Saturday, March 7, 2015

Làng Mai - một 'di sản' sống động

n
Tháp chuông 'Đã về, đã tới' ở Xóm Thượng, một trong những danh thắng được nhiều người biết đến ở Làng Mai.

Chúng tôi đến Làng Mai, một trung tâm Thiền học Quốc tế Việt Nam ở miền Tây Nam nước Pháp, vào đúng dịp chuẩn bị đón Tết nguyên đán và nghênh chào xuân mới Ất Mùi.
Ấn tượng đầu tiên của tôi là ngay ở một nơi ở 'trời Tây', nằm cách Thủ đô Paris tới 600 km, qua những bờ tre, tháp chuông, mái chùa, tượng Bụt, chúng tôi đã thực sự lọt vào một ngôi làng ấm áp của văn hóa Việt Nam.
Nằm ở khá xa các khu vực đô thị, Làng Mai chọn cho mình một địa điểm khá sâu ở mạn Tây Nam nước Pháp, một vùng sơn thủy hữu tình, quanh năm khá yên tĩnh, bao bọc xung quanh là vùng nông thôn còn mang nhiều dấu ấn của nông nghiệp xứ miền Nam.
Có lẽ vì chức năng là một không gian tu học và thực tập về Thiền và nhất là Thiền Phật Giáo, tiêu chí tương đối biệt lập về địa điểm đã được những người chủ xướng Làng Mai chọn lựa.
"Ở nhiều nơi, do điều kiện hạn chế, nhiều nhà chùa ở hải ngoại buộc phải đặt trong phố, thành ra muốn thực hành các pháp môn tu tập như thiền hành, thiền đứng, thiền ngồi, thiền đi, nhất là với số lượng phật tử, thiền sinh đông đảo, thật khó làm, thành ra nhiều nơi chỉ có thể tạm đóng khung như một thứ câu lạc bộ, hay một nơi để cúng, lạy bụt mà thôi, cũng rất tiếc," một nhà sư ở Làng Mai nói với chúng tôi ngay hôm đầu tiên chúng tôi bước tới làng.

Địa phương hưởng lợi

Các vị tu sỹ Phật giáo dòng Thiền ở Làng Mai khoe với chúng tôi rằng nhờ có Làng Mai mà một vùng nông thôn hẻo lánh địa phương, đặc biệt là nhà ga tàu hỏa Sainte Foye La Grande có nhiều khách thăm hơn và bán được nhiều vé hơn quanh năm, kể từ khi xóm ấp đầu tiên của Làng được xây dựng từ năm 1982.
Các khu chợ, đặc biệt là chợ rau, nông sản địa phương cũng được nhờ, không chỉ bởi mỗi lần Làng Mai có các kỳ an cư kiết đông, kiết hạ, hay các khóa tu thiền mở ra đón tiếp hàng trăm, hàng ngàn tu sỹ, thiền sinh, phật tử, mà cơ số ổn định của trên hai trăm thành viên thường trực ở Làng Mai đã là một khách hàng thường xuyên và quan trọng ở trong vùng và địa phương.
Thế nhưng, còn có một cái lợi khác, cũng theo các qu‎ý vị tu sỹ ở Làng Mai chia sẻ với chúng tôi, đó là cái lợi mà làng Mai đóng góp cho khu vực, cho vùng có thêm sự phong phú, đa dạng về mặt văn hóa.
Ngay trong chuyến đi ngắn chỉ có bốn ngày này, chúng tôi đã gặp các khách thăm từ ngay Bordeaux trong vùng Aquitaine tới thực tập ở Làng Mai.
Cũng đã có những vị sau những kỳ thực tập, đã quyết định xin gia nhập Làng Mai lâu dài hơn và người thì trở thành thiền sinh, người thì trở thành tu sỹ của làng.
Làng Mai
Làng Mai có xưởng in và có mạng lưới phát hành, xuất bản, in ấn sách khá bài bản vận hành hàng chục năm qua, tạo một nguồn thu ổn định cho làng.
"Tôi mang đứa con trai 15 sắp 16 tuổi của mình tới đây trong kỳ nghỉ, để cháu có thể trải nghiệm thêm về cuộc sống, và cháu đã rất yêu thích Làng Mai và thiền tập ở đây, ấy là điều mà tôi khi bằng tuổi cháu, không bao giờ mơ có được. Làng Mai đã thay đổi cuộc sống của gia đình tôi tốt đẹp hơn, chúng tôi vợ chồng con cái yêu nhau hơn và thấu hiểu ý nghĩa cuộc sống hơn," một ông bố ở lứa tuổi năm mươi sống ở gần Bordeaux chia sẻ.

Còn chuyện tiền nong?

“Có thực mới vực được đạo”, ấy là câu nói của cổ nhân đề cập vai trò của kinh tài như một điều kiện quan trong để các tổ chức, cá nhân, cho dù là ai đi nữa, có thể thực hiện được những chức năng, nhiệm vụ, mục tiêu hoạt động và lý tưởng… mà họ vạch ra.
Tôi đã có một số dịp đặt câu hỏi về 'tài chính, quản trị' với một số quý vị được Làng Mai giao phó trong quản lý ở làng, giữa những chặng đường mà chúng tôi di chuyển và tới thăm các thôn xóm trong làng như xóm Thượng, Sơn Hạ, xóm Hạ, xóm Mới v.v…
Mặc dù chưa có hẳn và ngay lập tức một bức tranh tổng thể, thật chi tiết, chúng tôi được biết Làng Mai thừa hưởng những di sản và kinh nghiệm quản lý cộng đồng, tổ chức và quản trị kinh tài, gây qũy cũng như phát triển dự án rất bài bản từ thời các vị chủ xướng còn ở Việt Nam trong các giai đoạn chiến tranh ở Đông Dương.
Trước tiên, các thầy, cô ở Làng Mai nói các khoản thu chính đến từ các đóng góp kinh phí trực tiếp của khách thập phương, những người có nhu cầu đến thăm Làng Mai và ở lại thực tập Thiền học. Họ có thể tới như những cá nhân, hay những nhóm nhỏ bạn bè, gia đình, đồng nghiệp với các quan hệ xã hội, gia đình phong phú, đa dạng về nguồn gốc xuất thân, tín ngưỡng, tôn giáo và cả sắc tộc, quốc tịch.
"Trước khi tới, thông thường họ có thể đăng ký trên mạng, và có thể nộp các khoản phí để có thể có xuất thực tập ở Làng Mai", một sư thầy Làng Mai là người Mỹ nói với chúng tôi.
"Ngoài ra, bất cứ ai cũng có thể đóng góp thêm kinh tế cho Làng Mai qua "cúng dường", "quyên góp" quanh năm,” một sư cô nói thêm với chúng tôi ở Xóm Mới.

Niềm tự hào riêng

Làng Mai tự hào là riêng tại Pháp, làng được chính phủ miễn thuế trong nhiều trường hợp tiếp nhận một tài sản đóng góp, quyên cúng, như khi nhận cả một tòa nhà của ai đó cho làng chẳng hạn. Sau đó, Làng tiếp nhận và làm thủ tục sang tên đổi chủ và có thể sử dụng các khối tài sản ấy bổ sung vào quỹ tài chính của mình, phục vụ các dự án, các hoạt động hoằng pháp, lợi sinh, các Phật sự và phát triển...
Một số quý vị ở Làng hé mở cho chúng tôi biết rằng không thể liệt kê hết những người đã hâm mộ, yêu quý Làng, yêu quý Việt Nam, đã có hảo tâm quyên cúng nhiều tài sản, hay các khoản tài chính rất đáng quý cho nhà Chùa và cộng đồng tu tập của làng trong suốt hàng chục năm nay.
Sư cô Chân Không
Sư cô Chân Không, nhân vật thứ hai của Làng Mai, giới thiệu về các hoạt động gây quỹ và làm từ thiện của Làng.
Một sư thầy ở Làng Mai cũng nói với chúng là làng tồn tại vì nhờ vào nhiều nguồn lực đa dạng, trong đó có các nguồn thu từ phật tử, khách thập phương, thiền sinh tới 'ở lại và thực tập', hay phát hành và bán các ấn phẩm, sách vở, băng đĩa v.v... do chính Thiền sư Thích Nhất Hạnh, người khởi xướng, xây dựng và lãnh tụ tinh thần của Làng, làm tác giả.
"Các hiệu sách quanh làng và các cơ sở của Làng ở Pháp và hải ngoại cũng còn thường xuyên in ấn, phát hành các tác phẩm của các vị tu hành trong tăng thân Làng Mai, như sách vở, hồi ký của Sư cô Chân không, cho tới các tác phẩm của các sư thầy, sư cô là đồ đệ của Thiền sư," một sư cô ở Xóm mới nói thêm.
"Làng phát triển là nhờ đã biết chân quý các quan hệ con người, quan hệ cộng đồng từ trước tới nay, cũng như luôn có các dự án đa dạng giúp cho làng luôn phát triển và hướng về tương lai phụng sự phật pháp và cộng đồng xã hội."

'Đầu ra từ thiện'

Một đại diện lãnh đạo của Làng Mai tại Xóm Mới cho chúng tôi hay làng có nhiều hoạt động từ thiện, xã hội tiến hành quanh năm.
"Chẳng hạn như chúng tôi vẫn cung cấp, hỗ trợ tài chính cho một số trường học ở bên Việt Nam, các lớp học được gọi là “Hiểu và thương”, theo ‎ý một bài thơ của Thiền sư Nhất Hạnh và chúng tôi xin trả lương cho các thầy cô giáo ở những nơi giáo dục còn khó khăn ấy," vị Giáo thọ này nói với chúng tôi.
"Người ta đã dùng các đóng góp của Làng Mai để trả lương cho các thầy, cô giáo ở các ngôi trường để họ có thể yên tâm công tác, dạy học cho các học trò sơ cấp, tiểu học được tốt hơn, hiện trọng tâm là ở một số tỉnh tại miền Trung và chúng tôi cũng muốn tăng thêm sự hiện diện của các hoạt động dự án ở miền Nam," vị đại diện nói thêm.
Đầu ra xã hội còn thể hiện ở chỗ làng Mai có thể hỗ trợ nhiều mặt, trong đó có tài chính cho một số cơ sở tu học Phật giáo và thiền học ở bên trong Việt Nam.
Hàng năm, một số thành viên của đại chúng và các thiền sinh muốn đi sâu hơn trong lĩnh vực tu học có thể sử dụng các nguồn lực hỗ trợ này để ra nước ngoài học tập.
Một trong các trung tâm tiếp thu các thiền sinh, các nhà tu hành trẻ tuổi, các thành viên đại chúng được chọn lọc ít nhiều trước khi tới Làng Mai hoặc các cơ sở hải ngoại của Làng, có thể dừng chân tu học tại Thái Lan, chẳng hạn.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh
Di sản của Thiền sư Thích Nhất Hạnh nổi bật ở việc 'hiện đại hóa đạo Phật' và phật Giáo Việt Nam, theo một vị giáo thọ ở Làng.
Được biết, tới đây Làng cũng đang có dự án mở rộng thêm các kế hoạch hoằng pháp và xúc tiến pháp môn của mình ở ngay khu vực Đông Nam Á, kề cận Việt Nam, như mở thêm một trung tâm thiền học và thực tập pháp môn Làng Mai tại Indonesia, quốc gia có dân số theo đạo Islam lớn nhất thế giới.
Tại Làng Mai, nhiều "sư thầy, và sư cô", cách gọi của các quý vị tu hành ở đây, và nhiều Phật tử, thiền sinh người Việt Nam và quốc tế nói với chúng tôi 'từ thiện' và 'xã hội' là một hoạt động không thể thiếu của Làng và đó cũng là điều đã 'thu hút' nhiều người tới với Làng Mai và quyết định trở thành một thành viên của làng.
"Phụng sự xã hội và công việc từ thiện là truyền thống của Làng, do Sư ông, Sư cô Chân Không và nhiều quý vị đi trước xây dựng, ngày nay, tăng thân Làng Mai không ngừng lắng nghe các nhu cầu xã hội dù ở trong nước hay hải ngoại, dù ở địa phương hay toàn vùng," một sư thầy thuộc thế hệ đầu tiên của tăng thân ở Làng Mai nói.
"Để có thể chia sẻ tốt nhất với cộng đồng bằng những công việc thiết thực, như trước đây các vị tiền bối của chúng tôi đã làm trong chiến tranh Việt Nam, trong các chương trình 'thanh niên phụng sự xã hội' trước 1975 cứu giúp nạn nhân chiến tranh, trẻ cô nhi, vận động cho hòa bình, hay chương trình 'máu chảy ruột mềm' cứu giúp thuyền nhân Việt Nam trên Biển Đông, giúp đỡ văn nghệ sỹ, học giả gặp khó khăn và nhiều chương trình khác mà quốc tế đã ghi nhận," vị này nói với chúng tôi.
Hay như Sư Cô Chân Không, một nữ giáo thọ Làng Mai vốn có hơn năm thập niên 'tu học theo Thầy và phụng sự xã hội' cho biết về phát triển của Làng ở châu Âu, khi chúng tôi ghé thăm Thất Ngồi Yên của Thiền sư Nhất Hạnh tại Xóm Thượng:
Bà nói: "Viện Phật học Âu châu, chúng tôi có một Tòa nhà rất lớn ở bên Đức, bởi vì thấy ở Làng Mai bên này xa xôi quá, mà có nhiều người trí thức rất muốn tới nghe thầy giảng, mà ở bên Đức sang xa quá, thì ở bên đó mình cũng có gần 60 người tu sỹ, nhờ từ (vụ) Bát Nhã bị đuổi đó, mình cũng có đủ người qua bên Đức, rồi vào Pháp, thì ở đây (có) tới hai trăm mấy chục người xuất gia."

'Di sản và tiếp hiện'

Đến với Làng Mai, chúng tôi dường như ngay lập tức đã nhận được câu trả lời cho một số thắc mắc ban đầu của mình, chẳng hạn 'di sản' của Thiền sư Thích Nhất Hạnh sẽ được tiếp nối ra sao khi ông đã cao niên và đang điều trị trọng bệnh trong suốt gần ba tháng trời bị tai biến mạch máu não.
Làng Mai
Làng Mai thu hút hàng ngàn thiền sinh, phật tử, và du khách quốc tế tới tham quan, tu tập hàng năm.
Những hoạt động tu học, thực tập thiền học, hay các hoạt động văn hóa, hoằng pháp, lợi sinh, các sinh hoạt đa dạng của Làng và cộng đồng phật giáo Làng Mai tại Pháp nói riêng và hải ngoại nói chung dường như vẫn diễn ra 'như bình thường' không chỉ trong thời gian vị Thiền sư vắng mặt, mà có thể đã từ nhiều năm trước đó.
Chúng tôi đã chứng kiến các hoạt động bình thơ, tu tập thiền học, các hoạt động đón Tết, mừng Xuân hệt như những gì mà Làng Mai trong nhiều năm trước vẫn tiến hành, như nhiều vị Phật tử, thiền sinh và khách thăm thập phương xác nhận. Một đồ đệ thuộc các thế hệ đầu của Làng Mai, thầy Pháp Đăng, giáo thọ, nguyên trụ trì Tu viện Rừng Phong ở Mỹ, một nhánh của Đạo tràng Mai thôn ở hải ngoại, nói:
"Sư Ông cống hiến cho cuộc đời với cho đạo pháp, cũng như con người là một Tăng thân, tăng thân của người xuất gia và người tại gia, hiện giờ những người tu theo pháp môn Làng Mai, sự trao truyền của pháp môn Làng Mai là nhiều lắm, người xuất sĩ không - hiện giờ cũng có khoảng chừng trên 700 người.
"Thứ hai là Sư Ông làm mới đạo Phật, đạo Phật ở Việt Nam hiện giờ là đạo Phật truyền thống, mà tu tập theo niềm tin hơn, còn đạo Phật làng Mai là đạo Phật ứng dụng, mình thực tập bằng mỗi hơn thở của mình, mình thực tập bằng mỗi bước chân của mình, mà đạo Phật xưa không trình bày được như vậy."
Bốn ngày ở Làng Mai qua thật nhanh, trên đường rời làng, những gì chứng kiến ở đây gợi cho chúng tôi một vài cảm tưởng rằng phải chăng đạo Phật Việt Nam ở Làng Mai tại Pháp đã, đang và luôn được "tiếp tục" và "biểu hiện", thể hiện như một dòng trao truyền, lưu dẫn từ lâu nay, mặc dù Thiền sư Nhất Hạnh và các vị Tăng thân thế hệ đầu của Làng nay đã cao niên.
Và phải chăng những nỗ lực "hiện đại hóa Phật giáo", bắc nhịp cầu "xiển dương, hòa nhập văn hóa Việt Nam, phật Giáo Việt Nam" ra quốc tế, khu vực của Làng Mai, khởi đầu bằng Thiền sư Nhất Hạnh là một 'di sản sống' đầy sống động, sáng tạo.
Phải chăng di sản ấy đã đang 'tiếp hiện' và tích hợp sống động qua nhiều truyền thống văn hóa và Phật giáo Việt Nam từ trong cổ xưa, đi qua chiến tranh và cả thời kỳ hậu chiến gần đây, như một dòng chảy sinh động, liên tục, hiện sinh, đã và đang ngày càng thu được những thành công vững bền đầy hứa hẹn cho hôm nay và mai sau.

No comments :

Post a Comment

Hiện tượng “Dưa leo”


Mà các bạn cũng biết ở Việt Nam muốn nắm quyền hành cao thì phải là đảng viên, mà đảng viên theo chỉ thị 15 thì công an không đụng vô được. Nó giống như Thượng phương bảo kiếm của Bao Công đó các bạn! Vậy thì sao? Các bạn kết luận cho bản thân nhé.

Ảnh nghệ thuật : "Đường cong hoa sen”

Giữa sen và cơ thể xuân thì của thiếu nữ Việt có một điểm chung dễ nhận thấy, đó là những đường cong mềm mại, gợi cảm… Có thể cảm nhận rõ nét điều này qua những tác phẩm do họa sĩ / nhiếp ảnh gia Dương Quốc Định thực hiện: