Tuesday, December 2, 2014

Tiểu chảy nặng do uống kháng sinh ở trẻ

J
Trẻ em điều trị bệnh tiêu chảy trong một bệnh viện dã chiến ở
San Pedro, Laguna, Manila, Philippines hôm 4/10/2009.


Việt Hà, phóng viên RFA
 
Một báo cáo mới đây tại Mỹ cho thấy việc cho trẻ uống kháng sinh có thể dẫn đến tiêu chảy nặng ở trẻ, chủ yếu là do bị nhiễm vi khuẩn C difficile hay còn gọi là C diff, một loại vi khuẩn gây chết người. Điều đáng chú ý là phần lớn trẻ nhiễm C diff tại nhà chứ không phải tại bệnh viện như quan niệm xưa nay về các trường hợp nhiễm C diff. Hiện trạng này nguy hiểm thế nào với sức khỏe của trẻ và cộng đồng nói chung? Tại sao vấn đề này trở nên phổ biến hơn thời gian gần đây? Đó là chủ đề trong trang tạp chí sức khỏe đời sống tuần này do Việt Hà phụ trách.

Nguồn C diff trong cộng đồng

Bệnh tiêu chảy nặng ở trẻ do uống kháng sinh mới đây được Cơ quan Phòng chống và Ngăn ngừa bệnh dịch Hoa Kỳ (CDC) xác định chủ yếu do nhiễm vi khuẩn C difficile, hay còn gọi là C diff, một loại vi khuẩn đường ruột có thể gây chết người.
Điểm đặc biệt trong báo cáo mới của CDC là phần lớn các trường hợp trẻ nhiễm C diff được uống thuốc kháng sinh tại nhà chứ không phải ở bệnh viện như quan niệm thường có trước nay về nhiễm C diff. Báo cáo hôm 7 tháng 3 của CDC cho biết có đến 71% các trường hợp nhiễm C diff ở trẻ từ 1 đến 17 tuổi ở Mỹ liên quan đến việc uống kháng sinh tại nhà. Trong khi tại người lớn, 2/3 số ca nhiễm C diff là ở trong điều kiện điều trị ở bệnh viện. Nói về sự khác biệt này, bác sĩ Cliff Mc Donald, chuyên gia tư vấn cao cấp thuộc CDC cho biết:
“Tại sao lại có sự khác nhau này? Có thể là do tỷ lệ người dùng kháng sinh ở các điều kiện sống khác nhau. Trẻ em nhìn chung thì khỏe mạnh hơn và phần đông các em uống kháng sinh không phải ở trong bệnh viện. Nó có thể liên quan đến tỷ lệ trẻ phải nhập viện và uống kháng sinh so với số trẻ uống kháng sinh tại nhà. Điều này rất quan trọng vì thường người ta nghĩ C diff chỉ xảy ra khi người ta nằm viện. Khoảng 10 năm về trước, người ta vẫn nghĩ như vậy. Nhưng với trẻ em thì ngược lại, phần lớn các trường hợp C diff của trẻ em xảy ra tại nhà.”
Câu hỏi đặt ra là nguồn của C diff trong cộng đồng đến từ đâu? Bác sĩ McDonald giải thích tiếp:
Tại sao lại có sự khác nhau này? Có thể là do tỷ lệ người dùng kháng sinh ở các điều kiện sống khác nhau.
-BS Cliff Mc Donald
“Câu hỏi đặt ra là vậy thì vi khuẩn này từ đâu, đâu là nguồn của nó trong cộng đồng? đây là điều mà chúng tôi vẫn đang tìm hiểu. …. Một điều mà chúng ta nên nhớ là C diff là một loại vi khuẩn có thể tồn tại ở dạng bào tử, và các bào tử này có thể tồn tại trong môi trường thường là đất đến nhiều năm sau. Dù chỉ nhìn vào một con số nhỏ các dạng bào tử này thì chúng ta cũng có thể thấy nó ở khắp nơi với số lượng nhỏ. Một nguồn khác mà chúng ta thường tìm thấy C Diff là ở trẻ nhỏ dưới 1 tuổi. Chúng tôi đã rất cẩn thận không đưa các em ở độ tuổi này vào trong nghiên cứu. Việc vi khuẩn này sống nội sinh trong trẻ dưới một tuổi được coi là bình thường bởi vì trong năm đầu đời, các vi khuẩn thường trong ruột trẻ vẫn chưa thành hình hết và đây là điều cần thiết để chống lại các viêm nhiễm và tránh nội sinh và thường thì trẻ ở độ tuổi này có tình trạng nội sinh. Ngoài ra trong các các động vật nuôi như chó mèo chúng ta cũng thấy tình trạng C diff nội sinh. Một vài trường hợp, người lớn ở cộng đồng cũng có C diff, nhất là những người tiếp xúc thường xuyên với tã của trẻ. Đó cũng có thể là một nguồn. Nhưng rõ ràng là nó không thể giải thích hết tất cả C diff trong cộng đồng. Chúng ta không biết tất cả các nguồn nhưng chúng ta biết có các nguồn từ đất nước.”
Trên thực tế, C diff đã tồn tại từ rất lâu nay. Nó được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1953 trong phân của trẻ sơ sinh. Thường thì vi khuẩn C diff trong môi trường ngoài cũng không ảnh hưởng nhiều đến người vì hệ vi khuẩn trong cơ thể người giúp con người chống lại vi khuẩn có hại phát triển trên và trong cơ thể người. Nhưng điều này sẽ thay đổi khi người ta uống thuốc kháng sinh. Khác với môi trường cộng đồng, trong bệnh viện, điều kiện tập trung bệnh nhân khác hẳn đã dẫn đến tình trạng lây nhiễm C diff mạnh hơn. Bác sĩ McDonald nói:
“Chúng tôi biết là ở bệnh viện nguồn C diff chính là từ các bệnh nhân đã bị nhiễm trước. Nhìn chung, dù ở độ tuổi này đi chăng nữa, nếu bạn uống kháng sinh, giữa điều kiện bệnh viện và cộng đồng thì nếu xét về C diff, điều kiện bệnh viện sẽ kém an toàn hơn so với cộng đồng vì có đông bệnh nhân ở trong bệnh viện và có sự tập trung người bệnh hoặc đã nhiễm C diff cấp hoặc C diff đã sống nội sinh trong cơ thể người  và vi khuẩn này xuất hiện trong môi trường bệnh viện.”

Lạm dụng kháng sinh ở trẻ

000_Del226801-250.jpg
Khoa trị bệnh tiêu chảy trong một bệnh viện ở Dhaka, Bangladesh hôm 9 tháng 9 năm 2008. AFP PHOTO/Farjana KHAN GODHULY.
Theo CDC, C diff là nguyên nhân gây ít nhất 250,000 trường hợp viêm nhiễm đường ruột trong bệnh nhân điều trị tại bệnh viện ở Mỹ và khiến khoảng 14,000 trường hợp tử vong mỗi năm ở cả trẻ em lẫn người lớn. Đây vẫn được coi là loại vi khuẩn gây chết người cao tại Mỹ và nhiều nước trên thế giới. Theo báo cáo của CDC, có khoảng 17,000 trẻ độ tuổi từ 1 đến 17 ở Mỹ nhiễm C diff mỗi năm. Tuy nhiên, theo bác sĩ McDonald, điều may mắn là phần lớn trẻ nhiễm C diff có thể tự khỏi và không phải nhập viện.
“Rất may là phần lớn trẻ em thường là khỏe mạnh hay khỏe mạnh hơn so với những người khác trong dân số. Có rất ít trường hợp tử vong ở trẻ do C diff. Chúng tôi không có con số cụ thể ở trẻ em. Nhìn chung thì khoảng 14.000 người hoặc hơn thế tử vong hàng năm do C diff tại Mỹ. Phần lớn các trường hợp này là hơn 65 tuổi, một số là hơn 45 tuổi. Rất ít là trẻ em. Các trường hợp trẻ em bị chết vì C diff thì thường là những trường hợp đã nằm viện và có thể là đang được điều trị ung thư chẳng hạn hoặc các bệnh khác.”
Tuy nhiên, điều đáng ngại là phần đông trẻ nhiễm C diff là do được kê thuốc kháng sinh không cần thiết. Các báo cáo trước kia của CDC cho thấy có ít nhất 50% các trường hợp bác sĩ kê đơn kháng sinh cho các trường hợp viêm nhiễm đường hô hấp trên của trẻ là không thực sự cần thiết. Trong khi đó việc uống kháng sinh lại chính là nguyên nhân dẫn đến mất cân bằng hệ vi khuẩn trong ruột người, tạo điều kiện để C diff phát triển.
Có rất ít trường hợp tử vong ở trẻ do C diff. Chúng tôi không có con số cụ thể ở trẻ em. Nhìn chung thì khoảng 14.000 người hoặc hơn thế tử vong hàng năm do C diff tại Mỹ.
-BS Cliff Mc Donald
Nói về thói quen kê kháng sinh quá mức ở trẻ, bác sĩ McDonald cho rằng đó là do quan niệm lâu nay của mọi người, quá tin vào kháng sinh có thể giúp họ khỏi bệnh nhanh chóng. Thói quen này đã khiến họ thúc giục các bác sĩ kê đơn kháng sinh cho trẻ với trông đợi có kết quả khỏi bệnh sớm. Việc dùng quá nhiều kháng sinh có thể sẽ khiến tình trạng lây nhiễm C diff trở nên phổ biến hơn, và các chuyên gia y tế lo ngại tình trạng có thể trở nên tồi tệ hơn, nhất là khi C diff có biến đổi nguy hiểm trong môi trường ngoài bệnh viện.
“Càng có nhiều trường hợp nhiễm C diff dù là ở trẻ hay ở động vật, tức là các động vật máu nóng, thì càng có nhiều C diff được sản sinh và chúng xuất hiện càng nhiều xung quanh chúng ta dù bây giờ việc chúng tồn tại xung quanh chúng ta không thực sự gây nguy hiểm, nhưng càng nhiều thì nó có thể có đột biến. Vì vâỵ chúng ta cần thận trọng khi chúng ta uống kháng sinh vì kháng sinh có thể làm hủy diệt hệ vi khuẩn trong cơ thể người. Thông điệp mà chúng tôi đưa ra ở đây là không nên ép dùng kháng sinh khi thực sự không cần thiết. Nếu cha mẹ mang con đến bác sĩ đừng ép bác sĩ nên kê kháng sinh khi không thực sự cần thiết vì có những viêm nhiễm không cần phải dùng đến kháng sinh.”
Gần đây đã có những lo lắng về sự xuất hiện một số dòng C diff mới có động lực cao trong môi trường bệnh viện. Đã có một số bùng phát bệnh dịch rải rác ở nhiều nước trên thế giới. Giới chức y tế Hoa Kỳ cho rằng điều quan trọng vào lúc này là cần phải nâng cao nhận thức trong người dân về việc sử dụng thuốc kháng sinh, đặc biệt là ở trẻ. Giám đốc CDC Tom Frieden nói rằng việc kê thuốc kháng sinh cho trẻ không đúng đang đặt trẻ vào những rủi ro về sức khỏe không cần thiết bao gồm việc nhiễm C diff và một số viêm nhiễm kháng thuốc kháng sinh khác hết sức nguy hiểm.
Tạp chí sức khỏe đời sống tuần này xin tạm dừng tại đây. Việt Hà cảm ơn quý vị đã quan tâm theo dõi. Xin quý vị chia sẻ các thông tin và những đóng góp về các vấn đề y tế, sức khỏe đến trang tạp chí sức khỏe đời sống tại e-mail vietha@rfa.org hoặc www.facebook.com/vietharfa
Việt Hà xin chào tạm biệt quý vị và xin hẹn gặp lại vào thứ ba tuần tới.

No comments :

Post a Comment

Hiện tượng “Dưa leo”


Mà các bạn cũng biết ở Việt Nam muốn nắm quyền hành cao thì phải là đảng viên, mà đảng viên theo chỉ thị 15 thì công an không đụng vô được. Nó giống như Thượng phương bảo kiếm của Bao Công đó các bạn! Vậy thì sao? Các bạn kết luận cho bản thân nhé.

Ảnh nghệ thuật : "Đường cong hoa sen”

Giữa sen và cơ thể xuân thì của thiếu nữ Việt có một điểm chung dễ nhận thấy, đó là những đường cong mềm mại, gợi cảm… Có thể cảm nhận rõ nét điều này qua những tác phẩm do họa sĩ / nhiếp ảnh gia Dương Quốc Định thực hiện: