Wednesday, December 3, 2014

Thế giới sắp có vaccine phòng chống sốt xuất huyết

Sanofi Pasteur - Vaccine (Ảnh minh họa)
Sanofi Pasteur - Vaccine (Ảnh minh họa)
Việt Hà, phóng viên RFA
Hãng dược phẩm Sanofi Pasteur của Pháp mới đây cho biết hãng này đã thành công trong việc thử nghiệm một loại vaccine phòng chống bệnh sốt xuất huyết, căn bệnh đang ảnh hưởng đến khoảng 390 triệu người trên thế giới mỗi năm. Vaccine mới có hiệu quả thế nào và bao giờ loại vaccine này có thể được phổ biến rộng rãi?
Vaccine thử nghiệm mang lại hy vọng
Hồi đầu tháng 7 vừa qua, hãng dược phẩm Sanofi Pasteur của Pháp cho biết thử nghiệm gần đây nhất một loại vaccine phòng chống sốt xuất huyết do hãng chế tạo cho thấy mức độ bảo vệ lên đến 56%, cao hơn bất cứ tỷ lệ thử nghiệm vaccine sốt xuất huyết nào trước đó.
Các kết quả thử nghiệm vaccine trước đó vào năm 2012 cho thấy tỷ lệ phòng chống chỉ đạt 33% mà thôi.
Nói về kết quả thử nghiệm gần đây của loại vaccine mới, bác sĩ Rose Capeding, người tham gia vào quá trình thử nghiệm tại Philippines cho biết:
BS. Rose Capeding: sốt xuất huyết là một vấn đề chính về sức khỏe cộng đồng tại hầu hết các nước châu Á. Dựa trên số liệu thống kê sức khỏe của thế giới thì có đến 70% người dân châu Á có nguy cơ bị nhiễm virut này. Vì thế đây là một vấn đề sức khỏe quan trọng và vì thế chúng tôi có những thử nghiệm về loại vaccine mới ở 5 nước. Các nước tham gia bao gồm Philippines, Thái Lan, Malaysia, Indonesia và Việt Nam với sự tham gia của 10,275 trẻ từ 2 đến 14 tuổi. Kết quả nghiên cứu cho thấy hiệu quả bảo vệ của vaccine đạt 56.5%, tức là hơn một nửa số trẻ tham gia được bảo vệ không bị sốt xuất huyết.
Kết quả nghiên cứu cho thấy hiệu quả bảo vệ của vaccine đạt 56.5%, tức là hơn một nửa số trẻ tham gia được bảo vệ không bị sốt xuất huyết
BS. Rose Capeding
Việc thử nghiệm vaccine mới được bắt đầu từ tháng 6 năm 2011 và Philippines là nước có em nhỏ đầu tiên tham gia vào chương trình. Ccó khoảng 3,000 trẻ tại Philippines đã tham gia chương trình thử nghiệm vaccine mới. Bác sĩ Capeding cho biết kết quả thử nghiệm mới được công bố là thử nghiệm giai đoạn 3 của vaccine. Sau khi được thử nghiệm ở các nước châu Á, vaccine còn được thử nghiệm ở 5 nước châu Mỹ latinh là Mexico, Honduras, Puerto Rico, Columbia và Brazil với khoảng hơn 20,000 trẻ tham gia.
Mức độ hiệu quả của loại vaccine mới ở mức khoảng 56% được cho là thấp hơn rất nhiều so với mức này ở các loại vaccine thông thường khác. Với vaccine dành cho bệnh sởi và bại liệt, mức độ bảo vệ là hơn 99%. Theo bác sĩ Rose Capeding, mức độ bảo vệ của loại vaccine mới là đáng kể nếu tính đến sự khó khăn trong việc tìm ra loại vaccine phòng chống sốt xuất huyết và mức độ phổ biến của căn bệnh trên thế giới.
Bệnh sốt xuất huyết bị lây chuyên nhiều do muỗi
BS. Rose Capeding: ở Philippines, sốt xuất huyết là một vấn đề sức khỏe cộng đồng chính…. Cho nên ngay cả khi chỉ có 50% trẻ được bảo vệ, theo tôi đó cũng là một nỗ lực lớn trong điều kiện hiện nay chúng ta không có một điều trị cụ thể nào danh cho bệnh này và cũng chưa có một loại vaccine nào thành công, trong khi không có một ngăn chặn nào đáng kể bằng việc tiêm vaccine. Điều quan trọng hơn là kết quả nghiên cứu cho thấy vaccine cũng giúp giảm mức độ nghiêm trọng của bệnh ở những trẻ bị mắc sốt xuất huyết…. có loại sốt xuất huyết nặng, gây sốt chảy máu và khiến trẻ bị sốc do chảy máu quá nhiều. Vaccine giúp giảm tỷ lệ bị sốt xuất huyết dạng nặng đến 88%, và quan trọng hơn nữa là giảm được rủi ro phải nhập viện đến 2/3.
Kết quả nghiên cứu cho thấy vaccine cũng giúp giảm mức độ nghiêm trọng của bệnh ở những trẻ bị mắc sốt xuất huyết…có loại sốt xuất huyết nặng, gây sốt chảy máu và khiến trẻ bị sốc...Vaccine giúp giảm tỷ lệ bị sốt xuất huyết dạng nặng đến 88%, và quan trọng hơn nữa là giảm được rủi ro phải nhập viện đến 2/3
BS. Rose Capeding
Theo bác sĩ Capeding, quá trình thử nghiệm vaccine mới có tên CYD-TDV của hãng Sanofi được thực hiện trong một thời gian dài do mức độ khó khăn của bệnh sốt xuất huyết. Những trẻ tham gia nghiên cứu được theo dõi trong suốt 25 tháng sau khi bắt đầu đăng ký tham gia chương trình. Trong quá trình thử nghiệm vaccine mới, trẻ em tham gia nghiên cứu được theo dõi để tìm hiểu về mức độ an toàn của thuốc bên cạnh hiệu quả bảo vệ của thuốc. Nói về độ an toàn của thuốc, bác sĩ Capeding cho biết:
BS. Rose Capeding: nhìn chung, đây là một vaccine an toàn. Thường thì chúng tôi theo dõi sốt, mẩn đỏ và sưng do tiêm phòng ở chỗ được tiêm. Nhìn chung, phản ứng cũng giống như các loại vaccine khác.
Những báo cáo đầu tiên về bệnh sốt xuất huyết trên thế giới được ghi nhận từ thế kỷ thứ 18 ở châu Á, châu Phi và Bắc Mỹ. Những năm 1950 của thế kỷ trước, căn bệnh bùng phát dữ dội tại một loạt các nước Đông Nam Á. Cho đến những năm 1970, căn bệnh đã trở thành nguyên nhân tử vong chính ở trẻ tại khu vực Thái Bình Dương và châu Mỹ. Vào tháng giêng năm ngoái, Tổ chức Y tế thế giới lên tiếng cảnh báo sốt xuất huyết là bệnh nhiệt đới lây lan nhanh nhất trên thế giới và là một đe dọa dịch bệnh toàn cầu. WHO cho biết chỉ trong vòng 50 năm qua, số người mắc bệnh sốt xuất huyết đã tăng gấp 30 lần và hơn nửa dân số thế giới có nguy cơ bị nhiễm bệnh. Theo ước tính của WHO, có khoảng 100 triệu người trên thế giới đang bị ảnh hưởng bởi sốt xuất huyết. Số ca tử vong do sốt xuất huyết mỗi năm trên thế giới là vào khoảng 20 ngàn người.
Khu vực ẩm thấp sốt xuất huyết rất dễ lây lan...
4 loại virut này không có đề kháng chéo, tức là nếu bạn đã bị sốt xuất huyết bởi virut 1 thì không có nghĩa bạn sẽ miễn dịch với các virut còn lại. Nếu 2 năm sau đó bạn bị virut thì bạn có thể bị nặng hơn...
BS. Raman Velayudhan
Khó tìm được vaccine chống sốt xuất huyết hiệu quả cao
Để đạt được mức độ thành công hiện nay của loại vaccine mới, các nhà khoa học đã phải mất nhiều năm nghiên cứu. Theo bác sĩ Capeding, vaccine mới đã được nghiên cứu trong suốt 20 năm qua.
BS. Rose Capeding: phải mất khoảng 20 năm để phát triển được loại vaccine này. Nói về vaccine nói chung, khi chúng ta nhìn vào lịch sử phát triển của bệnh sốt xuất huyết, kể từ những năm 1940 chúng ta đã bắt đầu tìm kiếm với loại vaccine đơn trị liệu tức là chỉ có hiệu lực với một dòng virut và chúng ta đã phải mất đến 70 năm để phát triển được loại vaccine tứ giá như hiện nay. Điều này cho thấy mức độ khó khăn thế nào trong việc phát triển một loại vaccine cho sốt xuất huyết.
Sốt xuất huyết là bệnh gây ra bởi virut và được truyền qua người nhờ muỗi. Các triệu chứng của bệnh bao gồm sốt cao, đau đầu, nhức mỏi cơ, xương, buồn nôn. Sau khoảng 3 đến 4 ngày sẽ xuất hiện mẩn ngứa trên da hoặc chảy máu nhẹ ở mũi lợi. Người bị bệnh cũng dễ bị bầm tím trên da.
Sốt xuất huyết gây ra bởi 4 loại virut có tên là virut sốt xuất huyết 1, 2, 3, và 4. Cả 4 loại virut này đều đã xuất hiện tại những nước Đông Nam Á bao gồm Việt Nam. Một người đã từng bị nhiễm virut 1 thì sẽ miễn nhiễm với loại này sau đó nhưng không có nghĩa là đã miễn nhiễm với các virut còn lại. Nếu người đó bị nhiễm các virut sốt xuất huyết khác sau đó thì nguy cơ bệnh nặng sẽ cao hơn. Bác sĩ Raman Velayudhan, chuyên gia về kiểm soát dịch bệnh nhiệt đới của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) giải thích:
BS. Raman Velayudhan: 4 loại virut này không có đề kháng chéo, tức là nếu bạn đã bị sốt xuất huyết bởi virut 1 thì không có nghĩa bạn sẽ miễn dịch với các virut còn lại. Nếu 2 năm sau đó bạn bị virut thì bạn có thể bị nặng hơn, bởi vì đôi khi nhiễm virut có thể dẫn đến những biến chứng phức tạp.
Cũng chính bởi sự phức tạp này, việc tìm ra một loại vaccine có khả năng giúp cơ thể đề kháng được cả 4 loại virut là một thách thức lớn đối với các nhà khoa học. Sau khi kết quả thử nghiệm của loại vaccine mới được công bố, một số nhà khoa học lo ngại những kháng thể từ vaccine có thể sẽ gây ra những ảnh hưởng tương tự ở trẻ như trong trường hợp người đã từng bị nhiễm một loại virut sốt xuất huyết trước đó. Vì vậy việc theo dõi trẻ được tiêm phòng thử nghiệm cần phải được tiến hành trong nhiều năm sau đó để đảm bảo hiệu quả đích thực của vaccine.
Kết quả thử nghiệm loại vaccine mới cho thấy loại vaccine này có khả năng bảo vệ khỏi virut loại 3 và 4 đến 75%, khả năng bảo vệ với loại virut 1 là 50% và với loại virut 2 là 35%.
Hãng tin AP hôm 11 tháng 7 trích lời của giáo sư Martin Hibberd, thuộc trường đại học về vệ sinh và các bệnh nhiệt đới nói rằng dường như mũi tiêm có hiệu quả qua việc nó thúc đẩy những kháng thể đã có sẵn trong những người đã từng bị nhiễm sốt xuất huyết trước đó vì trẻ em không được bảo vệ nhiều do mũi tiêm. Và điều này là một lo ngại thực sự cho những người chưa từng bị nhiễm sốt xuất huyết bao giờ.
Hãng Sanofi Pasteur cho biết hãng này hiện đang lên kế hoạch để xin phép cho thuốc được lưu hành vào năm tới. Tại Philippines, bác sĩ Capeding cho biết nhiều khả năng loại vaccine này sẽ được cho phép sử dụng tại đây vào năm 2015. Tuy nhiên khi được hỏi về giá tiền của loại vaccine mới, hãng dược Sanofi Pasteur cho biết còn quá sớm để thảo luận về vấn đề này.
For magazine onlytạp chí sức khỏe đời sống tuần này xin tạm dừng tại đây. Việt Hà cảm ơn quý vị đã quan tâm theo dõi. Xin quý vị chia sẻ các thông tin và những đóng góp về các vấn đề y tế, sức khỏe đến trang tạp chí sức khỏe đời sống tại email vietha@rfa.org hoặc www.facebook.com/vietharfa
Việt Hà xin chào tạm biệt quý thính giả và xin hẹn gặp lại vào thứ ba tuần tới.

No comments :

Post a Comment

Hiện tượng “Dưa leo”


Mà các bạn cũng biết ở Việt Nam muốn nắm quyền hành cao thì phải là đảng viên, mà đảng viên theo chỉ thị 15 thì công an không đụng vô được. Nó giống như Thượng phương bảo kiếm của Bao Công đó các bạn! Vậy thì sao? Các bạn kết luận cho bản thân nhé.

Ảnh nghệ thuật : "Đường cong hoa sen”

Giữa sen và cơ thể xuân thì của thiếu nữ Việt có một điểm chung dễ nhận thấy, đó là những đường cong mềm mại, gợi cảm… Có thể cảm nhận rõ nét điều này qua những tác phẩm do họa sĩ / nhiếp ảnh gia Dương Quốc Định thực hiện: