Thursday, December 25, 2014

Người Việt khắp nơi đón giáng sinh

kadon-622.jpg
Giáo xứ Ka Đơn, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng.Hình do Giáo xứ Ka Đơn cung cấp

Thanh Trúc, phóng viên RFA

Hầu như Giáng Sinh năm nào Thanh Trúc cũng mời quí vị đi một vòng qua các nước, xem người Việt mình mừng Giáng Sinh như thế nào.

Năm nay, một lần nữa, xin đi cùng Thanh Trúc đến những miền đất và những người chưa từng được nhắc đến trong những bài về lễ Giáng Sinh của những năm trước.

Giáo xứ Ka Đơn, Lâm Đồng

Đầu tiên, khởi hành với linh mục Nguyễn Đức Ngọc, quản xứ giáo xứ Ka Đơn, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng, nơi có nhiều người dân tộc Chu Ru và Kô Hô, có nhà thờ Ka Đơn với kiến trúc đặc trưng Tây Nguyên vừa khánh thành tháng Bảy năm nay:
“Tại vì năm nay được ngôi nhà thờ mới nên giáo xứ cũng cố gắng tổ chức cho nó vui hơn. Đêm 24 có một Thánh lễ cho tất cả mọi người. Đến ngày 25 cũng có Thánh lễ 25. Sau Thánh lễ 25 thì có hội chợ cho cả giáo xứ, rồi sau hội chợ thì cũng có buổi văn nghệ hoàn toàn mang tính cách gia đình.
Các anh em dân tộc Chu Ru cũng như K ô Hô rất vui và rất lên tinh thần. Chúng tôi cử hành Thánh lễ hoàn toàn bằng tiếng dân tộc Chu Ru cũng như tiếng Kô Hô. Các cha trong vùng, ngay cha quản hạt cũng vậy, ngài cũng giảng bằng tiếng dân tộc. Tôi thấy rõ ràng là anh em dân tộc lên tinh thần nhiều và vui lắm.”

Bên Tin Lành, điển hình làng Ba Gốc tỉnh Kon Tum, nơi có Hội Thánh Tin Lành Trưởng Lão Việt Nam. Thầy A Ninh:
“Giáng Sinh năm này anh em bà con vui hơn năm trước, kinh tế làm ăn gì cũng được hết. Năm nay đông lắm, đang nhóm đó, gần 100 người, cùng vui cùng đón năm mới.”

Trái với những điều có vẻ nhẹ nhõm mà thầy truyền đạo A Ninh ở Ba Gốc Kontum vừa nói, thì từ sáng 23 trụ sở Tổng Hội Thánh Tin Lành Trưởng Lão Việt Nam tại xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, được lệnh cấm nhóm Giáng Sinh tối 24 từ chính quyền địa phương gởi xuống:
“Tôi có xin phép nhóm vào dịp lễ Giáng Sinh. Ở Việt Nam thì mọi hoạt động tôn giáo đều phải xin phép. Khi tôi nộp đơn xin phép thì người ta dựa trên đơn của tôi người ta nói là “không cho nhóm Giáng Sinh”, đồng thời cũng nói là không cho nhóm bình thường ngày Chúa Nhật.”

IMG_0700-400.jpg
Trụ sở Tổng Hội Thánh Tin Lành Trưởng Lão Việt Nam tại xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh. Hình do Tổng Hội Thánh Tin Lành Trưởng Lão VN cung cấp.

Đến hôm qua, ngày 24 tức ngày vọng Giáng Sinh mà theo truyền thống là có Thánh lễ nửa đêm, mục sư Trần Quốc Bảo báo cho Thanh Trúc biết:
“Có lẽ người ta đã nóng vội khi làm biên bản đó. Sau khi ký xong thì người ta có gởi lại cho tôi cái biên bản. Tôi thì có xin phép là vào dịp lễ Giáng Sinh thì xin cho những người ngoại quốc nhóm chung. Những người Hàn Quốc làm ăn ở đây họ không có nơi nhóm đàng hoàng thì họ muốn mượn chỗ mình họ nhóm. Nhưng rốt cuộc thì xin mà họ không cho phép, chỉ cho phép người Việt Nam nhóm thôi chứ người ngoại quốc thì không được nhóm.
Trước giờ nhóm thì một số người trong đó vừa công an vừa chính quyền họ đến nói thôi mục sư cứ nhóm, chúng tôi ngồi ở ngoài này bảo vệ cho mục sư thôi chứ không có gì hết.”

Hố Lương, Campuchia

Rời Việt Nam, mời quí vị qua vùng nghèo Neak Loeung, nơi người Việt cư ngụ bên đó gọi là Hố Lương, để thấy năm này Giáng Sinh đặc biệt chú trọng đến các em học sinh người Việt:
“Vì năm nay nhà thờ đang sửa chữa sắp xong nên bà con đón Giáng Sinh cũng nhộn nhịp, người dân cả làng đến coi mấy em múa hát rồi diễn kịch Chúa sinh ra đời.
Năm nay mình tăng thêm quà cho mấy em đi học, khoảng đâu 240 em Lớp Nột đến Lớp 12, trong đó 40 đi mẫu giáo. Mỗi em được lãnh sách, vở, viết và chút đỉnh tiền. Giáng Sinh năm nay đặc biệt những em nào đang đi học ở trường thì có quà hết cho nó vui. Những hộ nghèo thì trước Giáng Sinh người già đã được phát quà.”

Đó là lời linh mục Paul Hoàng, vị chủ chăn vùng Hố Lương với những làng nhỏ của người Việt sống bám vào mãnh đất nghèo nàn cằn cỗi của Campuchia bao năm qua.

Người Việt ở Hồng Kông đón Giáng Sinh 2014 như thế nào? Chị Thủy, một giáo dân thuộc xứ đạo Thánh Giu Xe, chia sẻ một tin vui diễn ra từ tháng Mười Một:
“Hồi tháng Mười Một vừa tổ chức lễ mừng 20 năm thành lập Cộng Đoàn xong. Ở Hồng Kông, giáo xứ thánh Giu Xe của mình bây giờ, có ba Cộng Đoàn duy trì ở đấy. Cộng Đoàn người Hoa là chính, sau đó là Cộng Đoàn Việt Nam của mình khoảng chừng 300 giáo dân, và Cộng Đoàn Phi là những người sang bên này theo hợp đồng lao động.
Mỗi một Cộng Đoàn thì thay nhau hàng năm để làm hang đá, năm nay Cộng Đoàn người Việt mình làm hang đá cho giáo xứ là một. Hai nữa, đêm vọng Giáng Sinh tức đêm 24 là lễ chung toàn giáo xứ, ba Cộng Đoàn thì lễ tiếng Hoa, tiếng Anh và tiếng Việt.”

Qua ngày 25, chị Thủy kể tiếp, Cộng Đoàn Công Giáo Việt Nam tổ chức một Thánh lễ riêng vào lúc 12 giờ 30 trưa:
“Ở Hồng Kông thì tất cả những ngày lễ trọng, trong đó có ngày Giáng Sinh, là ngày qui tụ đoàn viên tất cả những người Việt đang sinh sống ở Hồng Kông mà nhiều khi bởi hoàn cảnh khác nhau không đi lể thường được nhưng lễ lớn thì người ta qui tụ về thường là rất đông, phải 200 cho tới 300 giáo dân. Có cái tiệc truyền thống là mỗi một chị em được phân công nấu một món mang tới, sau lễ thì mình có tiệc liên hoan trên đó, ăn chung với nhau rồi hò hát, nhận quà Giáng Sinh . Đấy là cái không khí chung.”

Cách đó không xa là Macao với Giáng Sinh mà hầu như thật trầm lắng trong đặc điểm nỗi bật của nó. Người Việt ở Macao đi nhà thờ của giáo xứ Fatima, nơi có Cộng Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Macao, có một nữ tu, ba thầy và một linh mục người Việt, Thầy Giang thuộc giáo xứ Fatima, giải thích:
“Bà con sang bên đây đi làm, hơn 80% là người Công Giáo xuất phát từ Nghệ An, Hà Tĩnh và một số tỉnh miền Bắc... Thì người ta mang qua đây cái truyền thống gọi là giữ đạo rất sâu sắc giống như ở ngoài Bắc vậy. Từ cách ăn mặc, cách đi lễ, cách cầu nguyện rồi các nghi thức trong lễ lễ...Nói chung là hoàn toàn rất sốt sắng giữ đạo.
Giáo xứ Fatima này được Giám Mục giao cho một Cha người Việt coi sóc những người Công giáo đó. Năm nay Nô En thì cũng rất bình thường, một số người đi làm hôm đấy, một số được nghỉ, một số người lại nghỉ hôm sau, không như ở Việt Nam mà ai cũng nghĩ ngày đó hết. Các Cha và các Thầy là chỉ họp lại, cố gắng tạo một chương trình Giáng Sinh cho tất cả mọi người nhưng mà trên một phương diện chung chung vậy thôi chứ không thể nào đặc biệt hơn. Thánh lễ thì có một chút hiến nguyện, sau đó là ăn uống rồi sinh hoạt , gói gọn trong một ngày 25 thôi.”

Thủ đô Kiev, Ukraina

Và bây giờ là lúc Thanh Trúc đưa quí vị đi xa hơn, tới thủ đô Kiev của Ukraina đang co ro trong mùa đông buốt giá. Anh Hải Hà, có cơ sở kinh doanh ở Kiev, nói rằng Giáng Sinh kiểu Âu Châu gần như không thịnh hành với người Việt nói riêng ở nơi này:
“Ở bên đây thì họ đón Giáng Sinh ngày mùng 7 tháng Một theo Chính Thống Giáo như của bên Nga, Ukraina và một số nước Đông Âu, tức là chậm hơn so với đạo Tin Lành hai tuần. Ở bên đây gần như không ai tổ chức Giáng Sinh cả, nhất là trong cộng đồng Việt Nam bên đây nữa thì lại rất ít người theo đạo, còn một số người theo Tin Lành thì người ta đi nhà thờ theo cách riêng.
Bên đây thì năm nay  đồng nội tệ mất giá, lạm phát cũng tăng rất nhanh thành ra mức sống của bà con mình cũng như mức sống của cả xã hội Ukraina nói chung là giảm rất nhiều.”

Cũng từ thủ đô Kiev, chị Hường, cho rằng dù có bày biện vui chơi Giáng Sinh thì cũng không ai dấu được sự ảm đạm lo âu từ cuộc sống và chiến tranh:
“Đại khái là không khí nó buồn tẻ hơn, kiểu đồng Rúp mất giá, đồng tiền Ukraina mất giá, lên gấp ba lần so với đồng Đô La. Bà con, người dân người ta cũng nghèo hơn, điện đóm thì lúc được lúc mất. Nói chung tình hình không được vui vẻ, suông sẻ bằng như mọi năm. Hầu như người Việt bên này theo đạo chỉ có một số người thôi, không phải là ai cũng đi đón Giáng Sinh. Nô En hoặc ngày 31 Tết sang giao thừa thì lên trung tâm chụp ảnh với cây thông rồi xem lễ hội người ta tổ chức ở đấy thôi.”

Cũng là một đất nước có đa số người theo Chính Thống Giáo, người Nga chỉ bắt đầu mừng Giáng Sinh từ ngày 6 bước qua ngày 7 tháng Giêng. Tuy nhiên người Việt Nam ở Nga vẫn giữ thông lệ đón mừng Giáng Sinh ngày 24 và 25 tháng Mười Hai. Từ Moscow, anh Thắng, cho biết có một Cộng Đoàn Công Giáo Việt Nam ngay tại Moscow:
“Cộng Đoàn Công Giáo Việt Nam cũng phải hàng trăm người, nói chung là tương đối đông nhưng ở tản hết thành thử nhóm cũng không được nhiều, nhưng nếu đến nhà thờ vào Giáng Sinh thì cũng đông hơn, còn ngày bình thường chỉ độ bốn năm chục người.
Ăn vào ngày 24 là tối Giáng Sinh, còn ngày mai là ngày nghỉ. Nhà thờ này gồm sáu nước, các Cha của các nước đồng tế cùng một lúc, có Cha Việt Nam, Cha người Nga, Cha người Pháp… các nước đều có.
Noel năm nay cũng không được như mọi năm, ở Nga bây giờ cũng khó khăn về mặt kinh tế về mặt chính trị các thứ thành thử năm nay cộng đồng mình không nhóm như năm ngoái. Cộng đồng mình bây giờ là kiểu đi dự lễ Giáng Sinh ở nhà thờ về rồi thì sau đấy người ta tổ chức gia đình thì nó hợp lý hơn, rầm rộ thì mọi người năm nay không hợp lý lắm.”

Sau cùng, mời quí vị quay về Ba Lan, đến thủ đô Varsaw của nước này. Anh Thực, một giáo dân thuần thành gốc Nghệ An, đang làm việc tại Warsaw:
“Ở đây là có một Cộng Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Ba Lan do Cha Khánh lãnh đạo, khoảng 300 hoặc hơn gì đấy, chủ yếu là dân miền Trung, Nghệ An và các vùng Bắc cũng nhiều, còn miền Nam thì không có.
Nhà thờ thì do giáo dân góp tiền và thuê để tổ chức Thánh lễ gồm ba địa điểm. Địa điểm chính thường tổ chức các dịp lễ lớn, thí du như lễ Nô En, lễ đầu năm hoặc lễ Phục Sinh thì tổ chức ngày tại nhà thờ lớn . Cộng Đoàn Công Giáo Việt Nam cũng tổ chức làm hang đá nhà thờ và đi lễ vọng Giáng Sinh như ở Việt Nam thôi. Thường thì Cha xứ đi lễ nơi này xong về phải đi nơi khác nên Cha không tổ chức gì cả. Sau Thánh lễ thì những nhóm nhỏ góp tiền ăn uống giao lưu với nhau thôi.”

Đó là Giáng Sinh 2014 của người Việt ở Việt Nam, Kampuchia, Hồng Kông, Macao, Ukraina, Nga và Ba Lan.

Thanh Trúc kính chúc quí thính giả một mùa lễ tràn đầy niềm vui cũng như bình an trong hồng ân Thiên Chúa. Xin hẹn tái ngộ tối thứ Năm tuần tới.

No comments :

Post a Comment

Hiện tượng “Dưa leo”


Mà các bạn cũng biết ở Việt Nam muốn nắm quyền hành cao thì phải là đảng viên, mà đảng viên theo chỉ thị 15 thì công an không đụng vô được. Nó giống như Thượng phương bảo kiếm của Bao Công đó các bạn! Vậy thì sao? Các bạn kết luận cho bản thân nhé.

Ảnh nghệ thuật : "Đường cong hoa sen”

Giữa sen và cơ thể xuân thì của thiếu nữ Việt có một điểm chung dễ nhận thấy, đó là những đường cong mềm mại, gợi cảm… Có thể cảm nhận rõ nét điều này qua những tác phẩm do họa sĩ / nhiếp ảnh gia Dương Quốc Định thực hiện: