Tuesday, December 2, 2014

Bệnh đau mắt đỏ và phương thức điều trị

067_061616-305.jpg
Bác sĩ đang khám mắt cho một bé gái bị đỏ mắt.
Ảnh minh họa.
AFP photo

Việt Hà, phóng viên RFA
Trong vài tuần gần đây, dịch đau mắt đỏ đã bùng phát ở Hà Nội. Theo báo VNexpress, chỉ trong khoảng 2 tuần đầu tháng 9, đã có khoảng 200 người đến khám tại bệnh viện mắt trung ương vì đau mắt đỏ, trong đó có nhiều trường hợp cả gia đình đều bị đau mắt đỏ.

Đau mắt đỏ là gì?
Dịch bệnh đau mắt đỏ từ nhiều năm nay đã trở nên rất  phổ biến ở Việt Nam. Cứ mỗi năm, vào dịp hè, dịch bệnh lại bùng phát. Tuy nhiên năm nay, dịch bệnh bùng phát muộn hơn, vào khoảng đầu tháng 9. Căn bệnh đặc biệt gây lo ngại ở các trường học. Vậy dịch bệnh đau mắt đỏ này gây ra bởi tác nhân gì?
Bác sĩ Hoàng Cương thuộc viện mắt trung ương cho báo chí biết dịch bệnh đau mắt đỏ tại Hà Nội gây nên bởi virus adeno. Triệu chứng thường thấy là ngây ngấy sốt, mệt, đau họng, sưng hạch trước tai, ra gỉ mắt, chảy nước mắt. Thường đau một mắt trước, sau đó bệnh sẽ lây sang mắt thứ 2.
Đau mắt đỏ là tên thường gọi cho bệnh viêm kết mạc mắt và gây ra đỏ lòng trắng mắt. Tuy nhiên bệnh đau mắt đỏ không chỉ bởi riêng virus adeno gây nên mà nó cũng có thể do nhiều nguyên nhân khác. Bác sĩ Issac Porter thuộc trung tâm mắt Lowry thuộc tiểu bang North Carolina, cho biết:
Đau mắt đỏ là một loại nhiễm trùng mắt phổ biến. Có hai loại đau mắt đỏ phổ biến gây nên hoặc bởi virus hoặc vi khuẩn. Kết mạc là phần da mỏng phủ lên vùng lòng trắng của mắt. Khi phần này bị nhiễm trùng sẽ bị viêm. Khi bị viêm do virut, người bệnh sẽ thấy mắt mình rất đỏ và chảy nước mắt nhiều và có thể rất ngứa. Thường nếu họ bị chảy nước mắt thì nước mắt trong loãng. Đôi khi lúc họ ngủ dậy, mí mắt có thể dính vào với nhau. Thường loại viêm này chủ yếu là do cùng một loại virut gây cảm như ho sổ mũi, nhiều khi là do adnovirus, nhưng đôi khi cũng do các loại khác nhưng triệu chứng thì giống nhau.
Loại viêm thứ hai là do vi khuẩn thì ít phổ biến hơn so với virut. Nó cũng gây đỏ mắt nhiều nhưng gỉ mắt sẽ đặc và có màu vàng như mủ. Đối với loại này, chúng ta co cách điều trị là dùng thuốc nhỏ kháng sinh. Nó giúp làm sạch vi khuẩn và khỏi viêm nhiễm. Tuy nhiên với những người bị đau mắt đỏ do virut thì chúng ta không có một cách chữa trị cụ thể nào để việc viêm nhiễm khỏi nhanh. Thường là chúng ta để bệnh tự hết, trong khoảng 1 tuần.
Trong loại đau mắt đỏ do virut, ngoài virut adeno đang phổ biến ở Việt Nam hiện nay, cũng cần chú ý tới loại đau mắt đỏ do herpes tức loại virus gây lở loét trong miệng và bệnh lây nhiễm qua đường tình dục. Khi mắt bị viêm nhiễm do herpes, phần giác mạc mắt là phần hay bị ảnh hưởng nhất. Trong rất nhiều các trường hợp, viêm nhiễm chỉ xảy ra ở mặt ngoài giác mạc mắt nhưng đôi khi có thể đi xuống lớp sâu hơn và nếu không được điều trị thì có thể dẫn đến sẹo giác mạc, gây giảm thị lực. Trong khoảng 1000 người thì có khoảng 1 đến 2 người đã từng ít nhất một lần trong đời bị bệnh đau mắt đỏ do herpes. Bệnh thường gặp ở những người có độ tuổi từ 30 đến 40. Bệnh cũng có thể phổ biến ở những người hay đeo kính sát tròng.
Ngoài hai loại viêm kết mạc phổ biến này, người ta cũng có thể bị đau mắt đỏ do dị ứng. Bệnh đau mắt đỏ dị ứng thường do tiếp xúc với phấn hoa, cây cỏ, bụi, nấm, mỹ phẩm, xúc vật trong nhà hoặc cũng có thể là do dùng kính sát tròng (contact lenses). Thường những người bị loại đau mắt này cũng bị các dấu hiệu dị ứng khác như sổ mũi, hen suyễn.
Theo bác sĩ Mark Evans thuộc bệnh viện nhi Akron ở tiểu bang Ohio, bệnh đau mắt đỏ do vi khuẩn thường phổ biến ở trẻ nhỏ hơn so với người lớn.
Đau mắt đỏ từ người sang người cũng giống như khi bạn bị lây cảm cúm, thường là qua chất dịch do ho, mũi, nước bọt của người bệnh. Nếu tay bạn có vi khuẩn này do tiếp xúc với người bị bệnh, sau đó bạn dụi mắt thì bạn cũng bị lây.
- Bác sĩ Mark Evans
Đau mắt đỏ do vi khuẩn phổ biến ở trẻ nhỏ ở độ tuổi đi học mẫu giáo nhiều hơn ở người lớn. Khi bạn lớn tuổi hơn thì phần lớn nguyên nhân của đau mắt đỏ mà bạn mắc phải là do virut. Và bạn có thể thấy có gỉ mắt trong và thường đi kèm với sổ mũi, cảm, ho và một chút sốt.
Trong khi viêm mắt do vi khuẩn thì gỉ mắt màu vàng xanh, và có thể có sốt. Thường nó bắt đầu từ một mắt và sau đó có thể lan sang mắt bên kia. Thường thì rất khó để phân biệt hai loại viêm này và thường là chúng ta điều trị chúng giống nhau tức là coi như đau mắt đỏ do vi khuẩn.
Theo bác sĩ Mark Evans, người bệnh cần phải lưu ý đặc biệt khi có các các triệu chứng sau đây:
Đôi khi đau mắt đỏ cũng kèm theo đau nhức. Nếu đau nhức nhiều là điều bệnh nhân nên cẩn trọng vì nó có thể liên quan đến các bệnh khác, hoặc bị ảnh hưởng thị lực hoặc sợ ánh sáng cũng là những dấu hiệu cẩn trọng, nếu mí mắt xung quanh bị sưng hay bị sốt thì cũng nên cẩn thận, và tất nhiên là nên rất cẩn thận với trường hợp đau mắt đỏ ở trẻ nhỏ. Có những bệnh viêm nhiễm hệ thống có thể ảnh hưởng đến toàn bộ cơ thể bạn và bạn chỉ thấy dấu hiệu ở bề nổi là viêm mắt. Viêm nhiễm vùng da xung quanh mắt cũng có thể là một viêm nhiễm nghiêm trọng.
Khi dịch bệnh đau mắt đỏ bùng phát ở Việt Nam, rất nhiều người thường cho rằng việc lây đau mắt đỏ là do nhìn vào mắt của người bị đau mắt. Tuy nhiên, theo các bác sĩ, thì việc lây nhiễm không đơn giản như vậy mà chủ yếu qua tiếp xúc trực tiếp. Bác sĩ Mark Evans nói tiếp:
Đau mắt đỏ từ người sang người cũng giống như khi bạn bị lây cảm cúm, thường là qua chất dịch do ho, mũi, nước bọt của người bệnh. Nếu tay bạn có vi khuẩn này do tiếp xúc với người bị bệnh, sau đó bạn dụi mắt thì bạn cũng bị lây.
Với dịch bệnh đau mắt đỏ adeno ở Việt Nam hiện nay, bác sĩ Hoàng Cương cho biết đây là một nhóm viruts có khả năng đề kháng cực tốt với môi trường ngoài tế bào, nhất là trên các vật dụng bằng nhựa và kim loại như tay nắm cửa, bàn ghế, dụng cụ khám bệnh. Virut này cũng không bị tổn hại do cồn hay ether. Vì vậy bệnh nhân có thể bị lây nhiễm virut này do tiếp xúc với vật dụng xung quanh và bệnh sẽ khởi phát sau vài ngày đến 3 tuần.

Điều trị và phòng tránh
Với bệnh đau mắt đỏ do virut như virut adeno ở Việt Nam, lời khuyên chủ yếu của bác sĩ với người bệnh là giữ vệ sinh sạch sẽ và chờ bệnh tự khỏi sau khoảng 7 đến 10 ngày vì virus không đáp ứng với kháng sinh.
069_Bsip_011398_025-200.jpg
Nhỏ thuốc cho mắt đỏ. AFP photo
Tại Việt Nam, khi bệnh nhân được phát hiện là đau mắt do virut, bác sĩ thường kê đơn thuốc là nước muối sinh lý 0,9%, mỗi ngày nhỏ vài lần, hoặc tốt hơn là nước mắt nhân tạo có tác dụng xoa dịu những khó chịu trên mắt. Ngoài ra các bác sĩ cũng có thể kê đơn thuốc kháng sinh loại nhỏ như tetracycline 1% để phòng bội nhiễm. Theo bác sĩ Hoàng Cương, thì hiện vẫn chưa có một loại thuốc đặc trị nào dùng cho virut adeno, mặc dù đã có một số báo cáo về việc bệnh đáp ứng tốt với các thuốc Cidofovir và Trifluridine.
Nói về việc chẩn đoán và điều trị, đặc biệt là với trẻ nhỏ, bác sĩ Mark Evans cho biết:
Thường thì chúng tôi phải chờ để xác định đúng chẩn đoán của bệnh. Chúng tôi cần phải đảm bảo là đau mắt đỏ không do các viêm nhiễm khác mà có thể dẫn đến hậu quả là ảnh hưởng thị lực của người bệnh nếu không được điều trị kịp thời. Thường thì chúng tôi kê đơn là thuốc mỡ hoặc thuốc nhỏ. Tôi thích dùng thuốc nhỏ vào mắt vì dễ vào hơn nhưng có những người khác thì ngược lại. Nhưng nên nhớ là luôn rửa tay sạch khi nhỏ thuốc cho trẻ.
Tuy nhiên với những người bị đau mắt đỏ do virut thì chúng ta không có một cách chữa trị cụ thể nào để việc viêm nhiễm khỏi nhanh. Thường là chúng ta để bệnh tự hết, trong khoảng 1 tuần.
- Bác sĩ Issac Porter

Với trẻ lớn thì bảo trẻ ngửa cổ ra sau và nhỏ thuốc đau mắt còn trẻ nhỏ tuổi hơn thì bảo trẻ có thể nằm xuống và nói trẻ nhìn sang phía khác. Ví dụ nếu ta nhỏ vào phía góc phải thì bảo trẻ nhìn sang trái và nhỏ thuốc vào phần ngoài góc phải. Bạn có thể thấy được hiêu quả điều trị ngay sau 24 giờ hoặc chậm nhất là 48 giờ. Nó cũng phụ thuộc đó là đau mắt do virut hay đau mắt do vi khuẩn. Đau mắt do vi khuẩn thì đáp ứng điều trị nhanh hơn vì vi khuẩn sẽ bị kháng sinh tiêu diệt còn virut phải tự biến mất.
Đôi khi, bác sĩ cũng có thể cho bệnh nhân nhỏ thuốc corticoids tại chỗ nhưng theo bác sĩ Hoàng Cương, việc dùng thuốc này cần hết sức cẩn trọng vì viêm kết mạc do adeno và herpes có triệu chứng giống nhau lúc đầu nhưng trong điều trị đau mắt đỏ do herpes, bác sĩ không dùng corticoids. Việc dùng thuốc corticoids cho đau mắt đỏ do herpes chỉ khiến bệnh nặng thêm nhiều.
Với các trường hợp bệnh nặng bị biến chứng, tức làm ảnh hưởng đến thị lực mắt thì bác sĩ có thể xem xét để làm phẫu thuật. Phẫu thuật sẽ được tiến hành nếu giảm thị lực do giác mạc bị mờ đục hoặc do loạn thị không đều.
Dịch bệnh đau mắt đỏ hiện nay ở Việt Nam dù không phải là một loại dịch quá nghiêm trọng về sức khỏe nhưng gây khó chịu, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của mọi người hàng ngày. Theo các bác sĩ, việc điều trị bệnh tốt nhất là phòng tránh. Các biện pháp cơ bản vẫn là giữ vệ sinh cá nhân tốt, thường xuyên rửa tay. Với trẻ nhỏ bị đau mắt đỏ, các phụ huynh nên giữ trẻ ở nhà cho đến khi khỏi bệnh trước khi đưa đến trường để tránh lây cho các em khác. Theo bác sĩ Mark Evans, nếu cha mẹ muốn đưa trẻ đến trường khi trẻ bị đau mắt đỏ thì ít nhất cũng phải chờ 24 tiếng sau khi trẻ đã được dùng thuốc.
Xin quý vị chia sẻ các thông tin và câu hỏi về các vấn đề y tế, sức khỏe đến trang tạp chí sức khỏe đời sống tại email vietha@rfa.org hoặc www.facebook.com/vietharfa

No comments :

Post a Comment

Hiện tượng “Dưa leo”


Mà các bạn cũng biết ở Việt Nam muốn nắm quyền hành cao thì phải là đảng viên, mà đảng viên theo chỉ thị 15 thì công an không đụng vô được. Nó giống như Thượng phương bảo kiếm của Bao Công đó các bạn! Vậy thì sao? Các bạn kết luận cho bản thân nhé.

Ảnh nghệ thuật : "Đường cong hoa sen”

Giữa sen và cơ thể xuân thì của thiếu nữ Việt có một điểm chung dễ nhận thấy, đó là những đường cong mềm mại, gợi cảm… Có thể cảm nhận rõ nét điều này qua những tác phẩm do họa sĩ / nhiếp ảnh gia Dương Quốc Định thực hiện: