Wednesday, March 9, 2016

Suy ngẫm về ngày 8 tháng 3


Pic
Hồng Hoa (voa) - Hàng năm, ngày mùng 8 tháng 3 là ngày Quốc tế Phụ nữ. Tại Việt Nam, ngày này vốn luôn được coi là một sự kiện lớn và được kỷ niệm bằng nhiều cách khác nhau. Tặng quà cho phụ nữ là một cách phổ biến trong số này. Trong khi đó, theo website chính thức của Liên Hiệp Quốc, ngày Quốc tế Phụ nữ là một thời điểm để phản ánh lại những sự tiến bộ đã đạt được, để kêu gọi sự thay đổi và tôn vinh những hành động, việc làm can đảm của những phụ nữ tuy bình thường nhưng đã đóng một vai trò phi thường trong lịch sử ở đất nước và cộng đồng của họ. Vậy còn những phụ nữ đã lớn lên, sinh sống và làm việc ở những nơi khác trên thế giới thì sao? Họ có suy nghĩ gì về ngày này?

Nhà hoạt động cho quyền của người nhiễm HIV Amazin Lethi - Sinh ra tại Sài Gòn nhưng cô Amazin được một gia đình người Mỹ sống tại Australia nhận làm con nuôi từ năm lên 2, lên 3. Là một gương mặt thân quen từng xuất hiện trên VOA qua nhiều bài báo như “Cô gái mồ côi gốc Việt nổi tiếng và dự án HIV/AIDS,” “Amazin Lethi, nữ lực sĩ gốc Việt đa tài nhân ái,” hay gần đây nhất là bài viết “Hành trình vận động không mỏi mệt cho trẻ HIV ở VN của cô gái đa tài gốc Việt,” khán giả VOA hẳn sẽ còn nhớ cô Amazin là một người phụ nữ đa tài và đầy tâm huyết trong tất cả những hoạt động mà cô đã và đang làm. Chia sẻ về ngày Phụ nữ Quốc tế 8/3, cô Amazin cho biết:

“Theo những gì tôi hiểu và biết thì ngày này là để bày tỏ sự tôn trọng, tôn vinh, và tình yêu thương đối với phụ nữ nói chung, để ca ngợi những thành tựu về kinh tế, chính trị, xã hội mà phụ nữ đạt được. Nhưng ngày này cũng còn là ngày để nhấn mạnh tới những sự bất bình đẳng đối với phụ nữ, đặc biệt là ở những nước đang phát triển. Những ngày như thế này thực sự rất quan trọng trong việc nhắc mọi người nhớ rằng mặc dù phong trào phụ nữ đã đạt được những tiến bộ, thậm chí ngay cả ở phương Tây, chúng ta vẫn nhìn thấy những sự bất bình đẳng trong mức lương của phụ nữ và đàn ông. Vì vậy mà không chỉ ca ngợi mà ngày này còn nhắc nhở chúng ta rằng còn rất nhiều việc phải làm.

Đối với tôi, tôi nhìn thấy được sự tiến bộ khi ngày càng có nhiều phụ nữ hơn nắm giữ những vị trí đầy quyền lực, đặc biệt là trong cộng đồng châu Á. Ví dụ, Hàn Quốc và mới đây là Đài Loan đã có nữ Tổng thống. Chỉ riêng việc nhìn thấy sự hiện diện của phụ nữ, đứng đầu điều hành một quốc gia, mặc dù tôi không thuộc về những cộng đồng đó, nhưng chừng đó đã đủ để khiến tôi cảm thấy được truyền rất nhiều sức mạnh và cảm hứng. Và đối với những em gái trẻ ở Đài Loan, Hàn Quốc, hay tất cả những em gái nói chung, có thể nhìn thấy những nữ lãnh đạo đứng đầu đất nước như vậy có thể truyền cảm hứng rất nhiều cho các em rồi. Và bây giờ chúng ta có bà Hillary Clinton, có khả năng trở thành nữ Tổng thống Hoa Kỳ đầu tiên, điều này đã phản ánh một hình ảnh rằng là một phụ nữ hay cô gái trẻ, bạn có thể làm được nhiều điều hơn cả suy nghĩ của chính bạn hay xã hội áp đặt cho bạn.

Cô Amazin Lethi chụp cùng Phó Tổng thống Joe Biden và Phu nhân Jill Biden 24/6/2014. (Ảnh: Tòa Bạch Ốc/David Lienemann)
Cô Amazin Lethi chụp cùng Phó Tổng thống Joe Biden và Phu nhân Jill Biden 24/6/2014. (Ảnh: Tòa Bạch Ốc/David Lienemann)
Trong tương lai gần, tôi thực sự mong muốn chúng ta có thể thu hẹp khoảng cách giữa mức lương của phụ nữ và đàn ông. Bởi vì sự bất bình đẳng này vẫn tồn tại hàng ngày, ngay cả ở phương Tây. Cho dù bạn đến từ bất kỳ đâu trên thế giới thì tại nhiều nơi, phụ nữ đảm nhiệm cùng một vai trò, có cùng kinh nghiệm nhưng lại được trả lương thấp hơn so với đàn ông. Ngoài ra, tôi cũng mong rằng trong xã hội của chúng ta, thái độ của tất cả mọi người sẽ thay đổi về việc tất cả các em gái đều sẽ được hưởng quyền đi học. Bởi vì nếu chúng ta cản bước đường tiến của một nửa dân số trong xã hội thì bạn sẽ không thể thúc đẩy một cộng đồng hay đất nước tiến xa hơn nữa. Ngoài ra, có một quyền quan trọng khác nữa của phụ nữ mà chưa bao giờ thực sự được thảo luận đó là quyền của những phụ nữ chuyển giới. Trong các phong trào của phụ nữ và các phong trào đòi quyền bình đẳng, những phụ nữ chuyển giới thường bị gạt ra ngoài lề về mặt việc làm, sự nghèo đói, các vấn đề y tế, trợ cấp xã hội. Cùng sống trong cộng đồng với nhau, tôi nghĩ tất cả phụ nữ cần phải cùng chung tay ủng hộ, giúp đỡ và yêu thương nhau để có thể đạt tới sự bình đẳng trọn vẹn trong cộng đồng đó, cho dù họ có chọn xác định con người thật của họ là gì.”

Nhà làm phim Elizabeth Van Meter: Cô là tác giả bộ phim tài liệu “Thư viện của Thảo” đã được công chiếu cuối tháng 10 năm 2015 tại nhiều thành phố trên khắp Hoa Kỳ. Bộ phim không chỉ đem lại nhiều giải thưởng tại các liên hoan phim cho cô Elizabeth và đoàn làm phim mà còn lấy đi rất nhiều những giọt nước mắt xúc động của nhiều khán giả tại Mỹ. Ngay vào thời điểm VOA liên hệ với cô cho bài phỏng vấn này, cô và đoàn làm phim chuẩn bị đáp máy bay từ Đài Bắc về Thành phố Hồ Chí Minh để chuẩn bị cho buổi chiếu phim vào hôm Chủ nhật vừa rồi, ngay tại quê nhà của nhân vật Thảo trong phim. Vì lý do trục trặc kỹ thuật, cô Elizabeth không thể kết nối với VOA qua Skype, vì vậy cô đã gửi cho VOA một email ngay sau khi buổi công chiếu phim kết thúc. Cô cho biết:

“Tôi biết rằng Ngày Quốc tế Phụ nữ là một dịp để bày tỏ sự tôn trọng và ngưỡng mộ đối với phụ nữ, những người tạo nên một nửa thế giới. Thêm vào đó, đây là một cơ hội để rọi sáng những vấn đề nhân quyền và bất bình đẳng trên khắp thế giới với nỗ lực tạo ra sự thay đổi và đưa nhân loại đạt tới một mức độ có thể chấp nhận và thấu hiểu nhau nhiều hơn.

Có rất nhiều phụ nữ đi trước tôi đã có những bước tiên phong trong vấn đề quyền phụ nữ trên khắp thế giới. Tôi rất biết ơn về những sự hy sinh của họ để chúng ta có được những quyền như bây giờ, đó là quyền được đi bầu, quyền đòi hỏi mức lương bình đẳng, quyền được lựa chọn, và quyền cho phép phụ nữ được tự đưa ra quyết định.

Hồi gần đây tôi đã được gặp Shahira Amin, một nhà báo Ai Cập được trao giải thưởng vì những bài tường trình đầy can đảm về nạn kiểm tra trinh tiết và cắt xẻo bộ phận sinh dục nữ FGM. Nó đã thu hút sự chú ý của nhiều người về những vấn đề quan trọng, để rồi sau đó là sự ra đời của nhiều bộ luật mới về những vấn đề khủng khiếp này. Những bài viết của cô đã phá vỡ cánh cửa để dẫn tới một khả năng thay đổi mới.

Có rất nhiều những phụ nữ can đảm trong suốt 100 năm qua đã tạo ra những nền móng để chúng ta giờ đây có thể tiếp tục phát triển. Tôi vẫn luôn ngưỡng mộ sự dũng cảm của họ và cảm thấy được truyền cảm hứng để có thể tiếp tục chiến đấu và phát triển nhiều hơn.

Tôi đến từ thế giới làm nghệ thuật - đó là làm phim và kể chuyện. Lĩnh vực của tôi chủ yếu do nam giới chiếm lĩnh và những câu chuyện xoay quanh nam giới thường được trả giá cao nhất. Phụ nữ chúng ta vẫn còn một con đường dài để đi.

Là một phụ nữ làm công việc kể chuyện, tôi mong muốn được chia sẻ và tạo ra những câu chuyện được tất cả mọi người quan tâm. Tôi đặc biệt nhận thức được rằng những người chị em trong ngành của tôi không có được cơ hội toả sáng như những đồng nghiệp nam. Tôi sẽ tiếp tục tạo ra một cộng đồng và những mối quan hệ với những phụ nữ mạnh mẽ và mong đợi mở rộng con đường đó trong sự nghiệp của mình.

Những câu chuyện mà tôi kể đều là những điều xảy ra quanh tôi, những điều có liên hệ với tôi. Những câu chuyện này vốn đã có sự liên hệ với phụ nữ trên khắp thế giới. Tôi sẽ tiếp tục kể chúng để có thể chạm tay tới trái tim của tất cả mọi người.”

Doanh nhân xã hội Lanvy Nguyễn: Cô là doanh nhân người Mỹ gốc Việt mà VOA đã từng có dịp phỏng vấn vào năm 2013. Mạnh mẽ và đầy quyết đoán - những đặc điểm cần phải có của một doanh nhân, nhưng những hoạt động kinh doanh của cô Lanvy cũng không thiếu đi tính chất nhẹ nhàng, nhân văn và xã hội. Cùng có chung suy nghĩ về ngày 8 tháng 3 với hai khách mời Amazin Lethi và Elizabeth Van Meter nhưng cô Lanvy có một số ý kiến thú vị về cách mà ngày Quốc tế Phụ nữ được kỷ niệm ở Việt Nam:

“Mặc dù ngày lễ Quốc tế Phụ nữ là để tôn vinh một thành tựu nào đó của phụ nữ nhưng tôi lại có cảm tưởng trong thực tế thì ngày này giờ đây trở thành Ngày của Mẹ cho những người không hoặc chưa phải là mẹ. Một nhân viên của tôi ở Việt Nam, đang làm công việc tình nguyện tại địa phương, kể rằng để kỷ niệm ngày này, những người ở chỗ làm tổ chức một cuộc thi nấu ăn cho đàn ông. Có một vấn đề là trong số những người dự thi thì không có một ai biết nấu ăn cả và nếu so sánh nó với một cuộc thi Master Chef phiên bản nhí thì có vẻ nó còn tệ hơn rất nhiều lần. Nhiều năm trước đây, một người bạn của tôi làm việc cho một doanh nghiệp lớn ở Việt Nam có kể rằng trong ngày này, một số đồng nghiệp nam ở công ty sẽ mua quà tặng cho các đồng nghiệp nữ. Dựa trên tiêu chuẩn văn hóa doanh nghiệp Mỹ thì tôi thấy có một sự thiếu chuyên nghiệp một cách kỳ lạ bởi vì có một số đồng nghiệp nữ đòi những đồng nghiệp nam mua tặng họ những món đồ lót đắt tiền. Tôi thấy điều đó thật kỳ lạ. Ở Mỹ thì ngày này không có ý nghĩa gì lớn lắm ngoại trừ việc sẽ có ai đó kêu gọi bỏ phiếu cho các ứng viên nữ nhân những dịp như thế này.

Ngoài những quan sát thú vị trên, cô Lanvy cũng không ngại thẳng thắn chia sẻ một số những quan điểm khác biệt khác dựa vào những trải nghiệm của riêng cô:

“Thật không may, đối với tôi thì tôi chưa thấy có một sự thay đổi nào cho phụ nữ mà khiến tôi cảm thấy được truyền cảm hứng. Việc trông thấy một sự gia tăng số phụ nữ vươn lên được những chức vụ cao trong một doanh nghiệp không thực sự truyền cảm hứng cho tôi. Tôi sẽ kể cho bạn nghe một câu chuyện thật của chính tôi mà cho đến bây giờ thỉnh thoảng đồng nghiệp cũ của tôi vẫn còn nhắc đến.

Vào năm 1997, khi tôi mới 21 tuổi và bắt đầu tham gia vào một chương trình danh giá tại công ty AT&T. Thời đó AT&T là công ty viễn thông lớn nhất trên thế giới. Nhiều người quên mất điều đó bởi vì bây giờ họ có thể dùng dịch vụ điện thoại, internet thông qua các công ty cáp truyền hình. ATT là công ty đầu tiên thực hiện những việc sát nhập đầy phức tạp đó. Phần lớn những người trong đội làm dự án là đàn ông, nhiều nhà khoa học cũng là đàn ông. Tôi là một trong số những người phụ nữ ít ỏi tham gia vào dự án đó. Tôi cũng được tiếp xúc với những người phụ nữ rất giỏi và mạnh mẽ. Nhưng vấn đề ở đây là những người phụ nữ giỏi và thành đạt đó rất hiếm khi có ý định truyền thụ lại những gì họ biết cho những nữ tân binh mới ra trường ở độ tuổi 20.

Khi làm việc trong dự án này, mỗi tháng chúng tôi sẽ được gặp gỡ với các lãnh đạo cấp cao như CEO, CFO. Trong một lần gặp một nữ lãnh đạo đầy quyền lực trong một căn phòng chật kín khoảng 400, 500 người, tôi không biết hôm đó có phải là ngày Quốc tế Phụ nữ hay không, nhưng điều đầu tiên mà bà ấy nói đó là ở AT&T, những nữ nhân viên kỳ cựu luôn giúp đỡ những nữ đồng nghiệp mới và kỹ năng lãnh đạo gì gì đó. Tôi khi đó đứng tít ở cuối phòng, ngay sát lối ra, và khi nghe những điều đó thì tôi không nói gì, chỉ vừa nghe vừa lắc đầu. Bà ấy lúc đó đã dừng lại, chỉ thẳng vào tôi và hỏi 'Này cô, tại sao cô không đồng ý?' Khi đó tôi đã trả lời rằng 'Tôi không biết những người khác thế nào, còn riêng tôi, dựa vào những trải nghiệm mà tôi có cho đến lúc này đây thì khi thấy những phụ nữ khác đến chỗ làm, họ phải quên rằng mình là phụ nữ và cần làm việc giống như đàn ông vậy. Trong số những vị trí quản lý cấp cao, chỉ có 2% là phụ nữ, những nữ lãnh đạo này cảm thấy rằng họ không thể thiên vị phụ nữ và do đó tôi cảm thấy là không có một sợi dây cứu trợ nào ở đây cả, không có một chương trình nào có thể giúp tôi hiểu được phải làm như thế nào để vươn lên tới vị trí cao như bà cả.'

Là một lãnh đạo đầy quyền lực, thay vì đưa ra một câu trả lời thích đáng giải quyết mối quan tâm của tôi thì bà ấy lại nói 'Cô sai rồi.' Chỉ vì tôi không đồng ý với những điều bà ấy nói thì bà ấy đã cho rằng tôi sai. Bà ấy không đòi hỏi tôi đưa ra một số liệu thực nào đó mà chỉ hỏi tôi tại sao tôi không đồng ý và tôi chỉ chia sẻ cảm xúc cá nhân của tôi. Cảm xúc cá nhân của một người thì làm sao mà có thể nói là sai hay đúng được? Vì thế mà để trả lời câu hỏi liệu đã có sự thay đổi nào ở Mỹ hay trên toàn thế giới khi nói đến việc tạo ra những cơ hội dành cho phụ nữ trẻ chưa thì tôi không biết nữa.

Tôi nghĩ rằng nếu là 20 năm trước đây thì tôi sẽ nói sự thay đổi cho phụ nữ tôi muốn trông thấy là chính trị. Nhưng còn bây giờ thì, là một phụ nữ trong độ tuổi 40, chọn việc không sinh con, thì tôi cho rằng sự thay đổi trước tiên phải đến ngay từ bản thân người phụ nữ chứ không phải từ bất cứ một cá thể bên ngoài nào khác. Bởi vì điều đầu tiên và trước nhất đó là phụ nữ chúng ta không thể tự phân tách chúng ta bằng tầng lớp xã hội, sắc tộc, kinh tế, cơ hội giáo dục, chúng ta cần phải dừng việc đó lại. Điều này cần phải đến từ bên trong chúng ta.

Nếu có bất cứ một phong trào nào của phụ nữ thì chúng ta cần phải cùng xem điểm mạnh của mỗi người là gì, cơ hội mà họ cần là gì. Khi tôi phỏng vấn thuê nhân viên mới nhiều năm trước đây, tôi đã thường bỏ qua những người có bằng cấp từ những trường đại học danh giá. Thay vào đó, tôi thường có xu hướng tuyển người Việt Nam, học từ những trường không có tiếng, nhưng tôi sẽ hỏi họ rằng sai lầm lớn nhất của họ là gì, ước muốn lớn nhất của họ là gì, và hãy nói cho tôi điều mà chúng tôi có thể làm cho bạn là gì. Các ứng viên thường shock bởi lẽ thay vì đòi hỏi họ có thể làm gì cho công ty của chúng tôi, tôi muốn biết chúng tôi có thể làm được gì cho những nhân viên của mình bởi lẽ nếu những nhân viên của chúng tôi không được tạo dựng những cơ hội phù hợp thì họ sẽ không ở lại lâu dài với chúng tôi.

Chúng ta cần phải cởi mở hơn với những cuộc nói chuyện như vậy và đừng tự tách biệt chúng ta khỏi những phụ nữ có những hoàn cảnh khác. Đây không phải là một chiến thuật mới bởi vì đàn ông, họ vốn rất thực tế, đã sử dụng chiến thuật như vậy từ rất lâu rồi. Ví dụ, đàn ông khi họ chơi bóng rổ, họ không cần biết đồng đội mình đến từ đâu, hoàn cảnh như thế nào, họ chỉ chơi và học hỏi được rất nhiều điều từ nhau. Phụ nữ chúng ta cũng cần phải như vậy. Tôi biết nhiều trường hợp những phụ nữ họ chỉ giao tiếp và quan hệ với những người phụ nữ có cùng đẳng cấp với họ nhưng tôi nghĩ chúng ta không nên tự phân biệt nhau như vậy mà cần lắng nghe nhiều tiếng nói hơn, như vậy sẽ có ích và mang lại thêm nhiều cơ hội cho chúng ta hơn. “

Chủ đề chính của ngày Quốc tế Phụ nữ năm nay là “Planet 50-50 by 2030: Step It Up for Gender Equality,” tạm dịch “Hành tinh 50-50 vào năm 2030: Bước tiến mới cho Bình đẳng giới.”

No comments :

Post a Comment

Hiện tượng “Dưa leo”


Mà các bạn cũng biết ở Việt Nam muốn nắm quyền hành cao thì phải là đảng viên, mà đảng viên theo chỉ thị 15 thì công an không đụng vô được. Nó giống như Thượng phương bảo kiếm của Bao Công đó các bạn! Vậy thì sao? Các bạn kết luận cho bản thân nhé.

Ảnh nghệ thuật : "Đường cong hoa sen”

Giữa sen và cơ thể xuân thì của thiếu nữ Việt có một điểm chung dễ nhận thấy, đó là những đường cong mềm mại, gợi cảm… Có thể cảm nhận rõ nét điều này qua những tác phẩm do họa sĩ / nhiếp ảnh gia Dương Quốc Định thực hiện: