Sunday, February 8, 2015

Chuyện con Rồng xưa và nay

Thanh Phương, rfi
Rồng là con vật do con người tưởng tượng ra. Đó là một con vật không chỉ bò trên mặt đất mà còn có thể bay trên trời. Nếu rồng là con vật sinh ra từ trí tưởng tượng của con người, thì câu hỏi đặt ra là : rồng đã « xuất hiện » từ lúc nào và từ đâu ? Hầu như không thể nào trả lời cho câu hỏi này được, mà người ta chỉ có thể đoán rằng, rồng đã « ra đời » cùng thời với những quái vật tưởng tượng khác, như con nhân sư, người cá,  ...

Hình tượng con rồng không chỉ có ở Trung Quốc hay Việt Nam, mà còn ở nhiều quốc gia khác nữa. Ở Trung Quốc, rồng là biểu tượng của sức mạnh, quyền lực, thể hiện uy quyền của nhà vua. Thời Hy Lạp cổ đại, rồng là người canh giữ các kho tàng. Trong những chuyện thời châu Âu Trung Cổ, rồng là tên hung ác, chuyên bắt cóc các nàng công chúa xinh đẹp. Nói chung, rồng phương Tây thường thuộc về « phe địch », trong khi ở phương Đông, rồng thường đóng vai « chính diện » hơn.

Trong các chuyện cổ tích châu Âu, rồng thường có ba, bốn đầu, biết phun ra lửa, chặt đầu nào, thì đầu đó tự mọc ra. Những con rồng này thường sống tại các nơi hẻo lánh, rừng thiêng nước độc, gan cùng mình mới dám đặt chân đến.

Hình tượng con rồng ở Việt Nam theo dòng lịch sử


Còn trong văn hóa châu Á, rồng cũng nguy hiểm, nhưng không hẳn là một « lực lượng thù địch », mà thường tượng trưng cho sức mạnh của thiên nhiên. Riêng đối với Việt Nam, hình tượng con rồng đã được thể hiện như thế nào qua các thời kỳ, đối với các vua chúa, cũng như trong dân gian, nhà nghiên cứu Nguyễn Dư ở Lyon tóm lược cho chúng ta :


« Con rồng đối với người Việt Nam rất đặc biệt vì chúng ta là « con Rồng cháu Tiên », nhưng rồng chỉ là con vật tưởng tượng và tiên cũng chỉ là nhân vật tưởng tượng, sống trên trời, trên núi. Có lẽ con rồng đặc biệt quá nên trong 12 con Giáp, 11 con là có thật, sống trên mặt đất, chỉ có rồng là con vật tưởng tượng, mà lại sống trên trời. Từ xưa đến nay, rồng luôn là biểu hiện của nhà vua, cái gì đụng đến vua đều có rồng bên cạnh cả. Ví dụ như thấy vua thì mình gọi là « long nhan », « long thể » là thân hình của vua, áo vua mặc được gọi là « long bào », chỗ vua ở mình gọi là « bệ rồng », thuyền vua đi cũng được gọi là « thuyền rồng ». Các đền đài ngày xưa cũng được trang trí bằng rồng rất nhiều.

Dưới vua là hàng các quan lớn, tức là xuất thân từ giới sĩ tử. Khi sĩ tử đi học thì ai cũng mong thi đỗ để ra làm quan. Người nào thi đỗ thì ta gọi là « cá hóa rồng », xuất phát từ tích « Cá vượt vũ môn ». Đây là những con cá anh vũ, khi mà vượt qua được vũ môn, thì hóa thành con rồng. Các ông quan của mình ngày xưa thì ông nào cũng phải thơ văn cho thật hay, chữ viết cho thật đẹp. Dân gian mình qua bài « Ông Đồ » rất nổi tiếng của Vũ Đình Liên thì khen các ông là chữ viết như « rồng bay phượng múa ».

Dân gian của mình thì cũng chịu tác động của xã hội theo, cũng có nhiều người mơ lấy được những sĩ tử học hành thành đạt, làm quan lớn. Nên có một câu nghe không được « tiến bộ » cho lắm : « Một ngày dựa mạn thuyền rồng, còn hơn muôn kiếp ở trong thuyền chài », tức là lấy được quan thì sướng hơn dân thường nhiều.

Tuy vậy, trong dân gian cũng có cái nhìn tiến bộ hơn, thấy được những bất công của xã hội, nên có câu : « Trứng rồng lại nở ra rồng, liu điu lại nở ra dòng liu điu », tương đương với câu : « Con vua thì lại làm vua, con sãi ở chùa lại quét lá đa », nghĩa là ông nào dòng dõi vua quan, thì con cái tiếp tục ăn trên ngồi chốc, còn dân đen thì muôn đời ở dưới.

Còn đời sống hằng ngày của dân gian Việt Nam thì có nhiều hình ảnh con rồng. Nước ta có một trái cây rất ngon là long nhãn, có nghĩa là mắt rồng, vì hột quả nhãn rất đen. Nhưng long nhãn là tiếng Hán Vìệt, khi gọi qua tiếng Việt thì dân gian gọi là trái nhãn lồng. Chữ « lồng » là do chữ « long ».

Thế rồi mình có cây xương rồng có nhiều gai, thường được trồng làm hàng rào, có hoa gọi là hoa móng rồng. Con rồng mình đã không thấy được, mà còn tưởng tượng ra cây xương rồng và hoa móng rồng ! Trong các loại rau mình có loại rau gọi là « long tu », người ta tưởng tượng những sợi rau giống như là râu con rồng.

Khi bạn bè đến thăm nhau, người ta thường chào bằng câu : « Hôm nay rồng đến nhà tôm », mình tự hạ thành hàng « tôm tép », còn người đến thăm mình thuộc hàng cao quý như là rồng.

Đối với trẻ con, con rồng chỉ là một đồ chơi. Trẻ con lâu lâu rủ nhau gõ chiên, gõ trống rồi đi múa rồng. Đặc biệt có một trò chơi gọi là « rồng rắn lên mây ». Trẻ con rất thực tế, xem ra chúng nhìn vấn đề đúng hơn là người lớn, tức là rồng cũng chỉ là cùng họ với con rắn, cũng đi và uốn éo như vậy, cho nên mới đặt ra trò chơi « rồng rắn lên mây, có cây lúc lắc, có nhà điểm danh, hỏi thăm thấy thuốc còn nhà hay không . . . Tóm lại, hình ảnh con rồng đã ăn sâu vào đời sống của người Việt.

No comments :

Post a Comment

Hiện tượng “Dưa leo”


Mà các bạn cũng biết ở Việt Nam muốn nắm quyền hành cao thì phải là đảng viên, mà đảng viên theo chỉ thị 15 thì công an không đụng vô được. Nó giống như Thượng phương bảo kiếm của Bao Công đó các bạn! Vậy thì sao? Các bạn kết luận cho bản thân nhé.

Ảnh nghệ thuật : "Đường cong hoa sen”

Giữa sen và cơ thể xuân thì của thiếu nữ Việt có một điểm chung dễ nhận thấy, đó là những đường cong mềm mại, gợi cảm… Có thể cảm nhận rõ nét điều này qua những tác phẩm do họa sĩ / nhiếp ảnh gia Dương Quốc Định thực hiện: