Wednesday, March 16, 2016

Tiếng đàn dân tộc Việt vang lên giữa lòng thủ đô Hoa Kỳ


Pic
Nghệ sĩ Vân Ánh Vannessa Võ thể hiện một khúc ru con Nam bộ tại phòng thu đài VOA.
Hồng Hoa (VOA) - Vào hôm 11 và 12 tháng 3, tại trung tâm biểu diễn nghệ thuật Kennedy Center tại thủ đô Washington DC, khán giả Mỹ và quốc tế đã có dịp được thưởng thức tiếng đàn tranh, đàn bầu, và tơ-rưng Việt Nam trong chương trình biểu diễn đầy xúc động và tài hoa của nghệ sĩ đàn tranh Vân Ánh Vannessa Võ và nhóm VA’V. Nghệ sĩ Vân Ánh là người từng giành giải Emmy năm 2009 cho bài hát trong phim tài liệu Bolinao 52 và một đề cử giải Oscar cho bộ phim tài liệu Người con gái Đà Nẵng năm 2003. Cô đã ấp ủ ý định thực hiện tác phẩm The Odyssey: From Vietnam to America ngay sau khi cô bước chân sang Mỹ năm 2001 và được truyền cảm hứng từ câu chuyện của các thuyền nhân Việt Nam. Vài ngày trước buổi công diễn chính thức tại Bờ Đông, nghệ sĩ Vân Ánh đã dành một chút thời gian để chia sẻ với VOA Việt  ngữ những tâm sự của cô về tác phẩm này.

VOA: Xin chào chị Vân Ánh. Xin được hỏi đây là lần thứ mấy chị tới thăm và biểu diễn ở DC?

Nghệ sĩ Vân Ánh: Chắc lần này là lần thứ 4. Hai lần đầu tiên mình tới trình diễn tại Kennedy Center. Lần thứ 3 cách đây ba tuần khi mình được mời tới trình diễn tại Tòa Bạch Ốc. Lần này mình lại được mời đến Kennedy Center để trình diễn tác phẩm mới của mình về sức mạnh tinh thần của con người, The Odyssey: From Vietnam to America.

VOA: Vậy còn buổi trình diễn của chị ở Tòa Bạch Ốc thì đã diễn ra như thế nào?

Nghệ sĩ Vân Ánh: Cái chương trình ở Tòa Bạch Ốc thì rất là đặc biệt tại vì đó là lần đầu tiên Tòa Bạch Ốc tổ chức một buổi để tổ chức Tết cho khối Đông Nam Á. Theo như Vân Ánh biết thì các nhân viên làm trong ban Châu Á Thái Bình Dương đã phải đề cử đến bốn năm thì mới được ban Hành chính của tổng thống Obama đồng ý tổ chức .

VOA: Chị đã nhận lời mời từ họ như thế nào?

Nghệ sĩ Vân Ánh: Thật ra ban Châu Á Thái Bình Dương ở đó, họ muốn làm sao tìm được những người đem được bản sắc văn hóa những phải có tiếng nói mang sự hòa quyện với văn hóa Mỹ. Lời mời đến Vân Ánh tương đối muộn vì họ tìm rất lâu mới tìm được Vân Ánh, nhưng đến khi tìm được rồi thì phải mất thêm 3 tuần nữa để kiểm tra lý lịch để vào Tòa Bạch Ốc. Sau khi nhận lời mời thì mình cũng không nghĩ gì nhiều nhưng đến lúc phải trải qua quá trình kiểm tra lý lịch mới thấy thật vất vả. Khi Vân Ánh tới trong chương trình đó thì Vân Ánh nói chuyện về nghệ thuật và đồng thời chia sẻ âm nhạc của Việt Nam.

VOA: Không biết Tổng thống Obama lúc đó có mặt ở Tòa Bạch Ốc để nghe phần trình diễn của chị không?

Nghệ sĩ Vân Ánh: Tổng thống Obama thì đi sang California trong khi mình từ California sang bên này (Cười). Tuy nhiên rất thú vị là sau buổi biểu diễn thì có nhận được lá thư cám ơn từ Tổng thống.  Có Chánh văn phòng của Tổng thống và Đệ nhất Phu nhân đều tới dự.

VOA: Trong lần sang công diễn ở Bờ Đông lần này, chị sẽ biểu diễn tác phẩm The Odyssey: From Vietnam to America. Xin chị cho biết tác phẩm này đã được ấp ủ và ra đời trong hoàn cảnh như thế nào?

Nghệ sĩ Vân Ánh: Tác phẩm này đến bây giờ mới được trình diễn nhưng Kennedy Center đã làm việc với Vân Ánh từ năm 2012 để chuẩn bị cho tác phẩm này được trình diễn. Vâng, bốn năm. Nhưng trước đó Vân Ánh đã bắt tay vào làm việc cho tác phẩm này từ khi Vân Ánh bước chân sang Mỹ năm 2001.

Vân Ánh sinh ra và lớn lên tại Hà Nội, sau cuộc chiến tranh Việt Nam. Như chúng ta đều biết thì ở Việt Nam chúng ta gọi đó là cuộc chiến tranh chống Mỹ. Vân Ánh được sinh ra sau cuộc chiến tranh Việt Nam, lớn lên thì Vân Ánh thấy được sự mất mát, đau khổ, và sức hủy diệt của cuộc chiến tranh tới cuộc sống con người. Nhưng cái đó Vân Ánh chỉ thấy ở miền Bắc Việt Nam thôi. Khi sang tới Mỹ thì bạn bè của Vân Ánh đều là người Việt nhưng từ miền Nam. Rồi trong những buổi gặp mặt, ăn uống, thì bạn bè Vân Ánh đều nói chuyện là mọi người sang Mỹ bằng cách gì. Vân Ánh được nghe những câu chuyện bạn bè chia sẻ là họ đã phải khổ như thế nào, trả giá gì để đi được sang Mỹ.

Nghệ sĩ Vân Ánh chơi một khúc đàn bầu tại phòng thu đài VOA.
Nghệ sĩ Vân Ánh chơi một khúc đàn bầu tại phòng thu đài VOA.
Rồi sau đó những lần lưu diễn ở Mỹ, có những người cựu chiến binh Mỹ đã đến cảm ơn và nói chuyện với Vân Ánh. Tất cả những điều đó khiến Vân Ánh có một cái nhìn toàn diện là cuộc chiến tranh khi xảy ra không để lại cho ai một cái gì hạnh phúc. Bên chiến thắng có hạnh phúc nhưng cũng có đau khổ, bên nào cũng có sự mất mát của nó. Sự hủy diệt của chiến tranh là quá lớn. Nó thậm chí còn tạo ra điều, mà đối với Vân Ánh là kinh hoàng nhất, đó là sự căm ghét giữa con người với nhau. Sự ghét đó trở thành sự hận thù trong con người ta, nó không chỉ dừng lại sau khi cuộc chiến kết thúc mà còn tiếp tục đi đến thế hệ trẻ hơn, con cái của những gia đình đã phải đi qua cuộc chiến tranh đó.

Chương trình The Odyssey này là Vân Ánh muốn nói về sức mạnh của con người, đặc biệt là sức mạnh bền bỉ dẻo dai của con người Việt Nam. Làm sao họ có thể tìm thấy sức mạnh để giúp đỡ nhau, tìm được niềm tin, hy vọng khi phải trải qua sự đau khổ nhất trong cuộc sống. Cảm hứng để Vân Ánh viết tác phẩm này là từ câu chuyện của những người Việt đã đi qua chuyến đi vượt biển sang Mỹ.

VOA: Tác phẩm The Odyssey của chị đã và sẽ được biểu diễn ở những nơi nào?

Nghệ sĩ Vân Ánh: Chương trình được biểu diễn lần này là East Coast premiere nhưng World Premiere đã được làm ở San Francisco. Đã có hai buổi diễn ở đó và có nhiều khán giả đi xem đến mức mà trung tâm biểu diễn nghệ thuật Yerba Buena Performing Arts Center ở San Francisco phải từ chối cho người ta vào. Người ta nói chúng tôi chờ tới giữa giờ thì có thể có người bỏ về thì chúng tôi sẽ vào. Họ phải nói là buổi đầu không có ai bỏ về hết cả thì bây giờ không nên chờ vì sẽ không thể nào vào được.

Điều vui mừng cho Vân Ánh đó là vì ở San Francisco là chỗ ở của Vân Ánh. Bình thường khi một người nghệ sĩ trình diễn tại “quê nhà” như họ nói thì phải có nhiều khán giả đi xem đã biết rồi. Nhưng trong số đó thì chỉ có 10% là Vân Ánh biết, còn 90% còn lại đến là qua các kênh radio KQED hay NPR và những tờ báo lớn như San Jose Mercury News v..v…

Chính vì thế mà Vân Ánh cũng vui vì điều cuối cùng Vân Ánh muốn chia sẻ là sức mạnh của con người, niềm hy vọng này không chỉ dừng lại trong cộng đồng Việt mà còn lan ra những cộng đồng khác, họ có thể tìm được điểm chung, rằng nếu những con người này có thể vượt qua những nỗi khổ đau và khó khăn như vậy thì khó khăn của tôi bây giờ không là gì cả. Chúng ta hãy đứng lên và tiếp tục đi và tìm được sức mạnh để biến mình trở thành người mạnh mẽ hơn.

VOA: Điều mà chị mong muốn thông qua chương trình biểu diễn này là gì?

Nghệ sĩ Vân Ánh: Càng làm việc cho chương trình này, càng đi sâu vào nó thì Vân Ánh thấy sự hủy diệt của chiến tranh là quá lớn. Nhưng đồng thời Vân Ánh cũng thấu hiểu được là con người ta có thể vượt qua được rất nhiều cũng nhờ vào việc tìm thấy sự hy vọng và tình yêu. Tình yêu đấy đến từ những bài hát ru của Việt Nam mình mà Vân Ánh biết. Vân Ánh thể hiện những bài hát ru này không phải như một người nghệ sĩ hát. Vân Ánh muốn thể hiện nó ở một tình cảm của một người thuyền nhân hoặc nhiều người thuyền nhân khi họ không còn ai để bấu víu vào, khi họ gần như tuyệt vọng, thì những bài hát ru của Việt Nam lại có thể, mặc dù nó run rẩy, chỉ như là một sợi chỉ nhỏ cho sự hy vọng trong cuộc sống của họ nhưng nó lại là yếu tố lớn giúp cho họ tìm được sức mạnh để vượt lên những khó khăn. Vân Ánh mong rằng cảm nhận đó của Vân Ánh cũng có thể truyền lại được cho khán giả để họ có thể tìm được sức mạnh trong cuộc sống của họ.

Sau buổi công diễn tại thủ đô Washington DC, nghệ sĩ Vân Ánh cho biết đã nhận được lời mời biểu diễn tác phẩm The Odyssey: From Vietnam to America cho khán giả tại Houston, tiểu bang Texas và quận Cam, tiểu bang California. Ngoài ra, vào năm 2017 và 2018, nghệ sĩ Vân Ánh có thể sẽ quay trở lại biểu diễn tại Bờ Đông, trong đó có thành phố New York.

No comments :

Post a Comment

Hiện tượng “Dưa leo”


Mà các bạn cũng biết ở Việt Nam muốn nắm quyền hành cao thì phải là đảng viên, mà đảng viên theo chỉ thị 15 thì công an không đụng vô được. Nó giống như Thượng phương bảo kiếm của Bao Công đó các bạn! Vậy thì sao? Các bạn kết luận cho bản thân nhé.

Ảnh nghệ thuật : "Đường cong hoa sen”

Giữa sen và cơ thể xuân thì của thiếu nữ Việt có một điểm chung dễ nhận thấy, đó là những đường cong mềm mại, gợi cảm… Có thể cảm nhận rõ nét điều này qua những tác phẩm do họa sĩ / nhiếp ảnh gia Dương Quốc Định thực hiện: