Friday, February 13, 2015

Bệnh sởi tại Mỹ gây tranh luận về chủng ngừa

Vấn đề chủng ngừa cho con trẻ bỗng nhiên được chú ý khi một số các (chuẩn) ứng cử viên tổng thống 2016 nói lên quan điểm của họ về chuyện này.

Chủng ngừa. Hình minh họa (Hình: AP)
Chuyện khởi đầu từ vụ một em nhỏ chưa chủng ngừa bị phát bệnh sởi ở Disneyland, California, khi Tổng Thống Obama trong một cuộc phỏng vấn của truyền hình NBC nói rằng các phụ huynh nên cho con em mình được chủng ngừa, rồi hai nhân vật đảng Cộng Hòa nêu lên ý kiến tương phản.

Tại Iowa, tiểu bang sẽ có cuộc bầu cử sơ bộ đầu tiên trong mùa tranh cử 2016, Thượng Nghị Sĩ Rand Paul tiểu bang Kentucky, nói rằng ông đã nghe nhiều người nói rằng “có những trường hợp trẻ em được chủng ngừa sau đó bị rối loạn tâm thần trầm trọng.” Nếu không phải là một người có triển vọng ứng cử tổng thống thì phát biểu của ông, một bác sĩ y khoa, chỉ là một ý kiến riêng không có ảnh hưởng chính trị gì khác.

Nhưng ở hoàn cảnh đặc thù này, những người Cộng Hòa ở Washington đều công khai bất đồng quan điểm. không ai muốn đứng về phía ông. Thượng Nghị Sĩ John Barrasso tiểu bang Wyoming tuyên bố: “Là một bác sĩ, tôi tin rằng các trẻ em nên được chủng ngừa.” Ngay cả Thượng Nghị Sĩ lãnh tụ khối đa số Mitch McConnell đã từng nói là ủng hộ ý định ứng cử tổng thống của Paul, cũng bày tỏ sự không đồng ý: “Chính tôi đã là một nạn nhân của bệnh sốt tê liệt (polio), tôi hết sức tán thành việc chủng ngừa.”

Trước phản ứng không thuận lợi của dư luận, Rand Paul minh xác: “Các người y sĩ nhìn vấn đề theo một cách khác, không có tính đảng phái ở đây. Chủng ngừa là một vấn đề và vấn đề cần phải được xác định.”

Nhân vật thứ nhì đề cập đến chuyện này là Thống Ðốc Chris Christie, tiểu bang New Jersey, cũng được coi là người có triển vọng ứng cử tổng thống năm 2016. Phát biểu với các phóng viên trong chuyến xuất ngoại qua thăm Anh Quốc tuần trước, Thống Ðốc Chistie nói rằng các đứa con của vợ chồng ông đều được chủng ngừa và “chúng tôi tin rằng đó là điều quan trọng để bảo đảm sức khỏe cho chúng và cho y tế công cộng.” Tuy nhiên ông nói thêm: “Các phụ huynh cũng nên được có sự lựa chọn, như thế sẽ là cân bằng với quyết định của chính quyền.”

Ý kiến của Thống Ðốc Chris Christie như vậy giải thích được quan điểm của Thượng Nghị Sĩ Rand Paul rằng, “Các đứa con quý vị không phải của nhà nước. Hầu hết điều gì làm cho chúng nên là tự nguyện.”

Sởi, hay ban đỏ theo tên quen gọi trong dân gian xưa kia, là một bệnh có tầm quan trọng đặc biệt trong nhi khoa. Máy chục năm trước, bệnh xảy ra rất thường xuyên ở trẻ nhỏ với tỷ lệ lây nhiễm cũng như tử vong rất cao nhưng hiện nay không còn phổ biến nhờ vào chương trình chủng ngừa mở rộng.

Trước khi có thuốc chủng ngừa (vaccine), lứa tuổi mắc bệnh thường gặp nhất là từ 5 đến 10 tuổi. Thuốc chủng ngừa phát minh đầu thập niên 1960 dùng virus đã được làm yếu đi để tập cho cơ thể có thể kháng cự và do đó tạo nên khả năng miễn dịch. Những người sinh ra đời trước khi có vaccine, nếu sống qua lứa tuổi vừa nói, coi như có miễn dịch tự nhiên và không còn lo bị bệnh.

Sởi rất dễ lây lan, nếu một người trong gia đình lâm bệnh, 90% những người chưa có miễn dịch - tự nhiên hay chủng ngừa - sẽ bị nhiễm bệnh. Thuốc chủng ngừa sởi rất công hiệu và an toàn với cả người bị HIV/AIDS, nghĩa là không có khả năng miễn dịch. Sau khi chủng ngừa 90% trẻ nhỏ từ 8 đến 9 tháng tuổi và 99% trẻ nhỏ từ 11 đến 12 tháng tuổi được coi là miễn dịch, suốt đời không còn lo ngại mắc bệnh sởi nữa. Do đó hầu hết các quốc gia trên thế giới ngày nay đều có chương trình chủng ngừa cho trẻ nhỏ để sau 12 tháng tuổi chắc chắn đã được miễn dịch.

Theo dữ kiện của Cơ Quan Y Tế Thế Giới (WHO) trong 3 tháng đầu năm 2014 có 56,000 trường hợp mắc bệnh sởi tại 75 quốc gia, nhiều nhất là Philippines 17,600 trong đó 69 trường hợp tử vong; Việt Nam 8,500 mắc bệnh, 114 tử vong, Trung Quốc 26,000 mắc bệnh.

Tại Hoa Kỳ từ năm 2000 sởi được coi như không còn là chứng bệnh nguy hiểm nữa và tất cả 50 tiểu bang tiểu bang đều có quy định chủng ngừa cho học sinh nhỏ tuổi. Tuy nhiên California và 18 tiểu bang khác cho phép dân chúng từ chối chủng ngừa, với những lý do có thể là tôn giáo, tình trạng y khoa hay cũng có thể vì “tin tưởng của cá nhân.” Tới 2012, Quốc Hội tiểu bang thông qua đạo luật đòi hỏi các phụ huynh phải tham khảo với một chuyên gia y tế trước khi có thể từ chối chủng ngừa.

Nhưng theo Trung Tâm Kiểm Soát và Phòng Chống Dịch Bệnh (CDC), hiện nay có hơn 100 trường hợp bệnh sởi tại 14 tiểu bang. Giám Ðốc CDC Tom Frieden nói chuyện trên chương trình “Face The Nation” của truyền hình CBS bày tỏ sự lo ngại sẽ còn thêm nhiều trường hợp nữa vì theo ông càng ngày càng có nhiều người từ chối chủng ngừa cho con trẻ.

Sự hoài nghi và lo ngại chính quyền cưỡng bách chủng ngừa đã có từ đầu thế kỷ 20, do quan niệm việc này là sự “đe dọa quyền tự do cá nhân,” và đến nay vẫn còn tồn tại ở một số người. Huyền thoại cho rằng chủng ngừa sẽ làm trẻ gia tăng rủi ro mắc chứng tự kỷ đã bị khoa học bác bỏ.

Tối Cao Pháp Viện năm 1944 đã quy định phụ huynh không được phép từ chối chủng ngừa cho con em với lý do tôn giáo hay triết thuyết riêng. Nhưng một số sự khước từ hiện nay lại do từ những thành phần có thành kiến chống đối chính quyền, không hẳn vì tính cách đảng phái chính trị. Trên truyền hình Fox News, Sean Hannity tuyên bố “không tin Tổng Thống Obama nói tôi nên chủng ngừa cho con cái.”

Cuối cùng thì những tranh luận như thế đã xảy ra trong tuần trước nhưng sẽ không kéo dài lâu. Không ai có thể phủ nhận sự cần thiết, bởi vì chủng ngừa không phải như thắt dây an toàn trên xe hơi hay đội mũ bảo vệ khi lái xe hai bánh nhằm bảo vệ cá nhân, mà còn che chở rủi ro lây nhiễm bệnh cho người khác trong xã hội.
Hà Tường Cát/Người Việt (tổng hợp)

No comments :

Post a Comment

Hiện tượng “Dưa leo”


Mà các bạn cũng biết ở Việt Nam muốn nắm quyền hành cao thì phải là đảng viên, mà đảng viên theo chỉ thị 15 thì công an không đụng vô được. Nó giống như Thượng phương bảo kiếm của Bao Công đó các bạn! Vậy thì sao? Các bạn kết luận cho bản thân nhé.

Ảnh nghệ thuật : "Đường cong hoa sen”

Giữa sen và cơ thể xuân thì của thiếu nữ Việt có một điểm chung dễ nhận thấy, đó là những đường cong mềm mại, gợi cảm… Có thể cảm nhận rõ nét điều này qua những tác phẩm do họa sĩ / nhiếp ảnh gia Dương Quốc Định thực hiện: