Thursday, January 7, 2016

Lá lành đùm lá rách: Quà Tết cho vùng xa

Pic
Sinh viên Hà Nội cùng dân địa phương chuẩn bị xây trường tiểu học cho Lũng Cà, Thái Nguyên.
Thanh Trúc, phóng viên RFA


Họ là những người mà tuổi đời còn khá trẻ, là doanh gia, y sĩ, bác sĩ, giáo viên, sinh viên... có chung chí hướng thích làm việc xã hội, thích mang niềm vui đến những ai kém may mắn hơn mình.
Sẵn sàng kết hợp cùng nhau
Điểm đáng nói ở đây là họ không làm riêng lẻ nhóm này nhóm nọ mà sẵn sàng kết hợp cùng nhau theo phong trào tự phát gọi là Lá Lành Đùm Lá Rách, giúp công việc thiện nguyện đạt được hiệu quả cao nhất.
Anh Nguyễn Tất Kiên, cư dân Hà Nội, người mà từ 10 năm qua cứ mỗi năm đôi ba lần mang quà cứu trợ lên vùng Tây Bắc:
“Trong mấy năm nay ở Hà Nội nói riêng và ở phía Bắc Việt Nam nói chung thì phong trào Lá Lành Đùm Lá Rách cũng phát triển mạnh nên là các nhóm bạn trẻ rồi là các nhóm chơi với nhau cùng góp tiền vào, cùng nhau gom đồ vào rồi đi trao cho đồng bào ở vùng xa hoặc những nơi khó khăn.
Càng ngày thì số lượng các bạn trẻ đi lại càng nhiều hơn, cuối năm 2015 đầu 2016 thì rất là nhiều nhóm, ở Hà Nội nhiều lắm không kể hết được, đấy là điều đáng mừng. Có tiền thì các bạn mua quần áo mới, không tiền thì các bạn gom quần áo cũ, sách vở, dụng cụ học tập cho các trẻ em trên vùng cao.
Thực ra mấy năm gần đây kinh tế cũng phát triển tốt hơn, ổn định hơn, đời sống tốt hơn nên mọi người có điều kiện để giúp đỡ người nghèo nhiều hơn.”
Trong mấy năm nay ở Hà Nội nói riêng và ở phía Bắc Việt Nam nói chung thì phong trào Lá Lành Đùm Lá Rách cũng phát triển mạnh nên là các nhóm bạn trẻ rồi là các nhóm chơi với nhau cùng góp tiền vào, cùng nhau gom đồ vào rồi đi trao cho đồng bào ở vùng xa hoặc những nơi khó khăn. 
-Anh Nguyễn Tất Kiên
Bạn Đặng Ngọc Sơn, nhóm Hạnh Phúc Sẻ Chia ở Hà Nội, giải thích vì sao nhóm của bạn tập trung về vùng cao nhiều hơn:
“Bởi vì đến giờ phút này thì Hà Nội có rất nhiều nhóm, có những đội phát cháo thiện nguyện, những đội thanh niên ban đêm đi phát thức ăn, phát chăn ấm cho những người vô gia cư... nên xu hướng bọn em là ra những tình vùng núi, vùng cao, có thể những nơi đó cần bọn em hơn.”
Chỉ còn một tháng nữa thì năm Ất Mùi qua đi và năm Bính Thân về tới, với những nhóm thiện nguyện tự phát thì đây là cao điểm mùa cứu trợ, có nghĩa phải gấp rút mang quà đến cho những người thiếu thốn. Anh Nguyễn Tất Kiên:
“Từ nay đến cuối năm thì Kiên có 4 chương trình đi với 4 nhóm khác nhau. Năm nay hầu như tập trung vào quần áo, chăn và ủng cho trẻ em. Một chương trình đi Điện Biên, một chương trình đi huyện Bắc Nậm tỉnh Bắc Kạn, một chương trình đi huyện Sơn Dương tỉnh Tuyên Quang và một chương trình nữa là Lào Cai.”
Tất cả những chương trình phát quà này, anh Nguyễn Tất Kiên cả quyết, phải hoàn tất trước ngày 29 chạy 30 Tết:
“Mấy năm nay thì nhà nước đầu tư rất tốt cho chương trình giao thông nông thôn ở các vùng biên giới và vùng sâu vùng xa, cho nên là vùng sâu bây giờ có khi đường xá còn thuận lợi hơn ở những vùng lưng lửng. Khi có những con đường thuận lợi như thế thì bà con bán được nông sản của mình dễ dàng hơn. Chẳng hạn như ngày xưa mỗi một gánh 30 cân ngô sắn người ta đi từ sáng đến tối mới ra được đến chợ. Ba mươi cân sắn được 40.000 là khoảng 2 Đô. Bây giờ có thể người ta vào tận nơi người ta mua được rồi, cũng vẫn được 2 Đô ngàn ấy nhưng không phải gánh đi mà lại bán nhanh hơn nhiều hơn.
Một tấn sắn phải gánh bao nhiêu ngày mới ra bán được, bây giờ có đường có xá, xe cộ người vào tận nơi người ta mua, người nông dân không phải mất sức lao động nữa.”
thien-nguyen-2-400.jpg
Trường Lũng Cà đã xây xong, các nhóm chụp hình lưu niệm. Hình do Anh Đặng Ngọc Sơn cung cấp.
Thế nhưng cái đói vẫn là mối đe dọa chờ chực những con người nơi thâm sơn cùng cốc, nơi mà mùa đông về thì trẻ con tím tái cả người vì lạnh và vì thiếu ăn:
“Đói thi khả năng cũng còn nhiều lắm. Năm nào mưa lũ. Mất mùa hoặc là sâu dịch bệnh thì sẽ xảy ra nạn đói thôi.”
Còn nhóm Hạnh Phúc Sẻ Chia của bạn Đặng Ngọc Sơn thì sao:
“Vừa rồi công ty bọn em cũng vừa cử một nhóm đi tiền trạm hai vùng Điện Biên và Cao Bằng. Hiện bây giờ cac bạn đưa thông tin về thì bọn em cân nhắc sẽ làm một chương trình ở Điện Biên, nơi có nhiều nhu cầu mà bọn em cảm thấy thực sự là cần hơn.
Chẳng hạn trường học trên đấy, từ Tiểu Học và Mầm Non, xét về hoàn cảnh thì nó thiếu thốn, trướng học tới giờ vẫn lợp gỗ rất là thưa, mùa rét như vừa qua thì các em phải chịu rất nhiều khó khăn hơn so với Cao Bằng. Bọn em tự cân nhắc và thấy là phải đến vói Điện Biên.”
Ngày giờ đến Điện Biên của nhóm Hạnh Phúc Sẻ Chia đã được xác định là ngày Chúa Nhật cuối cùng của Tháng Giêng 2016, chạy 27 Tết Âm Lịch:
“Tại vì bọn em đa phần đều đi làm, thứ nhất là vậy, thứ hai trong nhóm em có cái đặc thù là bọn em có thêm các bác sĩ ở các bệnh viện để đi khám chữa bệnh. Vì vậy bắt buộc bọn em phải đi vào tối thứ Sáu và tối Chủ Nhật về để không ảnh hưởng đến công việc của các bác sĩ.
Quà thì bọn em thay đổi tiêu chí một chút, chỉ hỗ trợ cho khoảng độ 100 hộ nghèo nhất theo danh sách mà xã nơi bọn em đến đưa ra, còn đa phần chủ yếu đưa vào trường học, giúp đỡ các cháu học sinh là nhiều, từ Mầm Non đến Cấp Một. Bọn em gởi thêm gạo, thêm thịt để tăng gia buổi ăn cho các cháu đầy đủ hơn.”
Ngoài 100 xuất quà cho 100 hộ nghèo nhất ở xã, nhóm Hạnh Phúc Sẻ Chia cũng như các bác sĩ và y sĩ ở Hà Nội còn lo liệu 200 chăn ấm, 200 đôi giày và áo ấm hai lớp để phát cho học sinh, chưa kể sách vở, gạo, dầu ăn, mắm muối... tất cả không ngoài mục đích mang lại một không khí Tết cho trẻ và gia đình của các em.
Tiếp sức cho nhóm Hạnh Phúc Sẻ Chia có được một số bánh chưng mang lên cho bà con Điện Biên là nhóm từ thiện có tên Ấm:
“Các bạn ấy chủ yếu làm trong nội thành Hà Nội, cuối năm các bạn cũng có gói bánh để tặng cho người vô gia cư thì trong đợt này các bạn ấy cũng sẽ ủng hộ luôn cho bọn em khoảng độ từ 200 đến 300 cái bánh chưng.”
Thực ra chỉ cần khoảng độ 50 triệu là mình đã có thể giúp cho các cháu ngôi trường gọi là khang trang, ấm áp trong mùa đông. Năm mươi triệu đấy thì bọn em kết hợp cùng xã, cùng người dân san đất, dựng trường, lát nền xi măng, thay vì gỗ thì lợp bằng tôn, tạo thành cái nhà gọi là khăn khít, kín đáo, mùa đông như thế này không bị gió máy. 
-Đặng Ngọc Sơn
Cũng trong tinh thần kết hợp hỗ trợ lẫn nhau, Đặng Ngọc Sơn trình bày tiếp, nhóm Hạnh Phúc Sẻ Chia của anh còn có được sự đồng cảm và đồng hành của nhóm Kết Nối Yêu Thương và nhóm Cùng Em Vững Bước:
“Đa phần các bạn ấy đều là sinh viên, bản thân em trực tiếp làm cùng, xây dựng cùng các bạn. Hai năm nay rồi bọn em vẫn đi song hành như thế. Năm vừa rồi thì bọn em thử làm một cái mới là đi xây sửa lại những cái trường trên miền núi.
Mới đầu thì bọn em nghĩ rất là tốn kém nhưng khi bắt tay vào thì thực ra chỉ cần khoảng độ 50 triệu là mình đã có thể giúp cho các cháu ngôi trường gọi là khang trang, ấm áp trong mùa đông. Năm mươi triệu đấy thì bọn em kết hợp cùng xã, cùng người dân san đất, dựng trường, lát nền xi măng, thay vì gỗ thì lợp bằng tôn, tạo thành cái nhà gọi là khăn khít, kín đáo, mùa đông như thế này không bị gió máy.”
Điểm trường đầu tiên mà nhóm Hạnh Phúc Xẻ Chia, kết hợp cùng các bạn sinh viên của Kết Nối Yêu Thương và Cùng Em Vững Bước, để xây lên chính là trường Lũng Cà ở tỉnh Thái Nguyên.

Sài Gòn cũng rộn rằng không kém Hà Nội

Năm hết Tết đến, hoạt động của các nhóm từ thiện tự phát ở thành phố Sài Gòn cũng rộn rằng không kém Hà Nội. Chị Dương Xuân Diễm, giáo viên đã nghĩ dạy vì lý do sức khỏe nhưng rất hăng say trong các công tác xã hội, kể tên một vài nhóm mà chị biết:
“Thí dụ Chia Sẻ Niềm Vui, Tết Yêu Thương hoặc Nụ Cười Hồng... Nhóm của mình là thuộc 42 Tú Xương, chủ yếu đi thăm viếng vùng sâu vùng xa hoặc những chỗ khó khăn.”
Từ lâu, nhóm 42 Tú Xương do các nữ tu Công Giáo phụ trách, đã kết hợp được các y bác sĩ hoặc nhân viên điều dưỡng từ Viện Ung Bướu hoặc Bệnh Viện Nhi Đồng, tổ chức những buổi đi khám bịnh miễn phí khám bịnh cho người nghèo các vùng xa, quyên góp tiền bạc vật phẩm mang đến giúp đỡ họ:

thien-nguyen-400.jpg

Một cảnh đời nghèo ở Cái Ngang, Trà Vinh.
“Hôm Một tây thì đã đi trại cùi Đức Minh, ngày 2 tây thì nhóm đã đi thăm trẻ mồ côi ở Củ Chi và 23, 24 tây này sẽ đi Cà Mau. Tại vì hai năm liên tục rồi đã đi ngoài Trung và bây giờ mình xuống dưới tận cùng của đất nước. Phần quà là 10 ký gạo, dầu ăn, đường, nước mắm, tương, một cái mền... Tức là mình chuẩn bị cho người ta ăn Tết, rồi còn làm bánh mì cho họ ăn, cho họ uống nước ngọt. Các em thì cho chơi trò chơi vận động rồi phát quà bánh, áo quần, dép giày, bất cứ cái gì mình quyên góp được.
Xuống đó mình không giao cho nhà nước phát mà mình phải tự động phát cho từng người, từng người một.”
Không chỉ các tỉnh phía Nam mà hồi trong năm nhóm 42 Tú Xương đã thực hiện một việc ý nghĩa:
“Không phải chỉ đi vùng sâu vùng xa thôi đâu. Tết Trung Thu vừa qua thì các y bác sĩ ở Viện Ung Bướu hùn tiền lại và làm bánh dẻo gởi qua bên Lào và bên Kampuchia để trẻ em Việt Nam mình bên đó biết được đó là Tết Trung Thu.”
Từ năm 2012, Thanh Trúc từng giới thiệu đến quí vị nhóm thiện nguyện có tên Mái Ấm Bokul. Mục tiêu phục vụ của nhóm là những trẻ em sắc tộc người Thượng trên Tây Nguyên, bà con nghèo và người già neo đơn tại những vùng sâu phía Nam.
Tính đến lúc này, điều kiện làm việc hoặc sinh sống đã không cho phép Mái Ấm Bokul hoạt động đều đặn như trước. Bù lại, các thành viên trong nhóm, điển hình như bạn trẻ Đặng Võ Thủy Ngân, đã tìm cách kết hợp với những nhóm từ thiện khác để có thể tiếp tục lý tưởng nhân đạo của mình.
Hai nơi bạn Đặng Võ Thủy Ngân đã đến mới đây nhất, tặng quà cho 120 hộ rồi trở về trong nỗi ngậm ngùi mang theo là Cái Ngang, còn gọi là Cầu Ngang, ở Trà Vinh, và Giá Rái ở Bạc Liêu:
“Một là quà cho những hộ nghèo, hai là phát quần áo mới cho những em bé để chuẩn bị Tết. Quà thì có nhu yếu phẩm từ mì gói, đường, bột ngọt, nước tương, nước mắm và 100.000.
Đầu tiên mà tới Trà Vinh thì xe không thể nào vô tận bên trong, đi đò vô trong mất tầm 30 phút. Ở đó thì hệ thống kênh rạch nhiều và dày đặc, hên là mùa này nước lên nên mình thuận tiện di chuyển bằng đò.”
Vào những ngày nước cạn, Thủy Ngân kể, để đi làm, đi chợ hoặc đi học, dân cư và học sinh ở Cầu Ngang phải lội sình qua bên kia bờ:
“Lội sình thì trước nhất là mấy em phải mang theo hai bộ đồ. Ngày đó mà thấy nước cạn thì mặc bộ đồ cũ, đội cặp lên đầu cho tập vở không ướt, lội ra đò mới thì bắt đầu thay áo sơ mi trắng với quần xanh đồng phục. Mấy em ngày ngày đều đi học như vậy đó.”
Những hôm nước lớn quá hoặc mưa lũ thì học sinh nghĩ ở nhà bởi lội rạch như vậy thật là nguy hiểm:
“Ở đó thì mọi người cần một cái cầu, dù hơn vài chục mét thôi, nhưng do lòng rạch quá sâu, bùn sình ở đó sẽ làm lún cầu, thì kinh phí đội lên tới năm sáu trăm triệu lận. Một cây cầu để cho mầm non đi học lấy con chữ nhưng mà khó khăn rất nhiều, thật sự số tiền lớn hơn là dự định của mọi người. Chính quyền thì chưa đầu tư vào đó nhiều vì nó không thông thương và cũng không có nhà máy để có thể làm một cái cầu cho dân sử dụng.”
Dự định tiếp theo của Thủy Ngân những ngày trước tết Bính Thân giờ chỉ giản dị trong tầm tay là cùng mọi người đi phát quà cho những kẻ lang thang cơ nhỡ ngoài đường phố vào ban đêm:
“Tại vì lúc em về tới Sài Gòn sau hai địa điểm đó thì đã 11, 12 giờ đêm rồi, em đi lòng vòng để đón xe về thì em thấy những người vô gia cư nằm đó mà trời Sài Gòn thì cũng se se lạnh rồi.”
Đó là những bạn trẻ đang thực hiện hết mình những phương ngôn “ Lá Lành Đùm Lá Rách” ,” Miếng Khi Đói Bằng Gói Khi No” , những tấm lòng thích chia sẻ với kẻ nghèo khó.
Thanh Trúc kính chào tạm biệt. Xin hẹn quí vị thứ Năm tuần tới.

No comments :

Post a Comment

Hiện tượng “Dưa leo”


Mà các bạn cũng biết ở Việt Nam muốn nắm quyền hành cao thì phải là đảng viên, mà đảng viên theo chỉ thị 15 thì công an không đụng vô được. Nó giống như Thượng phương bảo kiếm của Bao Công đó các bạn! Vậy thì sao? Các bạn kết luận cho bản thân nhé.

Ảnh nghệ thuật : "Đường cong hoa sen”

Giữa sen và cơ thể xuân thì của thiếu nữ Việt có một điểm chung dễ nhận thấy, đó là những đường cong mềm mại, gợi cảm… Có thể cảm nhận rõ nét điều này qua những tác phẩm do họa sĩ / nhiếp ảnh gia Dương Quốc Định thực hiện: