nhiếp ảnh gia Dương Quốc Định thực hiện: