Tuesday, December 2, 2014

Bệnh Celiac đường ruột và những điều cần lưu ý

067_280751-305.jpg
Các loại bánh Gluten-free (không chứa gluten),
 ảnh minh họa chụp ngày 26/10/2013.
Việt Hà, phóng viên RFA
Bệnh celiac mặc dù không phải là một bệnh phổ biến như một số loại bệnh đường ruột khác nhưng có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe về lâu dài. Điều đáng lưu ý là nhiều người bị bệnh celiac nhưng lại không nghĩ mình bị bệnh này nên không có những xét nghiệm và điều trị kịp thời. Để góp phần cung cấp thêm thông tin về loại bệnh đường ruột nguy hiểm này, trang tạp chí sức khỏe đời sống do Việt Hà phụ trách tuần này xin mời quý vị cùng tìm hiểu một số thông tin liên quan về nguyên nhân, cách chẩn đoán và điều trị căn bệnh celiac đường ruột.

Triệu chứng

21 năm về trước, Alice Bast, lúc đó mới ngoài 30 tuổi, bắt đầu có những triệu chứng đường ruột bất thường. Cô liên tục tiêu bị chảy nặng, bị đau đầu kinh niên, và liên tục bị sảy thai, sinh non. Những vấn đề về sức khỏe không những làm người phụ nữ trẻ vốn khỏe mạnh trước đó mệt mỏi mà còn căng thẳng và lo lắng. Cô tìm đến 22 bác sĩ và không một bác sĩ nào có thể chẩn đoán đúng bệnh cho cô. Alice Bast nhớ lại:
“Tôi phát hiện bệnh 21 năm về trước. Tôi đã không biết đó là bệnh gì vì tôi có nhiều triệu chứng khác nhau. Có người thì gần như chẳng có triệu chứng gì hoặc rất nhẹ như hơi mệt một chút, một chút đau đầu. Trong trường hợp của tôi thì các triệu chứng rất nặng. Tôi bị tiêu chảy nặng, bị đau đầu kinh niên, tôi bị sẩy thai, tôi bị sụt cân đến 25 pounds. Cuối cùng một bác sĩ thú y ở gia đình đã chẩn đoán cho tôi là tôi bị bệnh celiac.”
Theo lời khuyên của người bạn, Alice Bast tìm đến vị bác sĩ thứ 23 và được cho thử máu, soi ruột để cuối cùng đi đến kết luận cuối cùng. Nhưng ngay cả lúc đó, trước khi có kết quả thử máu, vị bác sĩ tiêu hóa cũng nghi ngờ cô không chắc đã bị celiac vì quan niệm lúc đó thường không cho rằng căn bệnh có thể phát hiện ở một phụ nữ cao lớn ngoài 30 tuổi khỏe mạnh.
Tôi bị tiêu chảy nặng, bị đau đầu kinh niên, tôi bị sẩy thai, tôi bị sụt cân đến 25 pounds. Cuối cùng một bác sĩ thú y ở gia đình đã chẩn đoán cho tôi là tôi bị bệnh celiac.
-Cô Alice Bast
Sau khi được chẩn đoán, Alice đã theo một cách điều trị nghiêm ngặt và kiểm soát được căn bệnh của mình. Cô cũng đã lập ra một quỹ nâng cao nhận thức về căn bệnh cho người bị bệnh celiac tại Mỹ bởi theo cô có rất nhiều người có thể có bệnh celiac mà hoàn toàn không biết mình bị bệnh hoặc biết quá muộn.
Bệnh celiac là một chứng bệnh dị ứng trầm trọng, khi hệ đề kháng của cơ thể chống lại chất đạm (protein) trong lúa mì và một số loại ngũ cốc nhất định. Chất đạm này gọi là gluten. Theo thống kê riêng tại Mỹ, cứ 100 người thì có 1 người bị bệnh celiac và số người chẩn bệnh đang gia tăng gấp 4 lần so với 5 thập niên trước. Các chuyên gia cho rằng nguyên nhân gia tăng có thể là do cách trồng lúa mì, lúa mạch và cách chế biến các nguyên liệu này trong thức ăn.
Những triệu chứng thông thường của căn bệnh celiac bao gồm ăn khó tiêu, đi ngoài, đau bụng, đầy hơi, mệt mỏi, sụt cân, trẻ em chậm lớn. Những người bị bệnh lâu ngày có thể thiếu máu, đau đầu kinh niên, phụ nữ bị sẩy thai hoặc sinh non, như trường hợp của Alice Bast.
Bệnh celiac phá hủy thành ruột làm cho cơ thể mất khả năng hấp thụ các dưỡng chất và dẫn đến những bệnh khác về lâu dài, trong đó có ung thư, đặc biệt là ung thư ruột. Cô Alice Bast giải thích:
“Nếu bạn bị các triệu chứng bệnh, mệt mỏi và vẫn tiếp tục ăn sản phẩm từ bột mì thì có khả năng sẽ phát thêm các bệnh về hệ miễn dịch như bệnh về tuyến trạng, mất xương và nó cũng có thể dẫn đến các bệnh ung thư máu. Cho nên điều quan trọng là nếu nghi ngờ mình bị bệnh celiac thì nên tham khảo danh sách các triệu chứng bệnh và đề nghị bác sĩ cho thử máu. Nếu bệnh không được điều trị, bệnh celiac có thể dẫn đến các hậu quả sức khỏe thậm chí là ung thư như ung thư ruột, suy dinh dưỡng, sẩy thai, và còi xương ở trẻ.”

Tại sao một người bị celiac?

000_DV270963-250.jpg
Một loại beer Gluten-free (không chứa gluten) được bày bán ở Berlin - Đức, ảnh minh họa chụp trước đây. AFP PHOTO.
Bệnh celiac là một bệnh di truyền. Có hai gene chính có thể làm một người mắc bệnh celiac. Tại Mỹ, có từ 30 đến 40% người dân mang trong mình những gene này. Nhưng điều này không có nghĩa là người mang gene bệnh celiac thì cũng bị bệnh celiac. Cô Alice Bast nói:
“30 đến 40% có gene bệnh nhưng chỉ có 1% phát bệnh từ gene này. Vậy thì đâu là những yếu tố rủi ro để một người phát bệnh celiac. Một trong những rủi ro là có người cùng huyết thống bị bệnh, vì cứ 1 trong 22 người trực hệ bị bệnh, cho nên đó là một nguy cơ lớn. Thứ hai là có một nghiên cứu ở Scandinavian  về chế độ ăn cho trẻ sơ sinh và cách dùng kháng sinh, nghiên cứu có tính lý thuyết và người ta thấy là có một số viêm nhiễm ví dụ như bị nhiễm rotavirus có thể làm người có gene này phát bệnh. Người ta cũng nghiên cứu về khả năng người phát bệnh liên quan đến việc lựa chọn đẻ mổ thay vì đẻ thường hoặc liên quan đến quá trình mang thai. Nhiều trường hợp phát hiện celiac ở phụ nữ từ 30 đến 50 tuổi cho nên 46 tuổi là độ tuổi trung bình phát hiện bệnh celiac khi người ta phát bệnh.”
Cho đến hiện nay, các nhà khoa học vẫn chưa thể nói chính xác về nguyên nhân của bệnh celiac vì không phải ai có gene gây celiac cũng phát triển thành bệnh. Các nhà khoa học cho rằng ở một số trường hợp, phẫu thuật, mang thai, sinh nở hoặc bị tổn thương tinh thần nặng cũng có thể khiến người mang gene phát bệnh. Một nghiên cứu gần đây tại Đức cho thấy trong số 2,000 trẻ em được sinh ra bởi phương pháp mổ đẻ thì có đến 80% trẻ có khả năng sẽ bị bệnh celiac. Giải thích được đưa ra là do trẻ sinh bằng đường mổ không được tiếp xúc sớm với các vi khuẩn thông thường so với trẻ sinh thường, vì vậy dễ bị dị ứng.

Chẩn đoán và điều trị

Người nghi bị bệnh celiac muốn biết chính xác mình có bị bệnh hay không cần phải được thử máu và thử sinh tiết đường ruột. Cô Alice Bast lưu ý về những một số điểm trước khi xét nghiệm như sau:
Bạn có thể đi kiểm tra máu để biết mình có bị bệnh này không, kiểm tra máu này gọi là kiểm tra các kháng thể trong máu. Đây là bước đầu tiên để biết bạn có bị bệnh celiac hay không.
-Cô Alice Bast
“Bạn có thể đi kiểm tra máu để biết mình có bị bệnh này không, kiểm tra máu này gọi là kiểm tra các kháng thể trong máu. Đây là bước đầu tiên để biết bạn có bị bệnh celiac hay không. Nhưng điều quan trọng là khi đi thử máu bạn vẫn phải tiếp tục ăn đồ ăn có gluten nếu kết quả thử máu về cho thấy dương tính, thì người ta sẽ làm xét nghiệm sinh tiết ruột để khẳng định là bạn có bị bệnh celiac hay không. một việc bạn cần nhớ trước khi thử máu là bạn vẫn phải tiếp tục ăn sản phẩm có gluten vì đây là điều quan trọng. Bạn không thể ăn không có gluten khi đi thử máu để có kết quả chính xác. Đây là sai lầm của nhiều người. Họ theo một chế độ ăn không có gluten rồi tìm đến bác sĩ để thử máu và không bao giờ thấy bệnh. Cho nên bạn cần kiểm tra trước khi thử và trước khi theo một chế độ ăn hoàn toàn không có gluten.”
Ngoài ra, theo các bác sĩ tiêu hóa, những người có người thân cùng dòng máu bị bệnh celiac cũng nên cân nhắc việc thử máu để tìm kháng thể bởi vì nhiều trường hợp bị bệnh nhưng triệu chứng nhẹ nên bệnh nhân không nghĩ mình đã bị bệnh và không có điều trị.
Việc điều trị hiệu quả nhất hiện nay với bệnh celiac là một chế độ ăn hoàn toàn không có gluten. Đây là thành phần có trong các sản phẩm làm từ bột mì. Các sản phẩm cần tránh là các loại bánh làm từ bột mì, bột lúa mạch, nước tương có gluten, các loại mì ống làm từ bột mì. Một chế độ ăn nghiêm ngặt có thể giúp người bị bệnh phục hồi được màng ruột non, vốn đã bị phá hủy trước đó do ăn gluten. Với người trẻ, quá trình phục hồi có thể chỉ trong vài tháng nhưng với người lớn tuổi, quá trình phục hồi có thể mất từ 2 đến 3 năm.
Tất nhiên việc theo đuổi một chế độ ăn cả đời không có sản phẩm làm từ bột mì cũng làm nhiều người đôi lúc khó chịu. Vì vậy các nhà khoa học trên thế giới hiện đang nghiên cứu một loại thuốc giống như một dạng enzyme để cho vào sản phẩm giúp người bị bệnh celiac có thể ăn thực phẩm có gluten mà không có phản ứng, tương tự như cách điều trị dành cho những người bị bệnh nhạy cảm với lactose trong sữa. Ngoài ra, các nhà khoa học Australia cũng đang tiến hành nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng một loại vaccine đối với bệnh celiac.
Đó là những tín hiệu mừng cho hướng điều trị bệnh celiac trong tương lai. Tuy nhiên, hiện tại cách điều trị duy nhất với bệnh celiac vẫn là ăn kiêng các sản phẩm có chứa gluten. Theo cô Alice Bast thì người bệnh thay vì nghĩ đến những gì họ không thể ăn thì hãy nghĩ đến những gì họ có thể ăn được vì còn rất nhiều những thực phẩm ngon mà họ có thể ăn hàng ngày như thịt cá, rau quả tươi và các sản phẩm làm từ gạo.
Tạp chí sức khỏe đời sống tuần này xin tạm dừng tại đây. Việt Hà cảm ơn quý vị đã quan tâm theo dõi. Xin quý vị chia sẻ các thông tin và những đóng góp về các vấn đề y tế, sức khỏe đến trang tạp chí sức khỏe đời sống tại email vietha@rfa.org hoặc www.facebook.com/vietharfa
Việt Hà xin chào tạm biệt quý vị và xin hẹn gặp lại vào thứ ba tuần tới.

No comments :

Post a Comment

Hiện tượng “Dưa leo”


Mà các bạn cũng biết ở Việt Nam muốn nắm quyền hành cao thì phải là đảng viên, mà đảng viên theo chỉ thị 15 thì công an không đụng vô được. Nó giống như Thượng phương bảo kiếm của Bao Công đó các bạn! Vậy thì sao? Các bạn kết luận cho bản thân nhé.

Ảnh nghệ thuật : "Đường cong hoa sen”

Giữa sen và cơ thể xuân thì của thiếu nữ Việt có một điểm chung dễ nhận thấy, đó là những đường cong mềm mại, gợi cảm… Có thể cảm nhận rõ nét điều này qua những tác phẩm do họa sĩ / nhiếp ảnh gia Dương Quốc Định thực hiện: