Wednesday, December 3, 2014

Hỏi đáp Y học: Bệnh virus Ebola

Tình nguyện viên của tổ chức Bác sĩ Không biên giới tham gia lớp huấn luyện cách mặc thiết bị bảo hộ Ebola đúng cách.
Bác sĩ Hồ Văn Hiền

Nguồn gốc bệnh
Virus Ebola là một virus đang gây chết chóc ở Tây Châu Phi. Tên đặt theo tên thung lũng con sông Ebola ở Zaire (nay là Cộng hoà Dân chủ Congo), nơi "outbreak" (nhóm ca bệnh/bộc phát bệnh) đầu tiên được ghi nhận (1976). Cho đến nay, con số chính thức cho biết có chừng 8.400 người đã bị Ebola, trong đó hơn 4.000 người đã chết. Trong hơn 400 nhân viên y tế bị mắc bệnh, trên 200 người đã chết. Những xứ sau đây ở Tây Phi châu là chính: Guinea, Liberia, Sierra Leone, Nigeria, Senegal.
25 năm sau, biến cố Ebola xảy ra khi một số con khỉ dùng trong thí nghiệm khoa học đem từ ngoại quốc vào ở Reston, Mỹ, bệnh virus Ebola (Ebola Virus Disease [EVD] hay sốt xuất huyết Ebola (SXH Ebola, Ebola Hemorrhagic Fever [EHF]) đã trở thành một mối đe doạ sức khoẻ không những cho Châu Phi, mà cho cả toàn thế giới. Mặc dù Tổng thống Mỹ đã ra lệnh cho 3.000 quân đội Mỹ tham gia trực tiếp nỗ lực quốc tế chống virus này lan tràn, nhưng theo Tổng thống Obama, trong những tháng tới có thể hàng triệu người ở châu Phi sẽ bị nhiễm, và nếu cộng đồng thế giới không kịp lo liệu, sẽ có thể hàng trăm ngàn người sẽ tử vong vì bệnh này.
(Tuy cũng gọi là "bệnh sốt xuất huyết", bệnh SXH ở Việt Nam cũng như các nước Đông Nam Á, Puerto Rico (Mỹ), Nam Mỹ và các đảo trong biển Caribbean hiện nay do virus tên dengue, được muỗi thành phố (Aedes) mang virus, chích vào bệnh nhân và truyền virus vào dòng máu của bệnh nhân. Bệnh dengue cũng gây nóng sốt, đau nhức dữ dội (nên còn gọi là “breakbone fever”) và những triệu chứng xuất huyết, bầm tím trong da; dengue gây tử vong ít hơn Ebola.)

Dịch SARS bùng phát năm 2003, Thượng Hải, Trung Quốc
Dịch SARS bùng phát năm 2003,
Thượng Hải, Trung Quốc
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, virus Ebola của Tây Phi có khả năng lan qua khu vực Đông Nam Á như Philippines vì những xứ này có công dân xuất khẩu lao động đi khắp thế giới. Tuy nhiên vùng Đông Á (hay Đông Nam Á) có thể được chuẩn bị tốt hơn các vùng khác vì trong những năm trước từng đối phó với những dịch cúm, cúm gà, SARS (bệnh "hội chứng suy hô hấp bán cấp tính"). Mỹ và Anh đang yêu cầu Phillipines gửi nhân viên y tế qua Tây Phi, nơi mà giới y tế địa phương đang muốn bỏ cuộc vì nhiều bác sĩ và y tế bị chết sau khi tiếp xúc với bệnh (10-12-2014).
Virus Ebola được truyền từ người này qua người khác do những chất lỏng (fluid) của cơ thể (nước miếng, phân, nước tiểu, máu, tinh dịch). Gần đây người ta thấy virus ebola còn tồn tại trong tinh dịch (sperm) của người bệnh sau khi người đó đã hồi phục khỏi bệnh. Virus được nhiễm vào cơ thể qua do tiếp cận trực tiếp [direct contact, đụng chạm trực tiếp, không phải bay qua không khí, theo CDC] các niêm mạc (mũi, miệng), qua các vết nứt trong da, và qua đường không phải đường ăn uống (parenteral; (ví dụ trước đây, một người khảo cứu người Anh bị nhiễm Ebola lúc rút máu từ các con chuột thí nghiệm bị bệnh, nhưng sau đó, nhờ truyền máu của người đã phục hồi khỏi bệnh, anh ta được cứu sống). Bệnh thường tiến triển nhanh đến mức hệ miễn nhiễm không đủ thời gian để dựng nên phản ứng đề kháng.
Bệnh viện Texas Health Presbyterian Hospital Dallas, nơi ông Thomas Duncan được chữa trị.
Bệnh viện Texas Health Presbyterian Hospital 
Dallas, nơi ông Thomas Duncan được chữa trị.

Tại Texas, Mỹ, bệnh nhân đầu tiên từ Liberia, Tây Phi, ông Thomas Eric Duncan, không có triệu chứng lúc bay qua Mỹ, sau đó nóng đến 103 độ F, vào khám bệnh viện Texas Health Presbyterian (26.9.2014), do sơ sót không để ý đến lời khai bệnh nhân vừa đến từ châu Phi, phòng cấp cứu biên toa cho về nhà. Hai ngày sau bệnh nhân trở lại, nhập viện và chết 11 ngày sau đó (ngày 8 thg 9-2014). Brincidofovir, một thuốc trong vòng thử nghiệm được dùng trong trường hợp này. Thuốc Zmapp không được dùng cho bệnh nhân này. Ngày 12 tháng 10, có tin nhân viên y tế Nina Phạm săn sóc cho ông Duncan đã lên cơn sốt và được xác nhận nhiễm Ebola. Giám đốc CDC bác sĩ Thomas Frieden cho rằng nhân viên y tế bị nhiễm đã sơ hở trong một bước nào đó của quy trình che chở chính bản thân ("a breach in protocol," ví dụ tháo găng tay không đúng cách, để phía ngoài găng chạm vào da mình). Sau đó bác sĩ Frieden phải xin lỗi rút lại câu nói đó, và nói chúng ta phải “suy nghĩ lại” (rethink) cách mà chúng ta chống lại Ebola. Ngày 15 tháng 10, thêm một nhân viên điều dưỡng được định bệnh nhiễm Ebola.
Một nữ y tá người Tây Ban Nha bị nhiễm, bà Teresa Romero, là người đầu tiên bị nhiễm bệnh Ebola tại Châu Âu (30/9/2014). Hồi cuối tháng 9-2014, bà phụ trách cho một nhà truyền giáo mắc bệnh ở Tây Phi về Tây Ban Nha để chữa trị, sau đó ông này chết vì bệnh Ebola. Bà chỉ có tiếp xúc với ông này hai lần, một lần để thay tã lót cho bệnh nhân, và lần sau để dọn dẹp phòng bệnh nhân sau khi bệnh nhân qua đời. Người ta nghi bà nhiễm virus Ebola vì sau khi làm việc xong, gỡ bỏ găng tay, bà đã lỡ đụng mặt ngoài găng tay lên mặt mình (phía mặt ngoài găng bị nhiễm các chất từ cơ thể người bệnh và có chứa virus). Mấy ngày sau bà ngã bệnh, và sợ bệnh lan ra, con chó của bà cũng bị toà án ra lệnh cho giết chết một cách nhân đạo và hỏa thiêu. Bà Romero được chữa bằng thuốc đang trong vòng thí nghiệm, tên Zmapp, và cho đến hôm nay, ngày 11 tháng 10, tình hình có vẻ khả quan hơn đôi chút.

Triệu chứng EVD
•    Nóng sốt (trên 38.6C hay 101.5F)
•    Nhức đầu dữ dội
•    Đau bắp thịt, yếu ớt, mệt mỏi
•    Ói mửa, tiêu chảy, đau bụng
•    Xuất hiện các vết bầm tím
•    Các triệu chứng xuất hiện 8-10 ngày sau khi tiếp xúc với nguồn bệnh (thời gian ủ bệnh nhanh có thể trong hai ngày, lâu đến 21 ngày)
Mexico phát tờ rơi tuyên truyền về các triệu chứng của bệnh Ebola cho người dân hay đi lại giữa biên giới Hoa Kỳ và Mexico
Mexico phát tờ rơi tuyên truyền về các triệu
 chứng của bệnh Ebola cho người dân hay
đi lại giữa biên giới Hoa Kỳ và Mexico

Sau giai đoạn ban đầu với triệu chứng tương tự như cúm, (flu-like symptoms) bệnh nhân có thể nổi ban (skin rash) đến giai đoạn tiêu hoá, xuất huyết: chảy máu ngoài da, mũi, âm đạo, ói ra máu, đi cầu ra máu. Trong giai đoạn cuối cùng, hiện tượng suy nhiều bộ phận (phổi làm khó thở, suy gan, suy thận; multi-organ failure) và shock có thể xảy ra, và có thể chết.
•    Tỷ lệ tử vong trung bình là 50%, trong quá khứ tỷ lệ này biến đổi từ 25% cho đến 90%.
•    Những nhóm ca bệnh đầu tiên bộc phát (outbreaks) ở những ngôi làng xa xôi nằm cạnh rừng Trung tâm Phi Châu; tuy nhiên gần đây những dịch bộc phát ở các trung tâm đô thị lớn cũng như ở nông thôn.
•    Thành công ngăn chặn các ổ dịch này tuỳ thuộc vào sự phối hợp các cố gắng nhiều mặt của cộng đồng liên hệ thành một "gói" (package): như phát hiện trường hợp bệnh, theo dõi các trường hợp tiếp cận với bệnh, chôn cất, phòng thí nghiệm, giáo dục quần chúng. Dân chúng ở vùng xa xôi ở Châu Phi vẫn tin là bệnh Ebola do bệnh nhân bị bùa phép gây nên (witchcraft) và người da trắng mang mầm bệnh, cho nên gần đây dân địa phương ở Guinea giết một nhóm tám người gồm người hoạt động xã hội, nhà báo đi vào các làng để phát hiện và cô lập các ca bệnh và giáo dục quần chúng.

Biện pháp phòng ngừa
•    Theo CDC, nếu chúng ta đến vùng có dịch Ebola, cần rửa tay bằng xà phòng, thuốc sát trùng. Tránh đụng đến máu và những chất lỏng từ cơ thể người khác (body fluids)
•    Đừng đụng tới những dụng cụ, áo quần, giường chiếu đã tiếp xúc với người bệnh.
•    Tránh các tang lễ, chôn cất ở đó phải đụng tới ("handling") xác người bệnh
•    Tránh tiếp xúc với dơi, khỉ (linh trưởng/primates), không ăn thịt sống, máu, các chất lỏng từ cơ thể chúng (body fluids).
•    Tránh các bệnh viện ở Tây Phi ở đó người ta chữa các bệnh nhân bị nhiễm Ebola.
•    Nếu từ Tây Phi về, theo dõi tình trạng sức khoẻ mình trong 21 ngày. Nếu có triệu chứng nhiễm Ebola, cần đi khám bệnh ngay (nên báo trước cho nơi mình đến khám là mình có thể bị nhiễm Ebola để người ta chuẩn bị các biện pháp cách ly cần thiết như cho bệnh nhân vào phòng riêng, người khám mang áo, mặt nạ bảo vệ, v..v)

Biện pháp quốc tế ngăn chặn bệnh lan rộng
Hành khách đo nhiệt độ cơ thể trước khi bay
Hành khách đo nhiệt độ cơ thể trước khi bay
•    Hiện nay để ngăn chặn bệnh lây lan qua Mỹ, tại phi cảng một số thành phố như Chicago, Washington DC (Dulles Airport), New York những hành khách đến từ Liberia, Sierra Leone, Guinea được đo nhiệt độ lúc mới đến (bằng tia hồng ngoại, không chạm đến bệnh nhân) và được nhân viên chính phủ Mỹ hỏi một số câu hỏi về tình hình sức khoẻ của họ, và khả năng họ có tiếp xúc, hay bị phơi nhiễm (exposed) với người nhiễm virus Ebola hay không. Nếu có nguyên nhân để nghi ngờ, như nhiệt độ lên cao (nóng sốt), hay triệu chứng khả nghi, những người này bị cách ly và đem đến bệnh viện để được khám và theo dõi. Có người chỉ trích biện pháp này là không hữu hiệu lắm vì sẽ không phát hiện những người trong thời kỳ  tiềm ẩn (có thể kéo dài ba tuần lễ, trong khi mà bệnh nhân chưa có triệu chứng gì cả), những người cố tình dấu bệnh sử của mình đã tiếp xúc với nguồn bệnh hoặc những người lên máy bay thì phát bệnh, và có thể lúc phát hiện được thì máy bay đã đem các hành khách bị phơi nhiễm đi nơi khác.

Các phương pháp định bệnh virus Ebola
•    Phát hiện những thành phần vật liệu di truyền của virus bằng PCR (Polymerase Chain Reaction=phản ứng dây chuyền dùng men polymerase), có thể âm tính giả trong mấy ngày đầu và phải đợi 3-5 ngày sau khi phát triệu chứng mới có phản ứng dương.
•    Phát hiện kháng thể của cơ thể chống ebola (ELISA=Enzyme-linked Immunosorbent Immunoassay), có thể phải đợi lâu hơn ba ngày, để hệ miễn nhiễm cơ thể có thời gian sản xuất kháng thể tới mức phát hiện được (sau đó thì sản xuất mạnh trong thời kỳ hồi phục)
•    Cấy virus ebola; chỉ thực hiện được ở một số phòng thí nghiệm được trang bị đặc biệt và an toàn.
•    Hiện nay, không thể dùng những thử nghiệm này để kiểm tra tất cả mọi người bị sốt đến từ Châu Phi được, và người ta chỉ thử máu những người đến từ các nơi có nguy cơ nhiễm Ebola cao (theo bác sĩ Sandro Cinti, chuyên về bệnh nhiễm, thuộc bệnh viện Đại học Michigan.)

Cách chữa trị
Nhà truyền giáo ở Tây Ban Nha dù được chích Zmapp nhưng vẫn không qua khỏi.
Nhà truyền giáo ở Tây Ban Nha dù được
chích Zmapp nhưng vẫn không qua khỏi.


•    Hiện nay, chưa có thuốc đặc trị Ebola. Bệnh nhân được cung cấp cho đủ nước, (rehydration) chữa theo triệu chứng, hỗ trợ để cải thiện tình hình chung của bệnh nhân. Những thuốc chữa dùng biện pháp miễn nhiễm (dùng kháng thể chống Ebola) còn đang trong vòng nghiên cứu, thí nghiệm.

•    Zmapp là một thuốc chích tĩnh mạch, Zmapp (do tên hãng Mapp Biopharmaceuticals, một trong hai hãng cùng phát triển ra thuốc này), được nghiên cứu từ bảy năm nay và cho tới nay chỉ được thí nghiệm với kết quả tốt trên những con khỉ macaque, nhưng chưa bao giờ được dùng trên người. Hai trong ba kháng thể Zmapp cung cấp cho người bệnh đến bám chặt vào một protein trên vỏ ngoài của virus Ebola và không cho virus hoạt động tấn công tế bào người bệnh (đây là một loại chủng ngừa tạo nên miễn nhiễm thụ động). Một trong ba kháng thể báo động cho hệ miễn nhiễm biết tế bào nào của cơ thể đã bị nhiễm virus và do đó hệ miễn nhiễm sẽ tiêu diệt các tế bào này.
•    Zmapp gồm ba kháng thể đơn dòng (cocktail of monoclonal antibodies) được sản xuất trong kỹ nghệ sinh học (genetic engineering), bởi những cây thuốc lá (“plantibodies”=kháng thể do thực vật [cây] sản xuất). Các cây thuốc lá này đã được công nghệ sinh học biến đổi để có khả năng sản xuất các kháng thể theo ý muốn, theo sự hướng dẫn của những gene thu hoạch từ tế bào chuột từng phơi nhiễm với virus Ebola và tế bào myeloma của người. Đáng thú vị là thuốc này là kết quả của những nghiên cứu của kỹ nghệ thuốc lá (hãng Reynolds), kỹ nghệ quốc phòng về chiến tranh sinh học (biodefense) và của hai nước Mỹ và Canada.
•    Hãng KentuckyBioProcessing (một công ty con của công ty thuốc lá Reynolds) phụ trách sản xuất Zmapp. Một protein đặc biệt được chích vào lá cây thuốc lá được trồng vài tuần, một tuần sau thì cây sản xuất đủ thuốc trong lá để được trích tinh.
•    Có hai nhân viên y tế Mỹ và một người Anh làm việc tại Phi Châu được đặc cách dùng thuốc này và khỏi bệnh. Trái lại, nhà truyền giáo người Spain, 75 tuổi, chết vì bệnh mặc dù được chích Zmapp.
•    Đầu tháng 10, các khoa học gia Thái ở Đại học Mahidol công bố đã dùng những gene người để sản xuất ra một kháng thể nhỏ đến mức có thể chui vào virus ebola và ngăn chúng sinh sản. Tuy nhiên họ không có khả năng tiếp cận với mẫu virus Ebola và cần sự giúp đỡ của Mỹ mới có thể xúc tiến thêm về khảo cứu này để hy vọng, nếu thành công, áp dụng được trên lâm sàng (theo VOA).
•    Convalescent serum hay hemotherapy: như trường hợp cô điều dưỡng Nina Phạm đang được chích huyết thanh hay máu từ một bác sĩ Mỹ đã hồi phục, ông bác sĩ này trước khi được chữa bằng Zmapp, cũng từng được chích máu hay huyết thanh của một cậu bé châu Phi 15 tuổi mà ông ta đã chữa khỏi.
•    Có hai thuốc chủng ngừa đang được xét để đi vào áp dụng phổ biến trên người. Theo WHO, hy vọng qua năm 2015, vaccine sẽ có thể được áp dụng giới hạn cho nhân viên y tế hay ở tuyến đầu các vùng bị dịch; việc áp dụng vaccine rộng rãi cũng như trị liệu dùng máu hay huyết tương của người từng bị nhiễm bệnh và hồi phục chắc phải đợi lâu hơn.
Tóm lại, từ ngày virus Ebola được khám phá ở châu Phi năm 1976 đến nay, đã có nhiều nhóm bệnh bộc phát và nhiều khảo cứu đem lại một số lượng kiến thức nhất định về chẩn bệnh, dịch học và trị liệu. Tuy nhiên, đây là cơn bộc phát lớn nhất từ trước đến nay, trong bối cảnh toàn cầu hoá làm những nơi xa xôi nhất xích lại gần nhau một cách nguy hiểm. Y giới đang phải học những bài học mới, xét lại cách thức làm việc của bệnh viện cũng như nhân viên điều dưỡng, "suy nghĩ lại" (rethink, theo lời bác sĩ Frieden của CDC), để đối phó với một tình huống nghiêm trọng mới khởi đầu, có thể ảnh hưởng đến toàn thể nhân loại. Ngày 14 tháng 9, CDC loan báo sẽ gửi một ê kíp chuyên gia chuyên về virus ebola, trong vòng vài giờ, đến bất cứ bệnh viện nào có xác nhận một trường hợp Ebola. CDC đang nghĩ tới biện pháp chuyển tất cả bệnh nhân nhiễm ebola, nếu có, về chữa tại chừng bốn đơn vị chuyên môn có những "đơn vị ngăn chặn sinh học" (biocontainment unit), điều mà một bệnh viện trung bình khó thực hiện được, trái với ý kiến trước đây cho rằng bất cứ bệnh viện nào ở Mỹ cũng đủ khả năng chữa các bệnh nhân nhiễm ebola.
Tài liệu tham khảo:
1)    Trung tâm Kiểm soát Bệnh Mỹ (CDC)
http://www.cdc.gov/vhf/ebola/prevention/
2)    Tổ chức Y tế Quốc tế (WHO)
http://www.who.int/csr/disease/ebola/en/
3)    CNN: Ebola screenings begin at JFK; four more airports start next week
http://www.cnn.com/2014/10/11/health/ebola/index.html
4)    Ebola 'Secret Serum': Small Biopharma, The Army, And Big Tobacco
http://www.forbes.com/sites/erincarlyle/2014/10/11/confirmed-facebooks-mark-zuckerberg-paying-more-than-100-million-for-kauai-property/
5)    Brenda Goodman: Experimental Ebola Serum Grown in Tobacco Leaves
http://www.webmd.com/news/20140804/ebola-virus-vaccine
6)    http://www.cbsnews.com/news/how-doctors-test-for-ebola/

Bác sĩ Hồ Văn Hiền

No comments :

Post a Comment

Hiện tượng “Dưa leo”


Mà các bạn cũng biết ở Việt Nam muốn nắm quyền hành cao thì phải là đảng viên, mà đảng viên theo chỉ thị 15 thì công an không đụng vô được. Nó giống như Thượng phương bảo kiếm của Bao Công đó các bạn! Vậy thì sao? Các bạn kết luận cho bản thân nhé.

Ảnh nghệ thuật : "Đường cong hoa sen”

Giữa sen và cơ thể xuân thì của thiếu nữ Việt có một điểm chung dễ nhận thấy, đó là những đường cong mềm mại, gợi cảm… Có thể cảm nhận rõ nét điều này qua những tác phẩm do họa sĩ / nhiếp ảnh gia Dương Quốc Định thực hiện: