Tuesday, December 2, 2014

Chế độ ăn giúp người tiểu đường tránh bệnh thận

069_Bsip_009984_015-305.jpg
Một buổi hội thảo dinh dưỡng cho người tiểu
đường tại bệnh viện của Meaux, Pháp,
AFP photo

Việt Hà, phóng viên RFA
Những người bị tiểu đường thường hay bị các bệnh liên quan đến tiểu đường như tim mạch hay thận. Làm thế nào để giảm thiếu nguy cơ mắc bệnh thận khi có bệnh tiểu đường?

Tiểu đường và bệnh thận
Tiểu đường được coi là một trong những bệnh phổ biến nhất thế giới hiện nay. Theo thống kê của tổ chức Y tế Thế giới (WHO) có khoảng 347 triệu người trên thế giới đang mắc bệnh tiểu đường. Đây cũng là một trong bảy nguyên nhân dẫn đễn tử vong cao nhất trên thế giới từ nay đến năm 2030, theo WHO. Điều đáng chú ý là phần đông những người bị tiểu đường tử vong do các bệnh có liên quan, trong đó bệnh thận là căn bệnh gây nhiều lo ngại nhất.
Nói về sự liên quan giữa bệnh tiểu đường và bệnh thận, bác sĩ Robert Stanton, Trưởng khoa thận niệu học thuộc Trung tâm điều trị tiểu đường Joslin, đại học Harvard, cho biết:
Khoảng 30 đến 40% những người bị bệnh tiểu đường dạng 1 bị bệnh thận và khoảng 20 đến 30% người bị tiểu đường dạng 2 sẽ bị bệnh thận. Và không phải tất cả họ sau đó sẽ bị suy thận từ đó đòi hỏi phải có chạy thận nhân tạo hoặc thay thận, là nỗi lo chính của họ, nhưng một số người sẽ đến giai đoạn này, vì vậy họ cần được phát hiện và điều trị bệnh sớm.
Nguyên nhân khiến người bị tiểu đường thường dễ mắc bệnh thận là do lượng đường trong máu quá cao khiến thận phải làm việc quá nhiều, dần dần dẫn đến mất khả năng làm việc.
Khi cơ thể con người tiêu hóa các protein từ thịt, quá trình này đồng thời cũng tạo ra các sản phẩm phải thải bỏ. Thận làm nhiệm vụ thải bỏ các chất này qua nước tiểu và giữ lại các protein và tế bào máu. Tuy nhiên, bệnh tiểu đường có thể phá hỏng hệ thống lọc tự nhiên này của cơ thể. Lượng đường trong máu quá cao, tức vượt quá 140 mg trên 1 deciliter, thì thận sẽ phải lọc quá nhiều máu. Sau một thời gian, protein cũng sẽ bị thải qua đường tiểu, và đó là dấu hiệu của bệnh thận.
Theo bác sĩ Robert Stanton, khi một người bị tiểu đường, không chỉ các chức năng thận bị giảm mà còn nhiều yếu tố sức khỏe khác cũng bị ảnh hưởng.
Khi bạn bị bệnh thận, không chỉ thận bị ảnh hưởng mà còn nhiều yếu tố khác liên quan đến tiểu đường cũng bị ảnh hưởng. Bệnh thận dường như chỉ là điểm bùng phát khi hệ thống tim mạch, mắt và các bộ phận khác của cơ thể cũng xuống dốc nhanh chóng. Vì vậy việc chẩn đoán sớm bệnh thận và điều trị kịp thời giúp bảo vệ cơ thể bạn khỏi các ảnh hưởng phụ từ tiểu đường.
Không phải ai bị tiểu đường cũng sẽ bị thận. Các yếu tố khiến người bị tiểu đường có thể bị bệnh thận bao gồm vấn đề gen, việc kiểm soát lượng đường trong máu, và huyết áp của người bệnh. Người tiểu đường có huyết áp cao cũng dễ bị bệnh thận vì huyết áp cao có thể làm hỏng các mạch máu trong thận khiến chúng không còn có khả năng lọc các chất độc trong cơ thể. Đó cũng là nguyên nhân vì sao những người tiểu đường thường đường khuyên phải cẩn thận với lượng muối ăn vào trong ngày vì muối làm tăng huyết áp.

Kiểm soát tiểu đường và bệnh thận
069_Bsip_010362_014-200.jpg
Kiểm tra lượng đường trong máu 
trước bữa ăn của người bệnh tiểu
 đường. AFP photo
Để kiểm soát bệnh tiểu đường và tránh bệnh thận hoặc làm chậm tiến triển của bệnh thận, các bác sĩ thường đưa ra ba hướng tiếp cận chính bao gồm: kiểm soát đường trong máu, huyết áp người bệnh và lượng protein bị thải ra theo đường tiểu. Để thực hiện việc kiểm soát này, các bác sĩ thường khuyên người bệnh đồng thời uống một số các loại thuốc, như thuốc chống tiểu đường, thuốc hạ huyết áp đối với những người bị tiểu đường mà chưa bị thận, và thuốc cho những người đã phát hiện có protein trong nước tiểu.
Ngoài việc uống thuốc, chế độ ăn cũng được cho là yếu tố quan trọng giúp người bị tiểu đường tránh bị bệnh thận sau này.
Một nghiên cứu mới được công bố vào tháng 8 vừa qua của các bác sĩ thuộc trường đại học Y Vienna, Áo, cho thấy một chế độ ăn nhiều rau quả, và hạn chế rượu, cồn có thể giúp người bị tiểu đường dạng 2 giảm được các nguy cơ bị thận hoặc làm chậm quá trình này.
Các nhà nghiên cứu đã tiến hành quan sát số liệu của hơn 6,200 bệnh nhân tiểu đường và thấy gần 32% trong số này sau đó bị bệnh thận và 8% tử vong sau đó khoảng 5 năm. Nghiên cứu cũng cho thấy những người bị tiểu đường ăn ít protein và ăn nhiều hơn 85 gram quả một tuần có ít nguy cơ bị bệnh thận hơn những người ăn nhiều protein và ít rau quả.
Khoảng 30 đến 40% những người bị bệnh tiểu đường dạng 1 bị bệnh thận và khoảng 20 đến 30% người bị tiểu đường dạng 2 sẽ bị bệnh thận.
- BS. Robert Stanton
Các nhà nghiên cứu cũng cho rằng việc hạn chế ăn tinh bột (carborhydrate) cũng giúp làm giảm nguy cơ này.
Bác sĩ Rainer Oberbauer, người tham gia nghiên cứu thuộc trường đại học Y Vienna, cho biết:
Một chế độ ăn khỏe mạnh không chỉ làm giảm tỷ lệ tử vong ở người bệnh mà còn giảm nguy cơ của bệnh thận…Chúng tôi không đưa ra lời khuyên cụ thể về các loại quả nhiều bột hay đường nhưng bạn ăn càng nhiều các loại quả chứa nhiều bột và đường thì nguy cơ bị bệnh thận cũng tăng gấp 3 lần. Cho nên số liệu không cho rằng việc ăn nhiều loại quả có hàm lượng đường và bột cao tốt cho người bị tiểu đường.
Trong nghiên cứu của các nhà khoa học Áo, bệnh nhân được điền vào phiếu câu hỏi về chế độ ăn của họ. Các nhà nghiên cứu sau đó chấm thang điểm từ 0 đến 90, theo đó 0 là chất lượng thấp nhất và 90 là cao nhất. Điểm trung bình của những người tham gia nghiên cứu là 24.6, trong đó người cao nhất là 66.2 và người thấp nhất là 9.8.
Nghiên cứu cho thấy 1/3 những người tham gia nghiên cứu và có điểm về chế độ ăn cao có ít hơn 26% nguy cơ phát hiện bệnh thận và ít hơn 39% nguy cơ bị chết trong giai đoạn nghiên cứu, so với số 1/3 người bệnh có điểm thấp nhất.

Hạn chế tinh bột, tăng rau quả
049_f0057235-250.jpg
Thực phẩm cho người ăn kiêng,
ảnh minh họa. AFP photo
Theo bác sĩ Oberbauer, trên thực tế, kể từ sau khi thế giới phát hiện ra insulin giúp người bệnh tiểu đường kiểm soát được tình trạng bệnh tật, người ta có xu hướng ăn ngày một nhiều tinh bột và protein hơn so với trước kia khi chưa phát hiện được insulin. Điều này cũng khiến các bác sĩ có lúc không biết khuyên bệnh nhân nên ăn một lượng protein hay tinh bột cụ thể ra sao.
Insulin được phát hiện từ năm 1921, trước đó các điều trị chủ yếu với tiểu đường là để cho đói. Nhưng sau khi phát hiện được insulin thì mọi người tăng dần lượng tinh bột trong khẩu phần ăn đến mức gần như bình thường. Vào khoảng giữa những năm 1980 người ta không biết là nên khuyên người tiểu đường ăn chế độ tinh bột thế nào cho thống nhất. Sau đó các nhà nghiên cứu ở Mỹ tìm thấy là nếu bệnh nhân được ăn lượng protein thấp hơn thì tiến triển của bệnh thận cũng chậm đi.
Insulin là chất được tuyến tụy sản xuất và có tác dụng giúp cơ thể sử dụng hay tích trữ đường từ đồ ăn. Ở những người bị tiểu đường dạng 1, tuyến tụy ngừng sản xuất insulin, trong khi ở những người bị tiểu đường dạng 2 dù cơ thể vẫn sản xuất insulin nhưng cơ thể không đáp ứng tốt với insulin này. Những người bị tiểu đường dạng 2 cần phải uống hoặc tiêm insulin để giúp cơ thể sử dụng đường.
Trước khi phát hiện insulin, các bác sĩ thường sử dụng biện pháp nhịn ăn để kéo dài tuổi thọ của người bệnh. Việc nhịn ăn dẫn đến thiếu chất và cũng dẫn đến tử vong. Các bác sĩ lúc đó đã biết rằng việc nhịn ăn cũng là giảm lượng đường ở người bị tiểu đường. Việc hạn chế calorie trong mỗi bữa ăn đã được chứng minh là có tác dụng tốt với những người bị tiểu đường và thừa cân. Tuy nhiên việc nhịn ăn này không tốt với tất cả mọi người bị tiểu đường vì thường dẫn đến thiếu chất.
Chúng tôi không đưa ra lời khuyên cụ thể về các loại quả nhiều bột hay đường nhưng bạn ăn càng nhiều các loại quả chứa nhiều bột và đường thì nguy cơ bị bệnh thận cũng tăng gấp 3 lần.
- BS. Rainer Oberbauer
Theo bác sĩ Oberbauer, người bị tiểu đường, muốn tránh bị bệnh thận, nên hạn chế ăn thịt đỏ và tinh bột nhưng không có nghĩa là tránh hoàn toàn.
Nếu bạn là người sống trong khó khăn, bố mẹ đi làm từ sớm và bạn tự tìm cách ăn sáng cho mình và bạn có thể quen dần với việc ăn các đồ ăn không tốt. Đó chính là những người không quen với chế độ ăn khỏe mạnh và cần những lời khuyên. Ở đây không có nghĩa là bạn không thể ăn thịt đỏ. Nếu bạn ăn hamburger cho cả sáng,trưa, chiều thì mọi người đều biết là không tốt. Nhưng nếu bạn ăn một thịt đỏ cách một vài ngày thì khác. Nếu bạn không ăn rau quả thì mọi người cũng hiểu đó là không tốt. Với những người không hiểu được vấn đề này, họ cần có lời khuyên từ bác sĩ trong chế độ ăn, đó là giảm thịt đỏ, tinh bột và tăng rau quả trong chế độ ăn mỗi ngày.
Theo bác sĩ Oberbauer, người tiểu đường hoàn toàn có thể sống bình thường với một chế độ ăn thích hợp. Không nên quá lo ngại về các nguy cơ cao về bệnh thận hay tim mạch có liên quan. Dù thế nào đi chăng nữa, một chế độ ăn có nhiều rau quả và ít lượng tinh bột cũng tốt cho tất cả mọi người, không phải chỉ riêng người bị bệnh tiểu đường.
Xin quý vị chia sẻ các thông tin và câu hỏi về các vấn đề y tế, sức khỏe đến trang tạp chí sức khỏe đời sống tại email vietha@rfa.org hoặc www.facebook.com/vietharfa

No comments :

Post a Comment

Hiện tượng “Dưa leo”


Mà các bạn cũng biết ở Việt Nam muốn nắm quyền hành cao thì phải là đảng viên, mà đảng viên theo chỉ thị 15 thì công an không đụng vô được. Nó giống như Thượng phương bảo kiếm của Bao Công đó các bạn! Vậy thì sao? Các bạn kết luận cho bản thân nhé.

Ảnh nghệ thuật : "Đường cong hoa sen”

Giữa sen và cơ thể xuân thì của thiếu nữ Việt có một điểm chung dễ nhận thấy, đó là những đường cong mềm mại, gợi cảm… Có thể cảm nhận rõ nét điều này qua những tác phẩm do họa sĩ / nhiếp ảnh gia Dương Quốc Định thực hiện: